Cần thay đổi cách đánh giá cấp độ dịch trong tình hình mới

Tháng 11-2021, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá trong trạng thái thích ứng linh hoạt theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, khi tỉ lệ tiêm vaccine của cả nước đạt rất cao thì tiêu chí đánh giá số ca nhiễm mới trên 100.000 người dân một tuần không còn quá quan trọng.

Đếm ca không còn quan trọng

Ông cho rằng đánh giá cấp độ dịch nên tập trung vào tỉ lệ bệnh nhân nặng, nhập viện, tử vong và tình hình đáp ứng thu dung điều trị của các địa phương.

Ngày 9-1 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương rà soát, sửa đổi hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch tại Quyết định 4800 thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 cho phù hợp với tình hình mới.

Trong tình hình mới như hiện nay, việc thay đổi tiêu chí đánh giá cấp độ dịch là cần thiết và cấp bách, theo PGS-TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, căn cứ vào tình hình dịch hiện nay, các địa phương nên chú trọng vào tỉ lệ số ca tử vong, số ca nặng và tỉ lệ tiêm chủng vaccine COVID-19. Không nên chú trọng vào số ca mắc mới như trước.

PGS-TS Nguyễn Huy Nga cho rằng đến nay tất cả địa phương đều ghi nhận ca mắc mới mỗi ngày. Riêng tại Hà Nội, ca mắc mới hai tuần gần đây đều gần 3.000 ca/ngày nhưng phần lớn F0 ghi nhận mới không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Vấn đề cần quan tâm là điều trị cho bệnh nhân có nguy cơ diễn biến nặng và ca tử vong.

Tương tự, PGS-TS Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc BV điều trị người bệnh COVID-19 Trường ĐH Y Hà Nội, cho rằng với tình hình dịch như hiện nay, nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết nhất là tập trung vào ca nặng, nguy kịch và ca nguy cơ.

“Bây giờ nhiệm vụ của chúng ta không phải là truy vết đếm ca nữa mà nên sử dụng và phân tích tỉ lệ tử vong trên số lượng bệnh nhân phải nằm giường hồi sức cấp cứu. Thay đổi tiêu chí đánh giá cấp độ dịch cũng rất quan trọng” - ông Hải nói.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 nhắc lại và bổ sung cho người dân ở TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

TP.HCM có thêm một bệnh viện điều trị hậu COVID-19

Ngày 18-1, BV Chợ Rẫy (TP.HCM) chính thức khai trương Phòng khám di chứng COVID-19 tại khu phòng khám chuyên gia BV Chợ Rẫy (201B Nguyễn Chí Thanh, phường 12, quận 5, TP.HCM).

Phòng khám di chứng COVID-19 sẽ khám, tầm soát và điều trị toàn diện các di chứng của bệnh, đồng thời đánh giá nhu cầu can thiệp về dinh dưỡng, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau mắc COVID-19.

Nỗ lực truy vết không theo được tốc độ lây lan của virus

GS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới trung ương, cũng đồng quan điểm với các chuyên gia về việc nên xây dựng lại tiêu chí đánh giá cấp độ dịch mới.

Ông cho rằng với tốc độ lây lan nhanh của các biến chủng mới như Delta, Omicron thì cùng một lúc, virus có thể lây lan cho nhiều người. Điều này đồng nghĩa với việc số ca mắc sẽ tăng rất nhanh. Việc đếm ca hiện nay chỉ còn là công cụ thông báo diễn biến dịch, không cần dùng cho phân loại cấp độ dịch. Nếu đã không theo đuổi “zero COVID” nữa thì chúng ta nên dựa vào tỉ lệ tiêm chủng vaccine COVID-19 để hạn chế ca chuyển nặng và tử vong.

Hiện nay, tỉ lệ tiêm chủng vaccine trên cả nước đã rất cao, trên 90% người dân trên 18 tuổi đã được tiêm hai mũi và hơn 17 triệu người đã tiêm mũi 3. Do đó, nếu mắc COVID-19 thì những người đã tiêm vaccine cũng rất ít chuyển nặng.

Bên cạnh đó, xu hướng trên thế giới và cả Việt Nam là không theo đuổi “zero COVID” và chuyển sang thích ứng an toàn chống dịch. Do vậy, phải thay đổi mới đảm bảo được mục tiêu vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Vị chuyên gia này cũng lưu ý việc thay đổi tiêu chí đánh giá cấp độ dịch trong thời điểm hiện nay là rất cần thiết. Trong đó, chú trọng đến tiêu chí ca bệnh nặng, tử vong, ca bệnh liên quan đến người có bệnh nền.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương chấn chỉnh cách chống dịch không phù hợp

Bộ Y tế vừa có công văn gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành về việc chấn chỉnh biện pháp phòng chống dịch không phù hợp.

Công văn nêu theo báo chí có hiện tượng người dân “mệt mỏi vì quy định bán tại chỗ, mua hàng về thay đổi liên tục”, “trạm y tế ở Bình Dương tự ý thu tiền xét nghiệm khi đến tiêm vaccine”. Hay người dân phản ánh một số địa phương áp dụng biện pháp quản lý, cách ly chưa phù hợp.

Nhằm thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế về các biện pháp phòng chống dịch, việc triển khai tiêm vaccine phòng dịch COVID-19. Đồng thời căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc tỉnh, thành:

Tiến hành kiểm tra, xác minh hoặc điều tra để làm rõ nội dung thông tin báo nêu. Nếu có vi phạm thì yêu cầu xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật hoặc chuyển ngay hồ sơ đến cơ quan công an để xem xét, xử lý. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo đúng quy định; kịp thời chấn chỉnh việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch không phù hợp, kiên quyết không để xảy ra các hành vi vi phạm trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm