Bệnh nhân bị cách ly tìm nơi chạy thận

Những ngày qua, TP.HCM là điểm nóng của dịch bệnh COVID-19 khi số ca bệnh liên tục tăng, chủ yếu liên quan nhóm truyền giáo Phục hưng. Cùng với đó, số lượng người được cách ly và sống trong khu phong tỏa tạm thời cũng gia tăng theo cấp số nhân. Trong số này có những bệnh nhân (BN) bị suy thận, phải chạy thận định kỳ 2-3 lần/tuần nhưng bệnh viện (BV), nơi những người bệnh chạy thận từ trước đến nay, đành từ chối vì không có khu vực chạy thận riêng biệt, không đảm bảo việc phòng ngừa lây nhiễm chéo.

Đa số đều giới thiệu BN đến BV Lê Văn Thịnh (BV quận 2 cũ), nơi có trang bị khu vực chạy thận áp lực âm và đơn vị chạy thận nhân tạo trong khu cách ly tập trung nằm ngoài BV (địa chỉ tại 145 Lê Văn Thịnh, phường Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức).

Di chuyển xa để chạy thận

BS Phan Thanh Trường, Trưởng Khoa khám bệnh Trung tâm Y tế quận Bình Tân, cho biết riêng khu cách ly chung cư Lê Thành (quận Bình Tân) do ông quản lý có ba người phải chạy thận nên ông đã kết nối với BV Lê Văn Thịnh để đưa người bệnh đến.

Chị Phạm Thị Trang (có mẹ bị suy thận, phải chạy thận nhân tạo ba lần/tuần) cho biết gia đình chị đang ở khu vực bị phong tỏa tại phường Tăng Nhơn Phú A, TP Thủ Đức. Chị được lực lượng y tế phường liên hệ cho mẹ chị sang BV Lê Văn Thịnh để chạy thận. Việc tiếp cận xe cấp cứu để đưa đến BV Lê Văn Thịnh lần đầu cũng gặp khó khăn. Ở những lần sau, BV Lê Văn Thịnh có vận động xe thiện nguyện 0 đồng giúp vận chuyển từ khu phong tỏa đến BV nên cũng đỡ chi phí hơn nhưng quãng đường xa, ổ gà nên mẹ chị bị ói vài lần.

“Mẹ tôi đã từng bỏ chạy thận một lần mà lên cơn mệt, phải cấp cứu nên cố gắng đưa bà đi. Có bữa do BN quá tải, xe 0 đồng chạy qua đón mẹ tôi đã hơn 11 giờ khuya, bà được cho chạy thận đến 5 giờ sáng mới về, tình trạng nếu kéo dài, tôi sợ sức khỏe của bà sẽ bị ảnh hưởng nhiều” - chị Trang kể.

Bệnh nhân chạy thận trong khu cách ly tập trung nằm ngoài BVVăn Thịnh. Ảnh: BSCC

Chị Phan Thị Ngọc Định có mẹ 84 tuổi phải chạy thận hai lần/tuần chia sẻ chị đang sống trong khu vực bị phong tỏa ở phường Tân Tạo, quận Bình Tân từ ngày 31-5. Mọi khi, chị cho bà cụ chạy thận ở gần nhà nhưng nay phải qua BV Lê Văn Thịnh. Ngày đầu tiên, do BV Lê Văn Thịnh phải giải quyết cho nhiều BN nên xe thiện nguyện 8 giờ tối mới đến nhà để đưa cụ đi chạy thận và đưa bà về nhà lúc 3 giờ sáng. “Bà lớn tuổi lại bệnh nặng nên khá mệt, bị ói và đại tiện không tự chủ trên đường. Thay vì hôm qua (4-6) chạy nữa thì các bác sĩ thông báo đang không có máy và phải lo cho BN nặng trước, phải dời lại chỉ chạy một lần/tuần nên tôi đang khá lo lắng cho sức khỏe của mẹ” - chị Định nói.

Bác sĩ canh bệnh nhân chạy thận trắng đêm

BS Từ Kim Thanh, Trưởng Khoa thận nhân tạo BV Lê Văn Thịnh, cho biết hiện BV không chỉ tiếp nhận chạy thận cho người bị cách ly ở TP.HCM mà địa phương lân cận như Long An, Tiền Giang cũng gửi người bệnh lên. Trong số này đã có BN do không được chạy thận kịp thời nên bệnh chuyển biến nặng.

