Nếu như trước đây bệnh phong là nỗi ám ảnh của nhiều người thì hiện nay căn bệnh gần như rơi vào quên lãng khi đã có thuốc chữa trị. Tuy nhiên, hằng năm cả nước vẫn ghi nhận số ca mắc bệnh phong mới. Bệnh viện (BV) Da liễu TP.HCM thời gian gần đây ghi nhận nhiều ca mắc bệnh phong bị chẩn đoán nhầm với những bệnh ngoài da khác.
20 năm bị đoán nhầm bệnh
Khởi phát bệnh với vết dát sẫm màu hơn vùng da khác ở vùng hông, sau đó ngày càng lan rộng, mất cảm giác, ông Vong Lâm S. (82 tuổi, ngụ quận 11) đi khám ở nhiều nơi nhưng được chẩn đoán bệnh viêm da cơ địa, nấm... Uống thuốc điều trị nhưng mảng da sang thương ngày càng lan rộng nên tháng 2-2020, ông S. vào BV Da liễu TP.HCM thăm khám. Tại đây, ông được cho làm xét nghiệm và kết quả dương tính với bệnh phong, thể MB (nhóm nhiều vi khuẩn).
Trường hợp bị chẩn đoán nhầm như ông S. không phải là cá biệt. Cách đây không lâu, bệnh nhân Nguyễn Thị T. (48 tuổi, ngụ Hậu Giang) xuất hiện các nốt sẩn hồng ban phân bố rải rác khắp thân mình. Bà T. đã đi khám và điều trị nhiều nơi với chẩn đoán hồng ban nút, lupus ban đỏ bán cấp… Tại BV Da liễu TP.HCM, các bác sĩ chẩn đoán bà bị phản ứng phong trên nền hồng ban nút, phong thể MB. Ngoài các dấu hiệu ngoài da, bà T. còn được xác định tàn tật độ 2, yếu cơ tay chân.
Một trường hợp khác là bệnh nhân Phạm Thị T. (36 tuổi, ngụ Đà Nẵng) xuất hiện dát tăng sắc tố, hơi gồ lên trên vùng mặt, tay, chân được chẩn đoán viêm da cơ địa, điều trị nhiều nơi nhưng không đỡ. Vào tháng 6-2020, chị đến khám tại BV Da liễu và được sinh thiết, chẩn đoán phong thể LL (thể u).
Hay một trường hợp đặc biệt khác là bệnh nhân Hồng Việt T. (37 tuổi, ngụ Phú Quốc, Kiên Giang) có vùng da lưng xuất hiện nhiều mảng da thay đổi màu sắc từ năm 2016. Tuy đi khám nhiều BV nhưng anh đều được chẩn đoán mắc lang ben hay nhiễm ký sinh trùng. Tại BV Da liễu TP.HCM, anh được xét nghiệm và chẩn đoán phong thể BL (thể phong trung gian gần u).
Bà Nguyễn Thị T. (ảnh trái) khám nhiều nơi với chẩn đoán hồng ban nút, lupus ban đỏ bán cấp. Ảnh phải: dát tăng sắc tố, hơi gồ lên trên bàn tay, bàn chân của bệnh nhân Phạm Thị T. Ảnh: BVCC
Một người được coi là bị bệnh phong khi có ít nhất một trong ba dấu hiệu sau: Thương tổn da kèm theo mất cảm giác; thương tổn thần kinh có biểu hiện tàn tật: Dây thần kinh to, mất cảm giác, cò ngón hoặc teo cơ… Xét nghiệm tại thương tổn tìm thấy trực khuẩn phong Mycobacterium leprae.
BS CKII NGUYỄN NHỰT TRƯỜNG, Trưởng Phòng chỉ đạo tuyến BV Da liễu TP.HCM
BS CKII Nguyễn Nhựt Trường, Trưởng Phòng chỉ đạo tuyến BV Da liễu TP.HCM, cho biết trước đây bệnh phong được coi là bệnh nan y, gây tàn tật cao. Nhưng với sự tiến bộ của y học, nhiều bệnh nhân phong đã được chữa trị kịp thời, chống lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là thành công trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam đã đạt được tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từ năm 1995 với tỉ lệ lưu hành là 0,2/10.000 dân số. Tuy nhiên, số bệnh nhân mới phát hiện hằng năm vẫn còn cao. Vì vậy, chương trình phòng, chống phong vẫn phải được duy trì cho tới khi đạt được mục tiêu cuối cùng là thanh toán hoàn toàn bệnh phong.
BS Trường cho biết do không còn phổ biến nên các bác sĩ chưa từng gặp bệnh này có thể chẩn đoán nhầm các sang thương, nổi sẩn, hồng ban trên da với bệnh khác là dễ hiểu. Cụ thể, bệnh nhân phong thường bị nhầm với các dạng bệnh như viêm da dị ứng tiếp xúc, dị ứng, viêm da cơ địa...
Bệnh nhân mắc bệnh phong cần được xét nghiệm tìm trực khuẩn bệnh. Bệnh có hai thể gồm ít khuẩn và nhiều khuẩn. Bệnh có thời gian ủ bệnh trung bình 3-5 năm, có khi lên đến 10-20 năm nên bệnh nhân có thể khó xác định được nguồn tiếp xúc lây bệnh. Người bệnh hoàn toàn được điều trị tại nhà, không cần cách ly và theo phác đồ riêng tùy theo thể mắc.
Trường hợp có biến chứng có thể điều trị nội trú tại các cơ sở y tế. Người bệnh phong được điều trị hoàn toàn miễn phí, thuốc trị bệnh phong do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp miễn phí. Bệnh phong có thể lây nhưng lây ít, khi uống thuốc thì bệnh hầu như không còn lây nữa.
BS Trường cho biết bệnh phong là một bệnh nhiễm trùng kinh diễn do trực khuẩn Mycobacterium leprae gây nên. Bệnh tiến triển lâu dài, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây tổn thương thần kinh ngoại biên làm yếu liệt bàn tay, bàn chân, teo cơ, tàn tật nặng nề. Hình ảnh lâm sàng của bệnh phong khá đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, biểu hiện ở da và thần kinh ngoại biên là hay gặp nhất.
Ở da, bệnh nhân có thể xuất hiện các dát (gặp trong phong thể bất định), củ (gặp trong phong thể củ), mảng thâm nhiễm, u phong (gặp trong phong thể trung gian và thể u). Các thương tổn này kèm theo giảm hoặc mất cảm giác. Khi thương tổn thần kinh ngoại biên, các dây thần kinh ngoại biên của bệnh nhân có thể viêm to (hay bị nhất là dây trụ, dây quay, dây chày sau...) gây mất cảm giác (nóng lạnh, đau, xúc giác) tại các vùng da do dây thần kinh chi phối.
Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị tàn tật như cò ngón tay, ngón chân, bàn chân rủ, hở mi... Ngoài ra, bệnh nhân có thể gặp một số triệu chứng khác như rối loạn bài tiết (da khô, bóng mỡ), rối loạn dinh dưỡng (rụng lông mày, loét ổ gà), viêm mũi, viêm thanh quản... Do đó, khi nghi ngờ có triệu chứng của bệnh, cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh tàn tật có thể xảy ra.
Bốn năm, cả nước ghi nhận 238 ca bệnh phong
Theo số liệu, Việt Nam thanh toán hoàn toàn được bệnh phong và vẫn ghi nhận số bệnh nhân phong mắc mới mỗi năm. Số liệu bốn năm từ năm 2016 đến 2019 có 238 bệnh nhân mắc mới bệnh phong được phát hiện. Cụ thể, năm 2016 có 138 bệnh nhân mắc mới; ba năm 2017, 2018, 2019, số bệnh nhân mắc mới lần lượt là 109, 96, 83.
(PL)- Từ ngày 15 đến 17-9, Sở Y tế TP.HCM làm việc với Hội đồng Kiểm tra loại trừ bệnh phong (Bộ Y tế) về kiểm tra công nhận loại trừ bệnh phong tại TP.HCM.