“Phần lớn kháng sinh không phân hủy trong môi trường bình thường. Một số ít có thể bị phân hủy nhưng không đáng kể”. Sáng 2-6, TS Trần Thế Loãn, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, đưa ra nhận định trên tại hội thảo “Kháng thuốc và sức khỏe môi trường” do Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) tổ chức.
Uống thuốc hoài không khỏi bệnh
Cách đây không lâu, bà TTHM (38 tuổi, TP.HCM) nhập viện trong tình trạng sốt đột ngột 39-40 độ C, mệt mỏi, cơ thể đau nhức, kém ăn. Bệnh nhân còn cho biết thường đau họng. Bệnh nhân nhiều lúc ho từng cơn, giọng nói khàn. Hạch ở góc hàm sưng đau. Kết quả chẩn đoán của bác sĩ cho thấy bà M. bị viêm họng cấp tính.
Thông thường bệnh nhân bị viêm họng cấp tính sẽ được cho uống kháng sinh amoxicillin. Tuy nhiên, bệnh tình bà M. không giảm mặc dù uống thuốc đúng hướng dẫn. Trao đổi với bác sĩ điều trị, bà M. cho biết thường xuyên dùng thịt heo trong bữa cơm.
Theo vị bác sĩ, kháng sinh amoxicillin hiện được nhiều người nuôi heo sử dụng để điều trị vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp như P. multocida và S. suis trên heo nái hoặc heo con. Vị này nghi ngờ bà M. bị kháng amoxicillin do ăn thường xuyên thịt heo tồn dư loại kháng sinh này.
Tại hội thảo, TS Loãn cho biết ngoài tồn tại trong nguồn thực phẩm (gia súc, gia cầm, thủy sản…), dư lượng kháng sinh còn hiện diện trong môi trường (đất, nước, không khí). “Điều đáng quan tâm là dư lượng kháng sinh ngày càng được tích lũy trong nước, bùn nuôi trồng thủy sản, nước thải chăn nuôi” - TS Loãn nói.
Cơ quan chức năng TP.HCM đang lấy mẫu thịt xét nghiệm kháng sinh. Ảnh: TRẦN NGỌC
Cũng theo TS Loãn, dư lượng kháng sinh tồn tại lâu trong môi trường khiến các vi khuẩn ngày càng thích nghi với môi trường. Điều này dẫn đến thực trạng các vi khuẩn gây bệnh tăng khả năng kháng thuốc kháng sinh. Các vi khuẩn kháng kháng sinh này cũng có thể phát tán sang các loại thực vật, rau quả... Những thứ này sẽ tiếp tục đến miệng người ăn và truyền vi khuẩn vào cơ thể. Bằng nhiều con đường, các vi khuẩn kháng thuốc sẽ gây nên bệnh tật khó chữa, thậm chí là có thể tạo các loại bệnh không có thuốc chữa.
“Sự tích lũy vài thuốc kháng sinh do dùng lâu ngày như nitrofurans, nitroimidazoles, quinoxalinedinoxides cũng có thể gây suy gan, suy thận. Thậm chí gây ung thư, đột biến gen. Việt Nam đã ghi nhận vài loại siêu vi khuẩn kháng lại mọi kháng sinh. Chưa hết, Tổ chức Y tế Thế giới xếp Việt Nam vào danh sách các nước có tỉ lệ kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới” - TS Loãn cho biết thêm.
Nhiều mẫu thịt, cá “dính” kháng sinh
ThS Lê Thị Huệ, Phó Trưởng phòng Quản lý thuốc thú y, Cục Thú y, Bộ NN&PTNT, cho biết kết quả giám sát trong năm 2016 ghi nhận 2,2% mẫu thịt heo, gà chứa dư lượng chất cấm hoặc kháng sinh vượt mức giới hạn. Kết quả này cao hơn 0,7% so với năm 2014.
Theo ThS Huệ, năm 2015, Cục Thú y cũng đã khảo sát tình hình sử dụng kháng sinh trong nuôi heo tại năm tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Thái Bình và Nam Định. “Kết quả cho thấy 100% cơ sở chăn nuôi sử dụng kháng sinh để phòng và trị bệnh cho heo. Chưa hết, 68% cơ sở sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh để phòng bệnh và kích thích tăng trưởng heo. Ngoài ra, hơn 24% cơ sở tự trộn kháng sinh vào thức ăn nuôi heo để phòng bệnh và kích thích tăng trưởng” - ThS Huệ nói.
TS Đinh Quốc Túc, khoa Môi trường và Tài nguyên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nhận định thực trạng sử dụng kháng sinh ở Việt Nam đang ở mức báo động. Trong khi thế giới sử dụng 60% lượng thuốc kháng sinh trong nông nghiệp thì con số đó ở Việt Nam là 75%. Điều này đã dẫn đến nhiều hệ lụy. “Năm 2015, có 260 lô hàng tôm xuất khẩu của Việt Nam bị trả do dư lượng kháng sinh vượt mức quy định. Chưa hết, 100% lô hàng tôm Việt Nam nhập vào Nhật Bản bị kiểm tra, nâng mức giới hạn dư lượng kháng sinh trong thủy sản” - TS Túc nói.
Theo ThS Võ Văn Ninh, nguyên giảng viên khoa Chăn nuôi thú y Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, tồn dư kháng sinh trong thực phẩm gây nhiều tác hại cho người sử dụng. Tác hại lớn nhất là dị ứng gây chết người, nhất là khi dùng kháng sinh ướp thịt, cá, hải sản. Vi khuẩn kháng kháng sinh làm cho việc điều trị bằng kháng sinh vô hiệu, cho dù có tăng liều cao cũng không hiệu quả, nhất là có sự đề kháng chéo với nhiều loại kháng sinh tuy chưa được dùng. _________________________________ Trong năm 2016 cơ quan chức năng phát hiện 31/2.724 mẫu thủy sản nuôi (1,14%) chứa dư lượng kháng sinh cấm hoặc kháng sinh hạn chế sử dụng. Mặc dù có giảm so với năm 2014 (1,24%) nhưng thực trạng vẫn chưa cải thiện rõ nét. (Nguồn Cục Thú y, Bộ NN&PTNT) |