Công ty dược ngưng cấp thuốc gây tê Bupivacaine của Ba Lan

Theo nội dung Công văn số 19759/QLD-GT về việc đảm bảo cung ứng thuốc sau trúng thầu của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) gửi Công ty CP Dược phẩm Trung ương CPC 1, từ ngày 21-11 Công ty CP Dược phẩm TW CPC 1 (gọi tắt là CPC1) đã có thông báo gửi các cơ sở y tế về việc cng ty dừng xuất thuốc gây tê Bupivacaine do Ba Lan sản xuất.

Đây là loại thuốc nghi gây tai biến dẫn đến tử vong của một sản phụ tại Đà Nẵng và nhiều ca tai biến tại các tỉnh, thành khác trên cả nước.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thăm hỏi sản phụ bị sự cố sau khi gây tê ngoài màng cứng, nghi do thuốc gây tê Bupivacaine Ba Lan. Ảnh: TÂM AN

Liên quan đến nội dung này, Cục Quản lý dược đã yêu cầu CPC1 khẩn trương có giải pháp thay thế thuốc Bupivacaine do Ba Lan sản xuất đã trúng thầu để đảm bảo hợp đồng đã ký kết theo quy định, đảm bảo nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

Theo tổng hợp báo cáo kết quả trúng thầu thuốc năm 2019 từ các Sở Y tế, các bệnh viện lớn gửi về Bộ Y tế, tính đến ngày 10-10-2019 có hơn 591.000 ống Bupivacaine trúng thầu của nhiều nhà sản xuất từ Pháp, Ba Lan, Ý, Na Uy, Ấn Độ, Hàn Quốc... và cả một số công ty dược trong nước.

Danh sách trúng thầu thuốc tính đến 10-10-2019

Trong số này, thuốc Bupivacaine của Pháp trúng thầu nhiều nhất với 229.000 ống, tiếp đó là thuốc Bupivacaine của Công ty Warsaw Pharmaceutical Works Polfa S.A. do Ba Lan sản xuất với 222.000 ống. Địa phương có thuốc Bupivacaine do Ba Lan sản xuất trúng thầu gồm có Tuyên Quang, Hòa Bình, Hà Nội, Đà Nẵng...

Theo xếp hạng của Bộ Y tế, hãng dược Polfa của Ba Lan cùng với nhiều hãng dược của EU, Úc, Nhật... được xếp vào nhóm 1 -  uy tín nhất trong bản phân hạng 5 nhóm. Đây là cơ sở cho việc đấu thầu thuốc khi so sánh giá với nhau.

Trước đó, vào ngày 17-11, tại BV Phụ nữ TP Đà Nẵng xảy ra trường hợp hai sản phụ - một tử vong, một nguy kịch - khi mổ đẻ.  Sở Y tế TP Đà Nẵng nghi vấn nguyên nhân do thuốc gây tê Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy do Ba Lan sản xuất, thuốc do CPC1 cung ứng.

Sau sự việc này, nhiều địa phương khác cũng phản ánh gặp các trường hợp tai biến do sử dụng thuốc gây tê Bupivacaine do Ba Lan sản xuất và đã đề nghị dừng sử dụng thuốc như Cần Thơ, Hà Nội, Quảng Nam, Bến Tre...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm