Tại hội thảo, ông Đỗ Trọng Minh (Phòng Quản lý thuốc, Cục Thú y) cho biết năm 2013 cơ quan chức năng phân tích 110 mẫu thức ăn chăn nuôi để giám sát chất kháng sinh thì trong đó 11 mẫu có chất tetracycline, 27 mẫu có chất oxytetracyline, 13 mẫu có chlotetracyline và bốn mẫu có chloramphenicol; trong 141 mẫu thịt heo thì phát hiện bốn mẫu có dư lượng kháng sinh cấm chloramphenicol và tetracyclin, oxytetracyline có trong sáu mẫu. qua phân tích 81 mẫu thịt gà, phát hiện dư lượng kháng sinh tetracyclin có trong bốn mẫu; oxytetracyline có trong ba mẫu.
Theo ông Minh, những vấn đề tồn tại trong quản lý dư lượng chất kháng sinh độc hại là do nhiều nhân viên thú y không nắm vững nguyên tắc sử dụng kháng sinh dẫn đến sử dụng tùy tiện, bừa bãi. Thậm chí còn hiện tượng sử dụng thuốc hết hạn sử dụng, thuốc thừa đã bị hư để tiêm. Vì lợi nhuận, một số cửa hàng, đại lý và nhân viên tiếp thị tư vấn cho người chăn nuôi sử dụng thuốc kháng sinh không đúng bệnh và lạm dụng kháng sinh trong điều trị.
“Việc kiểm soát chất tồn dư kháng sinh trong thực phẩm có nguồn gốc động vật chưa đồng bộ, chưa có chương trình chiến lược quốc gia về sự phối hợp các bộ, ngành về sử dụng kháng sinh. Hệ thống cảnh báo dược học trong sử dụng thuốc thú y chưa được thiết lập, do vậy chưa tạo được hành lang an toàn trong sử dụng thuốc” - ông Minh nói.
LÊ PHI