Làng chiếu trăm tuổi ở miền Tây rộn ràng đón tết

Những tháng cuối năm là thời điểm làng chiếu Định Yên (huyện Lấp Vò, Đồng Tháp) bước vào sản xuất cao điểm. Đầu tháng Chạp, dọc hai bên tuyến quốc lộ 54 đoạn qua địa bàn xã Định Yên, huyện Lấp Vò như được khoác lên mình chiếc áo hoa với những bó lác xanh, đỏ, tím, vàng và những tấm chiếu bông sặc sỡ, mịn màng.

Dệt chiếu cha truyền con nối

Ở hiên nhà, bà Trần Thị Vân (59 tuổi) cùng mẹ già 80 tuổi đang miệt mài bên khung dệt để hoàn thiện chiếc chiếu thương hiệu Định Yên nức tiếng gần xa. Một người tỉ mỉ đưa sợi lác vào khung, một người dập khung thật mạnh để các sợi lác dính khít vào nhau. Thao tác của hai mẹ con nhịp nhàng và ăn ý.

Có thâm niên hơn 60 năm trong nghề dệt chiếu, mẹ bà Vân cho biết để làm nên chiếc chiếu bền chắc, người thợ phải tỉ mỉ ở từng công đoạn, từ chọn lác, nhuộm màu, căng khung, dệt, phối màu…

“Sợi lác phải già, đều nhau, được vuốt sạch. Khi nhuộm màu cũng phải canh lửa đảm bảo đúng nhiệt độ, số lần nhúng để ra màu đậm, nhạt tương ứng. Dệt tay thủ công như tôi thì cần phải có hai người để luồn lác và kéo thân cửi. Kéo dập phải đều tay cho sợi lác khít nhau, nếu không chiếu sẽ thưa, mau hư lắm. Người luồn lác cũng phải có khiếu thẩm mỹ trong sắp đặt, phối màu hài hòa để ra hoa văn như mong muốn. Công đoạn cuối cùng là may viền và đòi hỏi cũng phải thật chỉn chu”, vừa chia sẻ, bà cụ vừa thoăn thoắt tay kéo khung cửi.

Do trải qua nhiều công đoạn công phu và dệt bằng thủ công nên sản phẩm tạo ra cũng hạn chế, hai người chỉ có thể hoàn thành tối đa 6-7 chiếc/ngày. Nói đến làng nghề hình thành từ khi nào, bà Vân cũng không rõ, từ 15 tuổi bà đã bắt đầu nối nghiệp cha ông đến nay.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Liên Hoa (77 tuổi) cho biết bà có hơn 50 năm dệt chiếu và nghề dệt được bà kế thừa từ gia đình, nhiều hộ dân làm nghề tại đây cũng nối nghiệp theo hình thức cha truyền con nối. Cũng theo bà Hoa, vào những năm 1980 là thời điểm phát triển cực thịnh của làng chiếu Định Yên, nhờ mẫu mã đa dạng như chiếu bông vuông hình con cờ, chiếu bông động phòng hoa chúc, chiếu hoa văn, chiếu vảy ốc… cùng chất lượng bền, đẹp nên rất được ưa chuộng trong và ngoài nước, tạo thu nhập khá cho người dân…

Ở làng chiếu Định Yên, những gia đình 2-3 thế hệ đeo bám nghề chiếu như gia đình bà Vân, bà Hoa không phải là hiếm. Trải qua bao thăng trầm, biến cố, các thế hệ trong gia đình vẫn nối tiếp giữ lửa nghề làng chiếu.

Người dân làng chiếu Định Yên làm việc ngày đêm để kịp giao đơn hàng tết. Ảnh: HẢI DƯƠNG 

Khôi phục chợ chiếu đêm là chủ trương hợp lòng dân

Việc khôi phục chợ chiếu đêm là chủ trương hết sức hợp lòng dân. Đây là tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của đa số người dân tại hai xã Định Yên và Định An đối với truyền thống văn hóa đặc sắc của làng nghề miền sông nước Cửu Long mà không dễ nơi nào có được.

Bà TRẦN THỊ CẨMPhó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Lấp Vò, Đồng Tháp 

Đem chiếu Định Yên đi xuất ngoại

Trước đây, nghề dệt chiếu là nghề phụ sau trồng lúa, là phương cách tốt nhất để giải quyết lao động dôi dư trong thời gian nông nhàn và góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Hầu hết người làm nghề ban ngày dệt, đến đêm mang ra chợ chiếu bán để có tiền chi tiêu trong gia đình theo kiểu “dệt ngày nào bán ngày nấy” và dần dần hình thành “chợ ma”. Theo đó, tất cả việc mua bán chiếu đều diễn ra tại chợ chiếu đêm.

Ngày nay, công nghệ phát triển, những chiếc máy dệt công nghiệp với năng suất sản phẩm cao đã dần thay thế cho các khung cửi. Bình quân một người dệt máy được 10-12 chiếc/ngày, năng suất cao gấp 3-4 lần dệt tay. Giá chiếu dệt máy cao hơn dệt tay khoảng 15.000 đồng/chiếc.

Bà Yến Ly (46 tuổi) chia sẻ gia đình bà cũng có truyền thống ba đời dệt chiếu. “Từ 15 tuổi tôi đã học mẹ dệt chiếu đến khi lấy chồng cũng mang theo nghề về gia đình chồng. Trước đây tôi cũng dệt tay thủ công nhưng khoảng bốn năm nay tôi đầu tư thêm máy dệt, làm được nhiều đơn hàng, thu nhập ổn định tầm 7 triệu đồng/tháng. Mùa tết này có khi tôi phải dệt cả ngày lẫn đêm mới kịp giao đơn đặt hàng của lái. Nhờ đó mà tôi nuôi ba đứa con ăn học đến nay, mấy đứa con rảnh cũng phụ mẹ phơi lác, lau chiếu” - bà Ly chia sẻ.

Còn bà Trương Thị Kim Tuyền (46 tuổi) cho biết vừa chuyển sang dệt chiếu bằng máy khoảng ba năm qua: “Mỗi ngày tôi dệt được 15-16 chiếc, trừ hết chi phí cũng còn lời được khoảng 10.000-15.000 đồng/chiếc, còn loại chiếu xuất khẩu thì cao hơn, thu nhập ổn định. Nhất là mùa dịch COVID-19, do tính chất công việc chỉ ngồi nhà mà dệt nên tôi vẫn có được thu nhập dù có ít hơn ngày thường”.

Với những giá trị đặc sắc trên, năm 2013, Bộ VH-TT&DL công nhận làng chiếu truyền thống Định Yên là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bà Trần Thị Cẩm, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Lấp Vò, cho biết hiện nay toàn xã có 450 máy dệt chiếu, 30 hộ dệt chiếu thủ công và hai tổ hợp tác sản xuất chiếu với khoảng 150 thành viên. Mỗi năm ước tính dệt được khoảng 1,5 triệu chiếc, giải quyết việc làm cho khoảng 500 lao động tại địa phương.

Cũng theo bà Cẩm, không chỉ bán trong nước mà chiếu Định Yên còn được xuất khẩu qua đường tiểu ngạch đến Campuchia, Thái Lan, Đài Loan… mỗi đợt hàng ngàn chiếc; đã có nhiều hộ làm giàu hoàn toàn bằng nghề dệt chiếu.

Chúng tôi rời làng nghề chiếu Định Yên khi chiều muộn, dân làng nghề vẫn miệt mài, cần cù bên máy dệt để kịp những đơn hàng cho mối lái xa gần và cũng để sắp tới nhà nhà có cái tết đủ đầy.

Xây dựng ngày hội làng chiếu Định Yên

Vừa qua, UBND huyện Lấp Vò đã có Kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề thủ công truyền thống giai đoạn 2021-2025. Theo đó, địa phương triển khai xây dựng kế hoạch tái hiện chợ chiếu đêm; vận động nhân dân trong khu vực làng nghề duy trì mô hình dệt chiếu thủ công kết hợp bán sản phẩm du lịch bằng chất liệu lác và xây dựng một mô hình dệt chiếu thủ công để khách du lịch trải nghiệm…

Hiện nay, Đảng ủy và UBND xã Định Yên đang phối hợp với các cơ quan chức năng và những người lớn tuổi ở địa phương tìm hiểu về xuất xứ, nguồn gốc nghề dệt chiếu Định Yên để tổ chức hội thảo chọn một ngày làm ngày lễ hội cho làng nghề dệt chiếu truyền thống Định Yên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm