Sự trở lại của ông Trump và nguy cơ cuộc chiến thương mại mới

(PLO)- Ông Trump dường như đã "bắn phát súng” đầu tiên về thuế quan, báo hiệu một chính sách thương mại cứng rắn dưới nhiệm kỳ sắp tới của ông.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đầu tuần này, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố ngay trong ngày đầu nhậm chức vào ngày 20-1-2025 ông sẽ áp thuế cao đối với tất cả sản phẩm từ hai nước láng giềng là Canada và Mexico, cũng như từ Trung Quốc, theo hãng tin Reuters.

Đây được xem là những động thái đầu tiên của ông Trump về chi tiết cách ông sẽ thực hiện những lời hứa trong chiến dịch tranh cử liên quan chính sách thương mại cứng rắn mà theo các chuyên gia, điều đó có thể gây ra một cuộc chiến thương mại mới.

Những động thái đầu tiên

Trong một bài viết trên mạng xã hội Truth Social hôm 25-11, ông Trump nói rằng vào ngày 20-1-2025, ông sẽ ký tất cả các sắc lệnh hành pháp cần thiết để áp thuế 25% lên Mexico và Canada đối với tất cả các sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ. Ông Trump giải thích rằng động thái này nhằm trả đũa tình trạng nhập cư bất hợp pháp, “tội phạm và ma túy” tràn vào biên giới Mỹ.

Trump.jpg
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: REUTERS

Theo Reuters, mức thuế mà ông Trump dọa áp đặt lên Mexico và Canada có thể vi phạm các điều khoản của Hiệp định thương mại tự do Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) mà chính ông Trump đã ký vào năm 2020. Thỏa thuận này duy trì hoạt động miễn thuế giữa ba nước.

Trong một bài viết khác cùng ngày, ông Trump cảnh báo Trung Quốc sẽ phải đối mặt với mức thuế cao hơn – thêm 10% so với các mức thuế hiện tại – cho đến khi nước này ngăn chặn được dòng ma túy chảy vào Mỹ. “Tôi đã nhiều lần thảo luận với Trung Quốc về lượng ma túy khổng lồ, đặc biệt là Fentanyl, được chuyển sang Mỹ – nhưng không đạt kết quả” - ông Trump lưu ý.

Bên cạnh đó, ông Trump chọn luật sư thương mại Jamieson Greer làm đại diện thương mại của chính quyền Mỹ sắp tới. Ông Greer từng là quan chức chủ chốt trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump.

Canada, Mexico và Trung Quốc đã ngay lập tức phản ứng với động thái trên của Tổng thống đắc cử Trump.

Người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ Lưu Bằng Vũ cảnh báo rằng cả Bắc Kinh và Washington đều không thắng nếu xảy ra cuộc chiến thương mại. “Về vấn đề thuế quan của Mỹ đối với Trung Quốc, Trung Quốc tin rằng hợp tác kinh tế và thương mại Trung-Mỹ về bản chất là cùng có lợi. Không ai có thể chiến thắng trong cuộc chiến thương mại hay cuộc chiến thuế quan” - ông Lưu nói.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng đã gọi điện cho ông Trump ngay sau khi tổng thống đắc cử Mỹ dọa sẽ áp thuế. Một nguồn tin Canada thân cận nói với Reuters rằng hai bên đã thảo luận về thương mại và an ninh biên giới và mô tả cuộc gọi này là hiệu quả. Nguồn tin nói thêm rằng rằng Thủ tướng Trudeau và ông Trump hứa sẽ giữ liên lạc trong những ngày tới.

Trong một bức thư gửi ông Trump, Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum cảnh báo rằng “cả đe dọa lẫn áp đặt thuế quan đều không giải quyết được vấn đề di cư hay tiêu thụ ma túy". Theo bà Sheinbaum, việc "áp đặt một mức thuế quan sẽ có nghĩa là sẽ kéo theo một mức thuế quan khác, tiếp tục như vậy cho đến khi chúng ta đặt các công ty vào tình thế nguy hiểm”. Hôm 27-11, bà Sheinbaum cũng gọi điện cho ông Trump thảo luận về "việc tăng cường hợp tác về các vấn đề an ninh" và cuộc trò chuyện diễn ra "tuyệt vời".

Trong khi đó, các đồng minh châu Âu - vốn đã lo lắng về lời tuyên bố áp thuế đối với hàng hóa từ ông Trump - coi động thái mới nhất của ông là dấu hiệu cho thấy họ có thể sớm bị mắc kẹt trong một cuộc chiến thương mại với Mỹ. Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị các biện pháp đối phó, bao gồm có kế hoạch nhắm mục tiêu vào các sản phẩm từ các khu vực ủng hộ ông Trump trong bầu cử để gây khó khăn hơn về mặt chính trị cho ông, theo tờ The Wall Street Journal.

"Những tuyên bố của ông Trump rõ ràng báo hiệu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới về chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Mỹ và sẽ cuốn nhiều đối tác thương mại của nước này vào trong phạm vi đó. Những mức thuế quan như vậy sẽ có tác động phá hoại đối với thương mại Mỹ cũng như thương mại quốc tế, vì các quốc gia trên thế giới đang tìm cách làm giảm tác động của thuế quan Mỹ đối với nền kinh tế của họ và cố gắng tìm cách né thuế quan” - ông Eswar Prasad, GS chính sách thương mại tại ĐH Cornell (Mỹ), cho hay.

Nguy cơ cuộc chiến thương mại mới

Mỹ nhập khẩu nhiều hàng hóa hơn xuất khẩu và điều này tạo ra thâm hụt thương mại. Không phải tất cả các nhà kinh tế đều đồng ý rằng thâm hụt thương mại là xấu nhưng ông Trump đã chỉ trích chúng trong nhiều năm và thuế quan là công cụ ưa thích của ông để giải quyết vấn đề đó.

cuộc chiến thương mại và ông Trump.jpg
Giới chuyên gia nhận định tuyên bố áp đặt thuế quan từ ông Trump có thể gây ra một cuộc chiến thương mại mới. Ảnh: FINANCIAL TIMES/GETTY IMAGES

Theo quan điểm của ông Trump, cách thức hoạt động của thuế quan là thuế quan cao sẽ khuyến khích các công ty Mỹ chuyển hoạt động sản xuất từ ​​nước ngoài về Mỹ, giúp củng cố nền kinh tế Mỹ và “làm cho nước Mỹ giàu có trở lại”. "Tất cả những gì bạn phải làm là xây dựng nhà máy của mình tại Mỹ và bạn sẽ không phải chịu thuế quan" - ông Trump nói trong chiến dịch bầu cử.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng việc áp thuế quan rộng rãi sẽ làm tăng giá hàng hóa đối với người tiêu dùng Mỹ và có nguy cơ khiến các quốc gia khác trả đũa, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Mỹ xuất khẩu hàng hóa ra thế giới. Thuế quan cũng sẽ có những tác động nghiêm trọng đến các ngành công nghiệp của Mỹ, bao gồm các nhà sản xuất ô tô, nông dân và các nhà đóng gói thực phẩm.

Vào năm 2023, Canada, Mexico và Trung Quốc nhập khẩu 1.000 tỉ USD hàng hoá của Mỹ và xuất khẩu gần 1.500 tỉ USD hàng hóa và dịch vụ cho Mỹ, hỗ trợ hàng chục triệu việc làm cho người Mỹ, theo tờ New York Times.

Nhà kinh tế Bernard Baumohl của Công ty Economic Outlook Group (Mỹ) nói rằng những mức thuế quan mà ông Trump dọa sẽ áp đặt cuối cùng sẽ phản tác dụng trở lại Mỹ dưới hình thức lạm phát cao hơn và lãi suất tăng. Bộ trưởng Kinh tế Mexico Marcelo Ebrard cảnh báo rằng thuế quan sẽ dẫn đến tình trạng mất việc làm hàng loạt ở Mỹ, khiến tăng trưởng chậm hơn và ảnh hưởng đến các công ty Mỹ sản xuất tại Mexico do phải trả gấp đôi số thuế.

Theo các chuyên gia thương mại và kinh tế, lời đe dọa áp thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ mà ông Trump đưa ra có thể gây ra một cuộc chiến thương mại toàn cầu khốc liệt, trong đó người tiêu dùng và các công ty có thể gánh chi phí lớn, theo tờ The Guardian.

Tờ Foreign Policy cho rằng ông Trump đã tham gia vào các cuộc chiến thương mại trong tương lai trước khi ông nhậm chức. Đề xuất của ông về mức thuế nhập khẩu cao đối với tất cả các sản phẩm từ các đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ cho thấy trước chính xác cách tiếp cận tổng bằng không của ông đối với kinh tế.

Sự trở lại của chiến lược gây “áp lực tối đa”

Theo The Wall Street Journal, việc Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế đối với hàng hóa từ Canada, Mexico và Trung Quốc báo hiệu một giai đoạn mới: Quan hệ đối tác đã lỗi thời, thay vào đó là sự áp lực.

"Toàn bộ thế giới quan của ông ấy là gây áp lực tối đa, đơn giản vậy thôi” - một cố vấn của ông Trump đang được cân nhắc cho vị trí chính sách đối ngoại cấp cao cho hay.

Ông Trump đang cho thấy nhiệm kỳ thứ hai của ông sẽ giống như nhiệm kỳ đầu tiên, được định hình bằng các cuộc chiến kinh tế và ngoại giao với cả đồng minh và đối thủ cạnh tranh. Điều này hoàn toàn khác với cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Joe Biden - vốn nhấn mạnh việc tạo ra các thỏa thuận và xây dựng sự đồng thuận về chính sách ở châu Âu và châu Á.

Các đồng minh của Trump cho biết mục tiêu của ông là giành được đòn bẩy trong các cuộc đàm phán, dù là với đồng minh hay đối thủ.

“Thuế quan đối với các đồng minh là một lựa chọn lành tính hơn so với lệnh trừng phạt đối với các đối thủ, nhưng cả hai đều được thiết kế để đạt được cùng một mục đích, đó là tăng đòn bẩy đàm phán của Mỹ để tìm ra một thỏa thuận thúc đẩy lợi ích của Mỹ. Đó là áp lực tối đa trên toàn cầu" - ông Mark Dubowit, Giám đốc điều hành của tổ chức nghiên cứu Foundation for Defense of Democracies (Mỹ), nhận định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm