Chỉ với một vết thương do tai nạn giao thông, ông HTD (35 tuổi, trú quận Hoàng Mai, Hà Nội) phải nằm lại BV Bạch Mai để điều trị. Nguyên nhân của việc nằm BV kéo dài này là do các bác sĩ xác định bệnh nhân có vi trùng kháng hầu hết các loại kháng sinh.
Thời gian gần đây, trường hợp của ông D. không phải là duy nhất mà đã là tình trạng khá phổ biến. Thống kê của BV ĐH Y Dược TP.HCM cho thấy 70% số ca viêm phổi ở người lớn tại BV này đều có cùng tình trạng kháng kháng sinh.
Mua thuốc không cần đơn
Tình trạng kháng kháng sinh bắt nguồn từ thói quen mua thuốc không cần đơn của người dân, cả thành thị lẫn nông thôn. Mặc dù đã đưa ra nhiều cảnh báo những tác hại của kháng kháng sinh nhưng vẫn chưa có dấu hiệu giảm.
Tại lễ mít-tinh khởi động Tuần lễ thế giới nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh (từ ngày 12 đến 18-11) diễn ra ngày 13-11 tại ĐH Y Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cảnh báo kháng kháng sinh đã là một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu và sự phát triển.
“Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra, tương lai kháng sinh sẽ chỉ là vô ích và con người sẽ đứng trước những căn bệnh không còn thuốc chữa” - ông Tiến nói.
Ông Tiến dẫn chứng Việt Nam (VN) là một trong những nước đối mặt với tình trạng kháng kháng sinh khá cao. Hiện nay việc lạm dụng kháng sinh ở VN tuy đã giảm nhưng chưa đáp ứng được theo yêu cầu. Người dân cứ đau ốm là ra hiệu thuốc để mua kháng sinh, vô cùng nguy hiểm.
“Tại VN đã xuất hiện các loại vi khuẩn kháng đa thuốc, mức độ kháng ngày càng gia tăng, nhất là ở nhóm vi khuẩn gram âm, thường xuất hiện trong các BV đã có vi khuẩn biến đổi gen đa kháng với các dòng kháng sinh thế hệ mới. Đây là điều hết sức nguy hiểm vì người bệnh có thể dễ dàng chết bởi những bệnh đơn giản, nhiễm trùng vì thuốc kháng sinh không còn tác dụng. Thậm chí các bệnh đơn giản cũng khiến người bệnh tử vong nhanh hơn cả ung thư” - Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nói.
Bệnh nhân có vi khuẩn kháng thuốc điều trị tại BV Nhi đồng 1, TP.HCM. Ảnh: HÀ PHƯỢNG
Hàng triệu người chết do kháng thuốc
Một dự báo được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra, đó là đến năm 2050, chi phí do kháng kháng sinh trên toàn cầu lên tới 100.000 tỉ USD và gây ra khoảng 10 triệu ca tử vong thêm trong mỗi năm. “Thậm chí hậu quả kinh tế của kháng kháng sinh được cho là nặng nề tương đương với hậu quả khủng hoảng tài chính” - ông Nguyễn Viết Tiến nói.
Hằng năm trên thế giới có hàng triệu người chết do kháng thuốc, trong đó có 1,4 triệu trẻ em. Nếu kháng thuốc, người bệnh phải nằm viện lâu hơn và tỉ lệ tử vong tăng lên ở tất cả nhóm tuổi. Cụ thể, theo thống kê tại châu Âu, số ngày nằm viện đã tăng khoảng 2,5 triệu ngày, tỉ lệ tử vong khoảng 25.000 người/năm; tại Thái Lan số ngày nằm viện cũng tăng hơn 3,2 triệu ngày nằm viện và tử vong 38.000 người/năm…
Đưa ra những nguyên nhân dẫn đến kháng kháng sinh trầm trọng như hiện nay, TS Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại VN, cho biết: Có nhiều lý do dẫn đến kháng kháng sinh nhưng quan trọng là việc lạm dụng, sử dụng kháng sinh quá nhiều và không đúng cách xảy ra ở tất cả các nơi, kể cả ở BV.
Ngoài ra, thực trạng các bác sĩ tùy tiện kê kháng sinh, cộng đồng mua kháng sinh không cần kê đơn, sử dụng tùy tiện dẫn đến hệ lụy những loại thuốc kháng sinh đang dùng để điều trị các bệnh cơ bản không còn hiệu lực.
Không chỉ sử dụng kháng sinh bừa bãi trên người, hiện nay việc sử dụng kháng sinh bừa bãi trong chăn nuôi như một chất kích thích tăng trưởng cũng là một nguyên nhân gây kháng thuốc.
Nhằm ngăn chặn tình trạng lạm dụng kháng sinh hiện nay, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cũng cho biết hiện lực lượng thanh tra, kiểm tra của các cơ sở y tế còn quá mỏng dẫn đến việc kiểm soát, quản lý sử dụng kháng sinh chưa chặt chẽ, hiệu quả.
Theo Thứ trưởng, cần có sự vào cuộc, phối hợp của các bộ, ngành để đẩy mạnh tuyên truyền, giúp người dân, cộng đồng ý thức được việc sử dụng kháng sinh hiệu quả. Bên cạnh đó cần xây dựng một số trung tâm kiểm nghiệm, xét nghiệm labo đánh giá được các loại vi khuẩn nhạy cảm với kháng sinh để tư vấn cho các nhà lâm sàng sử dụng thuốc hợp lý nhất.
Theo quy định, hành vi bán lẻ các loại thuốc phải kê đơn mà không có đơn thuốc chỉ bị xử phạt 200.000-500.000 đồng. Mức phạt như vậy là quá thấp, chưa đủ sức răn đe; việc chấp hành và thực hiện của các cơ sở bán lẻ thuốc hiện nay vẫn chưa nghiêm trong khi công tác thanh tra, kiểm tra còn nhiều hạn chế dẫn đến việc mua bán kháng sinh tùy tiện vẫn xảy ra. Ông LƯƠNG NGỌC KHUÊ, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh |