Uống thuốc truyền miệng, bệnh nhân tiểu đường mất mạng

Chiều ngày 10-3, TS-BS Trương Dương Tiển, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết gần đây Khoa thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân bị bệnh tiểu đường nhập viện trong tình trạng sốc, suy hô hấp tuần hoàn, tổn thương đa cơ quan, khả năng tử vong rất cao do ngộ độc nhóm thuốc phenphormin. Đây là loại thuốc trị tiểu đường đã bị cấm lưu hành ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới do gây nhiễm toan máu (còn gọi nhiễm acid lactic).

Điển hình, hai ngày nay (ngày 9 và ngày 10-3), Khoa tiếp nhận dồn dập ca, trong đó 2 bệnh nhân nam sốc nặng, tổn thương suy đa cơ quan, huyết áp giảm rất thấp, cần phải lọc máu, thở máy, điều trị kéo dài. Một bệnh nhân nữ nhẹ hơn, còn tỉnh táo, tình trạng nhiễm toan cải thiện.

Theo BS Tiển, không chỉ đối mặt với các chi phí lọc máu tốn kém, nhiều ca bị biến chứng suy thận mãn, không thể hồi phục và phải chạy thận suốt đời. Trường hợp đến trễ, bệnh nhân có thể suy đa cơ quan và tử vong. Trong năm ngoái (2019), Khoa đã ghi nhận một trường hợp tử vong.

Bệnh nhân T. (56 tuổi) đang điều trị ở Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: ĐH

Thuốc bệnh nhân tiểu đường thường sử dụng được bào chế dưới dạng viên nhiều màu khác nhau như hồng, vàng, nâu, xanh lá tùy theo mức độ đường huyết của người bệnh. Các loại thuốc này do các thầy lang tự pha chế hoặc nhập từ Trung Quốc.

“Đa số bệnh nhân ưa chuộng loại thuốc này vì thời gian đầu thuốc có hiệu kiểm soát đường huyết tốt, tuy nhiên sau một thời gian sử dụng, bệnh nhân thường có triệu chứng buồn nôn, ói, đau bụng, chán ăn giống như viêm dạ dày nhưng do người bệnh không biết nguyên nhân vẫn tiếp tục sử dụng thuốc khiến rơi vào tình trạng ngộ độc”, BS Tiển cho hay.

Do đó, BS Tiển khuyến cáo các bệnh nhân đái tháo đường nên tìm đến cơ sở y tế do Nhà nước cấp phép khám và theo dõi điều trị, không tự ý đến những cơ sở hoặc sử dụng thuốc nguồn gốc không rõ ràng.

Chị ĐTHL, con gái bệnh nhân ĐHL (65 tuổi, ngụ Đồng Tháp) cho biết ông L. đã bị bệnh tiểu đường hơn 20 năm. Cách đây vài năm, nghe mọi người truyền tai nhau về loại thuốc trị tiểu đường gia truyền ở An Giang nên tìm mua uống. Uống xong ông thấy khỏe, mức đường trong máu không tăng lên nên yên tâm sử dụng cùng với thuốc tây của bệnh viện. Mấy ngày trước, ông L. cảm thấy mệt không muốn ăn, uống sữa khó tiêu nên đưa vào bệnh viện tuyến trước cấp cứu và được chuyển lên đây.

Mắc bệnh hơn 4 năm, vợ bệnh nhân NAT (56 tuổi, Long An) cho biết ông T. nghe lời tư vấn của hàng xóm nên tìm mua loại thuốc này ở Bến Tre để uống.  Đều đặn 6 tháng một lần, ông T. vẫn kiểm tra chức năng gan, thận  và thấy bình thường nên tiếp tục uống được 3 năm nay. Vào sáng hôm qua (9-3), ông T. đột nhiên ói, thử đường huyết hạ xuống rất thấp nên gia đình đưa vào bệnh viện.

“Một gói uống được tháng hơn khoảng 260 ngàn. Nó nhìn giống như như hạt tiêu, uống ngày 2 cữ, trước bữa ăn...Nghe hay thì mua uống thôi, vả lại cũng yên tâm vì kiểm tra sức khỏe 6 tháng một lần”, vợ ông T. chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm