Ngày 22-2, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Tham gia hội nghị có các thành viên Hội đồng tư vấn về dân tộc - tôn giáo Ủy ban MTTQ Việt Nam TP; các ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP là các cá nhân tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo; trưởng Ban tư vấn về dân tộc - ôn giáo các quận, huyện, TP Thủ Đức...
Cần xem xét tiêu chuẩn, định mức sử dụng đối với đất tôn giáo
Tại hội nghị, luật sư (LS) Nguyễn Văn Hậu (Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, thành viên Hội đồng tư vấn về dân chủ - pháp luật, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP) cho rằng dự thảo tiếp tục xác định hai loại đất liên quan đến vấn đề tâm linh, tôn giáo là đất tôn giáo và đất tín ngưỡng.
Hội nghị có nhiều ý kiến góp ý về quy định đất tín ngưỡng. Ảnh: YẾN CHÂU |
Theo LS Hậu, về việc sử dụng đất (SDĐ) của các tổ chức tôn giáo, theo báo cáo của một số tỉnh, thành, tình trạng các cơ sở tôn giáo tự thỏa thuận, thực hiện việc chuyển nhượng, mua bán lại đất của các hộ gia đình, cá nhân, nhận hiến tặng, công đức không đúng quy định khá phổ biến. Một số cơ sở tôn giáo sau khi nhận hiến tặng, chuyển nhượng của hộ gia đình, cá nhân đã tự mở rộng chùa, nhà thờ mà chưa thực hiện các thủ tục chấp thuận cho tu bổ, tôn tạo di tích, phê duyệt quy hoạch, cấp phép xây dựng, chuyển đổi mục đích SDĐ.
LS Hậu đề nghị trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai cần xem xét quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng đối với đất tôn giáo để làm cơ sở thẩm định nhu cầu SDĐ, góp phần SDĐ tiết kiệm, hiệu quả.
Đồng thời có quy định cụ thể đối với trường hợp thu hồi đất, giao đất cho các tổ chức kinh tế để xây dựng khu du lịch liên quan đến tôn giáo. Cần tách bạch đất sử dụng vào mục đích tôn giáo (không thu tiền SDĐ) và đất kết hợp du lịch để SDĐ tiết kiệm, tính thu tiền thuê đất đối với đất du lịch dịch vụ, tránh thất thu cho ngân sách nhà nước.
Đất tín ngưỡng nên có từ đường, nhà thờ?
Về đất tín ngưỡng, theo LS Hậu, Điều 204 dự thảo quy định về đất tín ngưỡng bao gồm đất có công trình đình, đền, miếu, am, đất rừng tín ngưỡng. Trong khi đó, đất tín ngưỡng theo Luật Đất đai năm 2013 bao gồm cả đất có “từ đường, nhà thờ họ” và không có “đất rừng tín ngưỡng”.
LS Hậu cho rằng bỏ “từ đường, nhà thờ họ” là không hợp lý và không tương thích với quy định tại Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, bởi lẽ nhà thờ dòng họ được xem là cơ sở tín ngưỡng theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016. Trong khi đó, nội dung “đất rừng tín ngưỡng” chưa được định nghĩa tại Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Bản thân dự thảo Luật Đất đai cũng không có giải thích cụ thể thế nào là “đất rừng tín ngưỡng”.
Về vấn đề này, ông Trần Tấn Hùng, nguyên Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ, cũng cho rằng dự thảo quy định đất tín ngưỡng bao gồm đất rừng tín ngưỡng nhưng thuật ngữ đất rừng tín ngưỡng còn mơ hồ, chưa quy định. Cạnh đó, ông Hùng thống nhất với ý kiến của LS Hậu là nên quy định đất tín ngưỡng bao gồm cả đất nhà thờ. Tuy nhiên, ông Hùng cũng đặt ra vấn đề đất có tượng đài, bia có phải tín ngưỡng hay không? Ông ví dụ người dân xây dựng tượng một vị tướng trên một mảnh đất lớn thì đó có phải là đất tín ngưỡng hay không?
Cũng tại hội nghị, ông Phú Văn Hẳn, thành viên Hội đồng tư vấn về dân tộc - tôn giáo Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, cho rằng dự thảo quy định đất tôn giáo gồm đất thuộc chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, cơ sở đào tạo tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và cơ sở hợp pháp khác của tổ chức tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động. Thế nhưng “cơ sở hợp pháp khác” là gì chưa được quy định rõ. Cạnh đó, nơi sinh hoạt hay tổ chức các hoạt động của tôn giáo như hoạt động sản xuất, từ thiện… có được coi là đất tôn giáo hay không.
Vì vậy, theo ông Hẳn, nên có một thuật ngữ quy định rõ chứ không nên quy định chung chung là các cơ sở hợp pháp khác của tôn giáo.
Đăng ký online là một bước tiến
Tại hội nghị, TS Nguyễn Vinh Huy (Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, giảng viên Trường ĐH Luật, ĐH Huế) cho rằng việc đăng ký online (dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực đất đai - PV) là một bước tiến cho thấy sự cải cách trong hoạt động quản lý của Nhà nước, hạn chế việc chờ đợi tốn thời gian.
Theo TS Huy, các thông tin sẽ được lưu trên hệ thống dữ việc giúp việc quản lý, tìm kiếm thông tin dễ dàng và nhanh chóng hơn. Các quy định, hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện tạo điều kiện cho người dân tiếp cận, thực hiện công việc một cách tốt nhất. Đây cũng là một kênh tuyên truyền phổ biến pháp luật đăng ký quyền SDĐ đến người dân. Để từ đó, họ sẽ có kiến thức về pháp luật khi là chủ thể tham gia đăng ký quyền SDĐ, sẽ góp phần hạn chế sự lạm quyền của một bộ phận cán bộ, công chức.
Ngoài ra, việc đăng ký online còn giúp giảm tình trạng giấy tờ giả. Tuy nhiên, theo ông, cũng cần phải có quy định cụ thể hơn cho việc thực hiện quá trình chuyển đổi để người dân không gặp khó trong quá trình sử dụng…