BS Trương Hữu Khanh: Cần thay đổi chiến lược xét nghiệm

TP.HCM bắt đầu thực hiện Chỉ thị 16 từ 0 giờ ngày 9-7, trong vòng 15 ngày. Cùng với biện pháp giãn cách xã hội, TP cũng đặt ra mục tiêu truy vết nhanh các trường hợp F0 để giảm sự lây lan mầm bệnh ra cộng đồng bằng cách sử dụng xét nghiệm nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2, hay còn gọi là test nhanh, song song với xét nghiệm khẳng định RT-PCR.

BS Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ học BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), hoàn toàn đồng tình với giải pháp sử dụng test nhanh để phát hiện sớm các ca bệnh trước khi có kết quả xét nghiệm khẳng định bằng kỹ thuật PCR. Test nhanh có nhiều ưu việt khi chỉ mất 15-30 phút là có kết quả, trong khi kết quả xét nghiệm RT-PCR mất 4-6 tiếng, thậm chí 12-24 tiếng, tùy theo lượng mẫu và số máy xét nghiệm.

Người dân xét nghiệm nhanh kháng nguyên COVID-19 tại điểm xét nghiệm Nhà thiếu nhi TP Thủ Đức, phường Linh Chiểu, TP Thủ Đức, TP.HCM.
Ảnh: HOÀNG GIANG

Để việc xét nghiệm có hiệu quả và tiết kiệm, tránh mất sức cho nhân viên y tế và mất công cho người dân phải xét nghiệm nhiều lần, BS Khanh gợi ý ở những khu vực có nguy cơ cao có thể làm test nhanh tại chỗ “dẫn đường” trước khi quyết định xét nghiệm PCR theo mẫu gộp hay mẫu đơn. Cụ thể, cho đại diện gia đình là người di chuyển nhiều nhất trong nhà thực hiện test nhanh trước. Nếu kết quả test nhanh dương tính thì hộ gia đình có nguy cơ rất cao, cho làm xét nghiệm mẫu đơn PCR toàn bộ gia đình. Còn nếu kết quả test nhanh âm tính thì làm mẫu PCR gộp hai, ba gia đình có đại diện gia đình test nhanh âm tính với nhau.

Nếu kết quả PCR gộp sau đó phát hiện dương tính thì quay lại lấy mẫu đơn, nếu thấy mẫu xét nghiệm nồng độ virus cao, khả năng lây cao (nồng độ virus CT > 33 hầu như không có khả năng lây, còn < 33 thì có khả năng lây, thông số CT càng nhỏ thì lây càng nhiều) mà kết quả xét nghiệm PCR mẫu đơn không có kịp thời thì dùng test nhanh để tách người có nguy cơ ra trước.

Ở những khu vực ít nguy cơ có thể xét nghiệm gộp nhiều mẫu như bình thường, nếu có kết quả mẫu gộp dương mà đánh giá thấy nồng độ virus cao, thời gian trả kết quả mẫu đơn PCR chậm thì đưa test nhanh xuống test cho những người có chung mẫu gộp để lọc, tách người dương tính ra trước.

Ba mốc của chiến lược xét nghiệm mới

Theo BS Trương Hữu Khanh, chiến lược xét nghiệm có thể chia làm ba mốc:

Năm ngày đầu tập trung truy vết F0, năm ngày sau là vét F1 chuyển thành F0 (năm ngày là thời gian ủ bệnh trung bình) và năm ngày cuối vét số còn lại, không nên làm tràn lan, tránh tình trạng người không có nguy cơ cao thì ra xét nghiệm, còn người có nguy cơ cao nhiễm thì không ra xét nghiệm.

Tổ dân phố nên thống kê những hộ gia đình có người di chuyển nhiều để hỗ trợ lập danh sách xét nghiệm. Tất cả quận, huyện đều phải làm đồng bộ, phân loại các khu vực nguy cơ, nhất là những điểm phong tỏa

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm