Tại khoa thận nhân tạo, Bệnh viện (BV) Thống Nhất (TP.HCM), ngoài những bệnh nhân trung niên và lớn tuổi bị suy thận giai đoạn cuối phải chạy thận định kỳ, không ít bệnh nhân trẻ phải gắn liền với máy chạy thận suốt đời.
Dấu hiệu chỉ là nhức đầu
Làm công việc nhận may đồ gia công tại nhà, khoảng một tuần trước, chị Nguyễn Thị L. (32 tuổi, quận Tân Phú, TP.HCM) cảm thấy nhức đầu. Cơn đau âm ỉ kéo dài cả tuần không hết nên chị đến BV khám mong tìm ra nguyên nhân. Ban đầu, các bác sĩ (BS) chẩn đoán chị bị viêm xoang, cho đơn thuốc và hẹn tái khám nhưng chị vẫn còn thấy mệt nên quay lại.
Tiến hành các xét nghiệm chuyên sâu, chị L. bất ngờ khi được kết luận mắc bệnh suy thận giai đoạn cuối, phải lọc máu định kỳ. Chị chọn phương án chạy thận nhân tạo nên các BS đã tạo một cầu nối giữa tĩnh mạch và động mạch ở cổ tay, chờ sáu tuần sau khi cầu nối này ổn định sẽ chạy thận.
Chị L. chia sẻ: “Ban đầu tôi chỉ nghĩ mình bị nhức đầu thông thường. Khi biết phải chạy thận, tôi cảm thấy sốc lắm. Từ trước đến giờ sức khỏe tôi hoàn toàn bình thường, làm công việc nhẹ nhàng nhưng không hiểu sao lại mắc bệnh này”. Do chưa có bảo hiểm y tế nên các BS khuyên chị phải mua gấp để tiết kiệm chi phí chạy thận khá tốn kém, kéo dài suốt đời.
Là nhân viên văn phòng một công ty bất động sản ở TP.HCM, anh Võ Vinh Đ. (30 tuổi, quê An Giang) khá bận rộn nên không đi khám sức khỏe định kỳ. Cách đây năm tháng, anh cảm thấy buồn nôn, nôn ói, không ăn uống được, tình trạng kéo dài ba ngày. Nghĩ mình bị trúng thực, anh Đ. đến BV Nhân dân 115 khám và được các BS chẩn đoán suy thận mạn giai đoạn cuối. Hiện anh Đ. phải chạy thận nhân tạo ba lần mỗi tuần.
Một trường hợp nữa là chị Võ Anh Đ. (32 tuổi, quê Tây Ninh), công nhân may. Trong một lần công ty tổ chức khám sức khỏe cho công nhân, chị được phát hiện huyết áp cao 170/90 mmHg, BS khuyên đến BV kiểm tra. Tại đây BS kết luận chị bị bệnh thận mạn giai đoạn 4. Sau khi điều trị một năm, bệnh tiến triển đến giai đoạn cuối nên hiện chị Đ. phải chạy thận nhân tạo một tuần ba lần.
Chị Nguyễn Thị L. tình cờ phát hiện suy thận giai đoạn cuối khi đi khám bệnh nhức đầu. Ảnh: HOÀNG LAN
Do nhiều nguyên nhân
ThS-BS Nguyễn Minh Quân, khoa thận nhân tạo, BV Thống Nhất, cho biết tỉ lệ người Việt bị suy thận mạn tính ngày càng nhiều và có xu hướng trẻ hóa.
Đặc điểm của người mắc bệnh thận thường là không có triệu chứng gì cho đến khi bệnh đã tiến triển, ở giai đoạn đầu thường chỉ phát hiện qua các xét nghiệm. Khi có những dấu hiệu như phù (cơ thể bị ứ nước, nặng sẽ gây phù phổi cấp), tiểu ít, bị chuột rút, ăn không ngon, mệt mỏi bất thường, đau đầu, rối loạn giấc ngủ, hơi thở hôi mùi urê, thậm chí co giật, hôn mê… có thể bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Những người có nguy cơ dễ mắc bệnh là trong gia đình có người bệnh thận, đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm cầu thận; người thường dùng thuốc giảm đau chống viêm không steroid dài hạn như ibuprofen, ketoprofen và một số thuốc kháng sinh, thuốc không rõ nguồn gốc. Nhiều phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ hoặc tiền sản giật (huyết áp cao, nước tiểu có đạm) khi mang thai, sau sinh không có thời gian khám sức khỏe định kỳ cũng dễ dẫn đến suy thận.
Đặc biệt, suy thận còn xuất phát từ nguyên nhân ít người biết là do vi khuẩn liên cầu gây viêm họng Streptococcus. Khi bị viêm họng do vi khuẩn này, cơ thể thường sản sinh ra kháng thể, các kháng thể đi đến cầu thận, qua cơ chế đáp ứng miễn dịch sẽ gây viêm cầu thận cấp hậu nhiễm liên cầu trùng. Nếu không điều trị kịp thời hoặc theo dõi sau điều trị sẽ dẫn đến nhiều biến chứng, trong đó có tình trạng suy thận mạn.
Những người hay bị viêm họng, cao huyết áp, đái tháo đường, đang sử dụng các loại thuốc chữa trị các rối loạn bệnh lý thường xuyên nên tham khảo ý kiến BS, kiểm tra chức năng thận định kỳ để phát hiện sớm bệnh thận. Không sử dụng các loại thuốc bừa bãi mà không có chỉ định của BS.
Cách phòng ngừa bệnh thận Để phát hiện bệnh thận, các BS sau khi hỏi bệnh sử sẽ cho bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm nước tiểu, máu, siêu âm thận. Dấu hiệu sớm của bệnh thận thường phát hiện qua nước tiểu, khi có bất thường trên xét nghiệm máu và siêu âm thận thì bệnh thận có thể đã ở giai đoạn muộn. Vì vậy, người dân nên kiểm tra sức khỏe định kỳ, trong đó có kiểm tra chức năng thận, đặc biệt nên xét nghiệm nước tiểu. Cụ thể, nên tầm soát định kỳ chức năng thận sáu tháng một lần. Nếu suy thận độ 1, độ 2 hoàn toàn có thể điều trị bảo tồn thay vì ở giai đoạn muộn phải chạy thận hoặc làm thẩm phân phúc mạc suốt đời hoặc phải ghép thận mới duy trì được cuộc sống. ThS-BS NGUYỄN MINH QUÂN, khoa thận nhân tạo, BV Thống Nhất Nên uống 1-1,5 lít nước mỗi ngày Thói quen ít uống nước cũng là một trong những nguyên nhân gây suy thận. Ở Việt Nam, tỉ lệ bị sỏi thận vì lý do này khá cao, sỏi thận thường gây bít tắc đường niệu, gây suy thận. Do đó, mỗi người nên uống từ 1 lít đến 1,5 lít nước mỗi ngày kèm chế độ ăn uống lành mạnh, ít muối. |