Tại buổi tọa đàm góp ý sửa đổi BLHS do Viện Nhà nước và Pháp luật tổ chức ngày 7-8, bà Nguyễn Ngọc Mai (Viện Nhà nước và Pháp luật) nhận xét BLHS cần tạo điều kiện để người chưa thành niên có cơ hội khắc phục, sửa chữa sai lầm, hạn chế khả năng bị đưa vào vòng tố tụng.
Ít được miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt
Theo bà Mai, Điều 69 BLHS hiện hành đã quy định miễn trách nhiệm hình sự cho người chưa thành niên nếu phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng gây tác hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, được gia đình, cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục. Tuy nhiên, theo thống kê của TAND Tối cao, số người chưa thành niên được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt rất thấp: Năm 2011 chỉ có 3/3.243 bị cáo là người chưa thành niên được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt. Con số này trong năm 2012 là 1/6.252 bị cáo, năm 2013 là 4/5.306 bị cáo, năm 2014 là 5/4.489 bị cáo.
Trong thực tiễn xét xử, số người chưa thành niên phạm tội được áp dụng biện pháp tư pháp thay cho hình phạt cũng rất ít: Năm 2011 chỉ có 2/3.243 bị cáo, năm 2012 có 37/6.252 bị cáo, năm 2013 có 25/5.306 bị cáo và năm 2014 là 6/4.489 bị cáo.
Bà Mai cho rằng những con số nói trên đã cho thấy việc quy định một cách đầy đủ, rõ ràng trong BLHS về các biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên là rất cần thiết. Ngoài ra, việc dự thảo BLHS (sửa đổi) mới nhất không quy định về trường hợp người chưa thành niên tái phạm sau khi được áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự cũng là một thiếu sót lớn.
Theo thống kê của TAND Tối cao, số người chưa thành niên được miễn trách nhiệm hình sự rất thấp. Ảnh minh họa: HTD
Xử lý hình sự pháp nhân: Xu hướng tất yếu!
Một vấn đề khác cũng gây nhiều chú ý là xử lý hình sự pháp nhân.
Theo TS Bùi Nguyên Khánh (Phó Giám đốc Học viện Khoa học xã hội), nhiều nước trên thế giới đã truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Mặt khác, sự phát triển của các loại tội phạm nguy hiểm như buôn lậu, rửa tiền, buôn bán phụ nữ, trẻ em, nội tạng, ma túy… ngày càng gia tăng. Điều đáng nói là các hoạt động này được hoạt động dưới hình thức các công ty hợp pháp, có trụ sở và tài sản riêng, tính chất câu kết hoạt động dưới hình thức các tổ chức tội phạm có mạng lưới và phương thức hoạt động hết sức chặt chẽ trên thế giới… Ở các quốc gia chưa truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân như Việt Nam thì rất khó có cơ sở pháp lý để can thiệp vào tài sản của các loại tổ chức tội phạm nói trên. Muốn triệt hạ nguồn tài chính của các tổ chức tội phạm thì không có biện pháp khi vấp phải hàng rào pháp lý về bảo hộ đầu tư mà nước sở tại đã cam kết bằng các hiệp định đầu tư và sau này là các hiệp định FTA.
TS Khánh nhận xét mặc dù cho đến nay BLHS và thực tiễn xét xử ở Việt Nam mới chỉ quy định trách nhiệm pháp lý của pháp nhân trong pháp luật hành chính, dân sự, kinh tế nhưng trong tiến trình toàn cầu hóa, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân là đòi hỏi tất yếu. Từ đó, ông đề nghị phải bổ sung các tội mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự trong Điều 76 dự thảo BLHS (sửa đổi): Tội mua bán người, mua bán trẻ em, tội sản xuất, buôn bán hàng cấm, tàng trữ và vận chuyển hàng cấm, sản xuất và buôn bán hàng giả… cùng với một số tội về môi trường, lao động, khủng bố, rửa tiền…
Bỏ án tử hình: Nên trưng cầu ý dân? Ở nước ta, số các điều luật quy định hình phạt tử hình đã giảm đáng kể qua các lần sửa luật: BLHS 1985 có 44 điều luật quy định hình phạt tử hình, BLHS năm 1999 có 30 điều luật quy định hình phạt tử hình, đến lần sửa đổi, bổ sung năm 2009 chỉ còn 22 điều luật quy định hình phạt này… Xu hướng chung là hạn chế và tiến tới xóa bỏ hình phạt tử hình. Tuy nhiên, người dân nước ta chưa sẵn sàng cho việc loại bỏ hình phạt tử hình trong cơ cấu hệ thống hình phạt nước ta, nếu ngay lập tức loại bỏ sẽ dễ dẫn đến phản ứng của người dân, gây bất ổn xã hội. Chẳng hạn vụ Lê Văn Luyện cướp tiệm vàng tại Bắc Giang năm 2011. Dù đã phạm những tội đặc biệt nghiêm trọng như giết người, cướp tài sản với nhiều tình tiết tăng nặng nhưng do chưa đủ 18 tuổi tại thời điểm phạm tội nên theo quy định, Luyện không bị áp dụng hình phạt tử hình. Biết được điều này, nhiều người dân đã tỏ thái độ bức xúc, thậm chí có ý kiến đòi phải sửa luật để tử hình Luyện và đại diện các cơ quan tố tụng tại Bắc Giang đã phải giải thích, trấn an dư luận. Kết quả khảo sát do khoa Luật ĐHQG Hà Nội tiến hành cho thấy số người ủng hộ giữ án tử hình vẫn chiếm tới 57,92%, trong khi số người ủng hộ bỏ án tử hình chỉ là 37,82%. Nhiều ý kiến vẫn cho rằng việc có hình phạt tử hình là đương nhiên để đảm bảo sự công bằng của pháp luật, đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa tội phạm, nhất là đối với án tham nhũng hoặc án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Từ đó, tôi đề nghị nên trưng cầu ý dân về vấn đề này để thể hiện thái độ tôn trọng của Nhà nước đối với nguyện vọng của nhân dân và tạo cơ sở để Nhà nước có quyết sách đúng đắn về hình phạt tử hình. PGS NGUYỄN NGỌC CHÍ, Giám đốc Trung tâm LERES, ĐHQG Hà Nội |