Sau Tết chắc chắn số ca nhiễm sẽ tăng, ít nhiều tuỳ theo mức độ di chuyển của người dân trong dịp nghỉ lễ, di chuyển trong nước, giữa các thành phố, tỉnh, và từ nước ngoài về khi mở lại các chuyến bay thương mại, khi cho phép du lịch tái hoạt động.
Ngoài ra số ca sẽ tăng nhanh hay chậm tuỳ vào mức độ tuân thủ 5K của người dân, vào việc du nhập của biến chủng Omicron. Việc tăng này hoàn toàn không thể tránh khỏi ngay cả khi chúng ta đã triển khai chích mũi thứ ba tăng cường. Điều này đã được minh chứng ở Israel, Mỹ, Anh, Nhật, Tây Âu, Bắc Âu. Chúng ta cũng không thể ngăn chủng Omicron lây vào cộng đồng ngay cả khi chúng ta áp dụng truy vết, cách ly nghiêm ngặt như trước đây vì chúng ta đã mở cửa và chấp nhận sống chung với virus an toàn. Test PCR và test nhanh dù âm tính vẫn có thể bị lọt lưới những trường hợp âm tính giả. Trung quốc với chính sách zero covid, truy vết thần tốc và cách ly nghiêm vẫn không tránh được.
Hiện tỉ lệ tiêm ngừa COVID-19 ở Việt nam rất cao, kể cả tiêm tăng cường mũi thứ 3 và cho trẻ em. Khi số ca nhiễm tăng, chúng ta hy vọng tỉ lệ chuyển nặng và nhập viện sẽ không cao như trước đây. Tuy nhiên nếu số ca nhiễm tăng quá nhanh và trong một thời gian ngắn thì tỉ lệ nhập viện và tử vong cũng tăng theo. Hệ thống y tế sẽ quá tải, lực lượng lao động sẽ thiếu hụt, chuỗi sản xuất lại sẽ đứt gãy.
Vậy việc truy vết, cách ly tập trung nghiêm FO, F1 như trước đây đối với những trường hợp nhiễm Omicron có giúp giảm tốc độ tăng số ca nặng và tử vong không? Chắc chắn sẽ không, kể cả khi áp dụng phong toả; đợt dịch nặng vừa rồi ở TP.HCM đã cho thấy rõ điều này.
Vậy nếu tỉ lệ chủng ngừa đã cao thì chúng ta hành động thế nào để (1) số ca nhiễm tăng nhưng đừng tăng quá nhanh, và (2) hệ thống y tế đáp ứng kịp thời trong tình huống xấu nhất. Theo tôi nên làm những việc sau ngay từ trước Tết để đạt được 2 mục đích này:
- Ngành y tế nên chuẩn bị sẵn sàng thuốc kháng virus trong hệ thống phân phối thuốc công và tư, thuốc cho cả nhóm bệnh nhân nhẹ và nặng. Thuốc kháng virus giúp giảm sự nhân lên của virus, giảm tải lượng virus trên nhóm bệnh nhân nhẹ, từ đó bớt lây lan. Người dân có thể tiếp cận sớm và dễ dàng khi có toa của bác sĩ, giúp giảm số ca nhập viện và tử vong. Tôi nghĩ điều này quan trọng nhất nhưng đến hiện nay vẫn chưa làm được.
- Xây dựng chắc chắn mạng lưới theo dõi và cung cấp oxy ở tuyến cơ sở, phường xã, để xử trí sớm và kịp thời các trường hợp chuyển nặng trong tình huống xấu nhất. Dù vừa qua hệ thống y tế cơ sở đã có kinh nghiệm nhưng sau một thời gian làm việc quá sức, hiện nhân viên y tế cơ sở đã đuối sức, trong khi với một thời gian ngắn 1-2 tháng vừa qua ngành y tế vẫn chưa bổ sung được nguồn nhân lực cho họ, thậm chí còn hao hụt do nghỉ việc.
- Tiếp tục tuyên truyền vận động người dân tuân thủ 5K khi ra ngoài. Lưu ý rằng điều này không thể quyết định được tất cả vì luôn luôn có một tỉ lệ nào đó người dân kém ý thức.
- Việc truy vết vẫn phải thực hiện đúng đối tượng, nhưng không nên cách ly tập trung những ca nhẹ. Hãy xem như những ca nhẹ này như nhiễm biến chủng khác, chỉ cần cách ly tại nhà.
Như vậy sau Tết diễn biến dịch sẽ khó lường, chúng ta cần chuẩn bị tinh thần vững vàng để không nao núng, sống chung an toàn với virus, để không phải phong toả lại, để kinh tế vẫn phát triển mà tính mạng người dân vẫn an toàn.
(PLO)- Các khảo sát cho thấy, có khoảng 20-30% bệnh nhân khỏi COVID-19 gặp vấn đề về xương khớp.