87% người dân dễ dàng mua kháng sinh tại nhà thuốc

Sáng 21-12, tại BV Thống Nhất (TP.HCM) đã diễn ra lễ phát động cam kết sử dụng kháng sinh có trách nhiệm do Bộ Y tế phối hợp với Văn phòng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, Tổ chức Nông Lương Thế giới (FAO) và các đối tác phát triển tại Việt Nam tổ chức.

Nhận xét về tình hình sử dụng thuốc kháng sinh ở Việt Nam, TS Momoe Takeuchi, Trưởng nhóm phát triển hệ thống y tế của WHO, cho rằng mặc dù từ năm 2013 Việt Nam đã xây dựng hệ thống quản lý kháng sinh nhưng vẫn chưa có con số thống kê các chỉ số kháng kháng sinh. Thống kê của WHO cũng cho thấy 90% nhà thuốc tại Việt Nam bán thuốc kháng sinh không kê đơn, 87% người dân có thể đến nhà thuốc mua kháng sinh cho thấy tình trạng mua bán, sử dụng kháng sinh một cách bừa bãi đã và đang diễn ra. Đặc biệt, việc mua bán thuốc kháng sinh không qua kê đơn khá phổ biến.

Đoàn đại biểu mít-tinh hưởng ứng lễ phát động cam kết sử dụng kháng sinh có trách nhiệm. Ảnh: HL

TS Momoe Takeuchi khuyến cáo Việt Nam cần có chương trình kiểm soát việc sử dụng kháng sinh chặt chẽ và có trách nhiệm hơn, không chỉ trong ngành y tế mà còn trong cả lĩnh vực nông nghiệp. Trong thời gian tới, WHO sẽ ưu tiên hỗ trợ Việt Nam xây dựng hệ thống kiểm soát kháng sinh nhằm thay đổi được thói quen sử dụng kháng sinh, không chỉ ở nhân viên y tế, người dân mà còn cả những sinh viên y khoa, dược sĩ, nông dân...

Phát biểu tại lễ phát động, PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, nhìn nhận việc sử dụng kháng sinh không hợp lý, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không cần thiết... khiến người bệnh phải nằm viện lâu hơn và tỉ lệ tử vong tăng lên ở tất cả nhóm tuổi. Thống kê của WHO năm 2014 tại 114 quốc gia, số ngày nằm viện của người bệnh tại châu Âu tăng 2,5 triệu ngày nằm viện và tử vong 25.000 người/năm, Thái Lan tăng hơn 3,2 triệu ngày nằm viện và tử vong 38.000 người/năm, ở Mỹ khoảng 2 triệu người mắc bệnh nhiễm khuẩn và tử vong 23.000 người/năm.

Các đại biểu ký cam kết sử dụng kháng sinh có trách nhiệm. Ảnh: HL

Tại Việt Nam do việc sử dụng kháng sinh ngày càng gia tăng và thiếu kiểm soát trong y tế cũng như trong chăn nuôi và ngày càng báo động hơn khi nó xâm nhập vào chuỗi thức ăn và môi trường sinh thái. Nhận thức được mối nguy hiểm này, từ năm 2013 Bộ Y tế đã cùng các bộ, ngành và đối tác phát triển ký kết văn bản thỏa thuận cam kết đa ngành về phòng, chống kháng thuốc. Đồng thời thành lập chín tiểu ban giám sát kháng thuốc; thiết lập mạng lưới giám sát vi khuẩn kháng thuốc trong các cơ sở khám chữa bệnh; triển khai thực hiện đề án kê đơn và kiểm soát kê đơn giảm tối đa việc bán thuốc kháng sinh không đơn...

Tuy nhiên, ông Sơn thừa nhận dù nhiều bệnh viện (BV) đã thiết lập hệ thống quản lý kháng sinh và đã giảm đáng kể tình trạng sử dụng kháng sinh không đúng nhưng vẫn chưa kiểm soát được việc bán, chỉ định điều trị kháng sinh bừa bãi của các nhà thuốc và phòng khám tư nhân.

Tại BV Thống Nhất, GS-TS Nguyễn Đức Công, Giám đốc BV, báo cáo tỉ lệ kháng kháng sinh đang có chiều hướng gia tăng trong 10 năm gần đây. Cụ thể, tỉ lệ kháng kháng sinh chung là 86,6%, đa kháng thuốc là 33%. Kháng sinh chiếm gần 1/5-1/6 kinh phí thuốc sử dụng trong năm 2018. Do đó, BV đã triển khai chương trình dùng kháng sinh hợp lý, an toàn, có trách nhiệm cho cán bộ, nhân viên y tế đồng thời đưa ra các quy định nghiêm ngặt bán thuốc đúng tại nhà thuốc của BV.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm