Cụ thể, trong tháng 5 vừa qua, Tổng vụ Sức khỏe và An toàn thực phẩm thuộc Ủy ban châu Âu (EC) đã có công thư gửi Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Việt Nam (Nafiqad) phản ánh về biện pháp kiểm soát chất kháng sinh đối với sản phẩm thủy sản của Việt Nam vẫn chưa được khắc phục hiệu quả.
“Nếu không nghiêm túc thực hiện các yêu cầu về kiểm soát dư lượng kháng sinh, cơ sở chế biến xuất khẩu thủy sản Việt có nguy cơ bị đình chỉ xuất khẩu sang EU” - ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Nafiqad, cảnh báo.
Trước đó, không ít lô hàng thủy sản Việt Nam xuất sang Nhật cũng bị cảnh báo có dư lượng các kháng sinh vượt mức cho phép và phải chịu hình thức kiểm tra 100% lô hàng khi xuất khẩu vào thị trường này. Bên cạnh đó, cơ quan kiểm tra và an toàn thực phẩm thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng vừa cảnh báo sản phẩm cá tra của hai công ty Việt nhiễm hóa chất, kháng sinh không cho phép.
Trước thực tế trên, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cho hay công ty phải chật vật đối phó với nạn kháng sinh, tạp chất tồn dư trong thủy sản xuất khẩu. Dù công ty chủ động được vùng nguyên liệu, kiểm soát chặt quy trình từ con giống đến nuôi trồng, thu mua rồi chế biến nhưng vẫn dính tôm bơm tạp chất. Lý do có thể do người nuôi hoặc nhân viên thu mua thông đồng với thương lái bán tôm bơm tạp chất để có lợi nhuận cao.
“Hậu quả là nước nhập khẩu siết chặt hàng rào kỹ thuật, như Nhật kiểm từng lô hàng. Điều này dẫn đến chi phí tăng kéo theo giá thủy sản bán ra cao, khó cạnh tranh với các nước xuất khẩu khác như Thái Lan và Indonesia” - ông Quang chia sẻ.
Đại diện một công ty thủy sản khác cho hay hiện nay dù có đơn hàng nhưng không đủ nguyên liệu “sạch” để đáp ứng hợp đồng, nhà máy chế biến chỉ hoạt động 50% công suất. “Vừa qua tình hình hạn mặn đã khiến nguyên liệu thủy sản giảm, lại thêm việc người nuôi lạm dụng kháng sinh nên nguồn nguyên liệu đạt chất lượng không nhiều” - đại diện công ty trên cho hay.
Để khắc phục tình trạng trên, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng cách tốt nhất là các DN liên kết chặt với nông dân từ khâu nuôi đến thu hoạch. Đồng thời khi mua tôm nguyên liệu phải kiểm tra chất lượng tại ao, vựa thì mới có thể kiểm soát được kháng sinh.
Bên cạnh đó, Nafiqad vừa có văn bản yêu cầu các cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu khẩn trương và nghiêm túc rà soát chương trình quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; thực hiện đầy đủ biện pháp kiểm soát cần thiết đối với hóa chất kháng sinh, tránh trường hợp bị “cấm cửa” xuất khẩu.