Theo BS Thanh, đa số BV đều không có khu vực dành riêng cho BN chạy thận bị cách ly, một số nơi cho BN chạy thận vào cuối ngày khi có kết quả xét nghiệm âm tính nhưng thông thường các nơi này cũng quá tải nên không sắp xếp nhận người bệnh.

Do đó, BN đang “dồn” về BV Lê Văn Thịnh khiến nơi đây quá tải. Các y, bác sĩ thức trắng đêm để cho chạy hết công suất vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu người bệnh vì không đủ máy chạy thận. “Có những ca chúng tôi phải sắp lịch trước cho BN một tuần hoặc hơn một tuần, trong thời gian không được chạy thì kết quả xét nghiệm ra đều xấu, bệnh thận càng nặng nề, nhờ chạy xong đã đỡ hơn” - BS Thanh trăn trở.

BS Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Lê Văn Thịnh, cho biết ngoài một số BV lớn thì đa số BV không tổ chức được khu vực chạy thận riêng cho người cách ly, nghi nhiễm COVID-19. “Nếu cho BN có nghi nhờ nhiễm COVID-19 vào BV, nơi có nhiều BN mắc bệnh nền như suy thận, đái tháo đường, huyết áp cao... mà không thành lập khu chạy thận áp lực âm và riêng biệt với BV thì nguy cơ lây nhiễm chéo rất cao” - BS Khanh lý giải khó khăn của các BV.

BV Lê Văn Thịnh hiện có 150 BN chạy thận thường xuyên, những người cách ly hoặc ca nghi ngờ sẽ được cho chạy thận ở khu chạy thận nhân tạo áp lực âm thuộc Khoa nhiễm hầu như tách biệt với BV.

Theo BS Khanh, số lượng người cần chạy thận rất nhiều, chỉ riêng TP Thủ Đức có khoảng 1.000 ca nhưng nơi dành cho người nghi nhiễm COVID-19 chạy thận lại không có.

Hiện tại BV đang có 30 máy chạy thận trong khu bình thường, bốn máy chạy thận dành cho khu cách ly nhưng số lượng người đăng ký chạy thận lên đến 30 người. Trong hôm nay (5-6), BV Lê Văn Thịnh sẽ tăng cường thêm 10 máy chạy thận nhân tạo cách ly, hy vọng sẽ đáp ứng bước đầu nhu cầu BN chạy thận cách ly trong TP.HCM. Đây là một trong những giải pháp dành cho BN chạy thận nhân tạo vì vừa an toàn cho người bệnh, an toàn cho BV, vừa đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 tốt.

Giải quyết ngay tình hình quá tải

Sở Y tế đã ban hành văn bản hướng dẫn khu cách ly tập trung hoặc địa bàn phong tỏa cách chăm sóc sức khỏe cũng như cấp cứu cho người dân. Theo đó, Sở Y tế đã phân công trung tâm y tế quận, huyện đảm trách, tổ chức liên hệ BV quận, huyện hoặc TP khám chuyên khoa cho người dân, khi cần vận chuyển cấp cứu thì Trung tâm Cấp cứu 115 sẽ vận chuyển người dân đến các BV khám và vận chuyển về. Đối với khu cách ly tập trung của TP, Sở Y tế đã phân công các BV tương ứng chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho người dân, trong trường hợp cấp cứu thì Trung tâm Cấp cứu 115 vận chuyển BN đi cấp cứu.

Riêng đối với BN trong khu cách ly và phong tỏa cần chạy thận, Sở Y tế cũng đã ghi nhận những khó khăn của BN và đã có văn bản triển khai, yêu cầu tất cả BV có triển khai chạy thận nhân tạo tiếp tục triển khai và dành một số giường tương đối riêng biệt để sẵn sàng tiếp nhận những người ở khu cách ly đến chạy thận, không dồn về BV Lê Văn Thịnh nữa vì sẽ gây quá tải.

PGS-TS TĂNG CHÍ THƯỢNGPhó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm