Chiều 20-1, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM đã tổ chức họp báo định kỳ cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh.
Buổi họp báo kỳ này tập trung chủ yếu vào các giải pháp phòng chống, ngăn ngừa biến thể mới Omicron khi TP.HCM đã xuất hiện ba ca nhiễm trong cộng đồng từng đi ăn cùng người phụ nữ 41 tuổi, ngụ phường 17 (quận Bình Thạnh) nhập cảnh từ Mỹ.
Ngành y tế đã làm tròn chức trách
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM, cho biết Việt Nam hiện ghi nhận 108 ca mắc biến thể mới Omicron, trong đó TP.HCM có 68 ca (65 ca nhập cảnh và ba ca cộng đồng).
Trước sự xuất hiện ba ca nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng, ông Phạm Đức Hải đề nghị người dân không nên hoang mang, lo lắng. Bởi theo ông, ngành y tế TP.HCM và các cơ quan liên quan đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp để ứng phó.
“Chúng ta hết sức bình tĩnh, chưa có gì phải thay đổi các hoạt động như đường hoa, đường sách, hội hoa xuân… Ý thức của người dân là điều quyết định giúp chúng ta kiểm soát được dịch bệnh” - ông Hải nói.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết những ngày qua, các cơ quan chức năng đã làm tròn chức trách khi linh hoạt, nhạy bén trong việc phát hiện sớm, tổ chức truy vết các ca mắc Omicron từ cộng đồng.
“Dù cận kề tết Nguyên đán nhưng hoạt động phòng chống dịch vẫn được tăng cường, các bệnh viện (BV) điều trị, BV dã chiến sẵn sàng kích hoạt trong 24 giờ” - bà Mai khẳng định.
F1 liên quan Omicron vẫn cách ly tại nhà nếu đủ điều kiện
Trả lời câu hỏi có cần truy vết F1 liên quan các ca mắc Omicron khi Việt Nam đã thích ứng với COVID-19, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho rằng theo chỉ đạo của Bộ Y tế, F1 liên quan biến thể mới vẫn được cách ly tại nhà nếu đủ điều kiện hoặc cách ly tập trung.
Về kết quả truy vết các trường hợp liên quan ca mắc Omicron, bà Mai cho biết ngành y tế TP.HCM đã phát hiện 11 trường hợp F1. Sau khi truy vết đã phát hiện thêm ba người dương tính với SARS-CoV-2 và đưa vào BV dã chiến số 12 để điều trị, giải mã trình tự gen. Tám trường hợp F1 còn lại được cách ly tại nhà.
Trả lời câu hỏi quy trình xử lý biến thể Delta và biến thể Omicron có điểm khác biệt gì, bà Mai cho biết quy trình xử lý biến thể mới có hai điểm khác biệt. Thứ nhất là có giải mã trình tự gen. Thứ hai là tập trung tất cả ca nghi mắc và mắc Omicron tại BV dã chiến số 12 để điều trị.
Hoạt động xét nghiệm COVID-19 tại bệnh viện ở TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI
Trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai khẳng định các hoạt động phòng chống dịch, ngăn ngừa biến thể mới vẫn được tiếp tục như giám sát cộng đồng, truy vết, khoanh vùng dập dịch với trường hợp nhiễm mới. Cùng với đó, ngành y tế TP.HCM tiếp tục rà soát, sàng lọc đối tượng có nguy cơ và khi nghi ngờ thì giải mã trình tự gen để phát hiện sớm ca nhiễm. |
Người phụ nữ ở chùm ca Omicron vi phạm quy định
Về trường hợp người phụ nữ tên P từ nước ngoài về mắc Omicron trong cộng đồng tại TP.HCM, bà Mai cho biết ca này đã hai lần âm tính khi lên máy bay và sau ba ngày thực hiện cách ly tại Nha Trang.
Bà Mai cho biết theo quy định của Bộ Y tế, người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh trong vòng ba ngày đầu kể từ ngày nhập cảnh tự theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú; không được tiếp xúc với người xung quanh, không được ra khỏi nơi lưu trú. Thực hiện xét nghiệm PCR vào ngày thứ ba kể từ ngày nhập cảnh. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, tiếp tục theo dõi sức khỏe đến hết 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Dương tính thì xử lý theo quy định.
Tuy nhiên, yêu cầu tự theo dõi sức khỏe tại nhà phải thực hiện đầy đủ 5K như đeo khẩu trang, khai báo y tế, khử khuẩn, không đến nơi đông người, không tụ tập. “Sau khi hoàn thành thời gian cách ly tại Nha Trang, theo quy định thì người này phải về nơi cư trú rồi tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà trong 14 ngày nhưng người này lại tụ tập bạn bè ăn uống” - bà Mai nói về việc bà P vi phạm quy định của Bộ Y tế.
Sẵn sàng tái khởi động bệnh viện dã chiến
Liên quan đến ca mắc Omicron trong cộng đồng cư ngụ tại quận Gò Vấp, ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, cho biết người này cư trú trên địa bàn quận nhưng 10 ngày qua ở quận Bình Thạnh nên không tiếp xúc với ai ở quận Gò Vấp. Tuy nhiên, quận cũng đã triển khai lực lượng theo dõi các dấu hiệu dịch của các gia đình xung quanh để phòng ngừa.
Theo ông Dũng, đến thời điểm này, quận Gò Vấp đã triển khai thế trận y tế ứng phó với biến thể Omicron, đảm bảo đưa ra các giải pháp khoanh vùng dập dịch kịp thời khi phát hiện ca nhiễm trên địa bàn. “Quận cũng chuẩn bị sẵn sàng các trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc cộng đồng, thuốc men sẵn sàng kích hoạt khi xảy ra tình huống khẩn cấp” - ông Dũng nói.
BS Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Lê Văn Thịnh, cho biết trong tình hình biến thể mới Omicron xuất hiện, BV đã chuẩn bị sẵn sàng. “Dù BV thu dung số 3 của TP.HCM đang tạm ngưng, nếu số ca biến thể này lây lan nhanh và tăng lên, trong 24 giờ, cơ sở sẽ tái khởi động với trang thiết bị, thuốc men đã được chuẩn bị” - ông Khanh nói.
Học sinh đi học ra sao sau khi xuất hiện Omicron? Liên quan đến vấn đề học sinh trở lại trường sau tết Nguyên đán theo kế hoạch, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng Phòng chính trị tư tưởng Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết trước mắt, chủ trương dạy học trực tiếp sau tết không thay đổi. Tuy nhiên, sở sẽ phối hợp với Sở Y tế theo dõi, đánh giá, chủ động tham mưu các cơ sở giáo dục trên địa bàn để chuẩn bị phương án dạy và học. “Dù dịch có diễn biến mới, địa phương sẽ căn cứ tình hình để có kế hoạch chuẩn bị, phương án cụ thể” - ông Trọng nói. Ông Trọng cho biết thêm Sở GD&ĐT vừa tổ chức hai hội nghị để quán triệt đến cơ sở giáo dục ở từng cấp học về quy định phòng chống dịch. Từ đó, mỗi cơ sở có sự chuẩn bị, chủ động xử lý tình huống ở giai đoạn sau tết tốt nhất. |