Miền Tây tăng nguồn lực chữa trị, chăm sóc F0 tại nhà

Tuyến y tế cơ sở và các trạm y tế lưu động đang được tăng cường tối đa tại miền Tây để đảm bảo việc hỗ trợ, chăm sóc F0 tại nhà.

Tập trung y tế cơ sở để chăm sóc F0 tại nhà

Tại TP Cần Thơ, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Phạm Phú Trường Giang cho biết hiện công tác điều trị F0 tại nhà trên địa bàn TP đảm bảo theo các quy định. Việc cấp phát thuốc cho F0 tại nhà và các đội y tế hỗ trợ cơ bản TP triển khai kịp thời, tuy nhiên cũng có một số trường hợp chưa kịp như người dân gọi điện thoại thì chưa kịp thời đến.

“Hôm qua, tôi đi kiểm tra thì thấy cơ bản các địa phương triển khai khá tốt. Các trạm y tế đều có đủ cơ số thuốc gói A, khi nào người F0 cần thì trạm mới phát, còn gói thuốc C, bộ cấp bao nhiêu (1.882 gói) thì TP đã phát hết cho người F0, hiện đang chờ xin thêm” - ông Giang cho hay.

Tặng túi thuốc và túi xông cho F0 đang điều trị tại nhà ở phường Trà An, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Ảnh: BCĐ quận Bình Thủy

Cũng theo ông Giang, đối với ca nặng, “hiện TP đang tập trung phân tầng, trong đó tầng 3 đầu tư trang thiết bị, ôxy, các máy thở cơ bản TP đã được Bộ Y tế hỗ trợ, nguồn nhân lực TP cũng được quân khu hỗ trợ, giờ tăng cường điều trị để giảm thiểu tử vong tối đa nhất có thể”.

Cạnh đó, ông Giang cho biết thêm hiện TP đang triển khai Trung tâm ICU điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện (BV) đa khoa TP. Thuốc tiêm cho bệnh nhân tầng 3 thì TP đã xin bộ được 10.000 lọ Remdesivir dạng tiêm và đã phát cho các BV để tập trung tiêm, đồng thời TP cũng xin thêm thuốc này.

Ở địa bàn tỉnh An Giang, thời gian qua, tỉnh đã thành lập 48 cơ sở thu dung điều trị F0, với tổng số 7.174 giường bệnh (trong đó tầng 1 và tầng 2 là 6.974 giường bệnh; tầng 3 là 200 giường bệnh). Đồng thời, tỉnh có kế hoạch nếu tình hình dịch diễn biến phức tạp, số mắc tăng cao thì ngành y tế sẽ tiếp tục tham mưu huy động các cơ sở y tế tham gia và mở rộng thêm cơ sở điều trị F0 hiện có.

Ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang, cho biết hiện công tác thu dung điều trị F0 tại các cơ sở y tế cũng như công tác điều trị F0 tại nhà trên địa bàn tỉnh vẫn đang được đảm bảo. Sau thời gian triển khai cách ly điều trị tại nhà trường hợp F0 không triệu chứng thời gian qua, lũy kế đến nay (tối 14-12) đã có 4.180 trường hợp được điều trị khỏi tại nhà.

Đà Nẵng thành lập các trạm y tế trong các khu công nghiệp

Đà Nẵng đang khẩn trương thành lập các trạm y tế trong các khu công nghiệp, trước mắt huy động lực lượng ở các BV để thiết lập, xử lý kịp thời khi xuất hiện các ổ dịch tại đây. Mục tiêu lúc này là không để mất kiểm soát số ca lây nhiễm, không để bệnh nhân chuyển nặng và không để mất năng lực điều trị của y tế.

TÂM AN 

Các địa phương chờ Bộ Y tế hỗ trợ thuốc điều trị

Tại Cà Mau, thời gian qua số ca mắc mới tăng liên tục, gây áp lực rất lớn cho tỉnh trong công tác điều trị, đặc biệt là nguồn thuốc điều trị. Thế nên vừa qua, Sở Y tế tỉnh này phải có công văn đề nghị hỗ trợ hoặc tạo điều kiện để tỉnh được mua thuốc kháng virus để điều trị cho người bệnh COVID-19.

 Sở Y tế tỉnh Cà Mau vừa qua đã phát công văn gửi đến các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước kêu gọi hỗ trợ cho tỉnh thuốc kháng virus để điều trị bệnh nhân COVID-19 hoặc tạo điều kiện cho tỉnh mua thuốc kháng virus để điều trị cho người bệnh COVID-19. Nhu cầu của tỉnh cà Mau hiện nay đang cần thuốc kháng virus đường uống: Molnupiravir 30.000 liệu trình điều trị cho 30.000 ca mắc COVID-19; Favipiravir 10.000 liệu trình điều trị cho 10.000 ca mắc COVID-19.

Không chỉ Cà Mau, theo ghi nhận, tại các địa phương ở miền Tây, nhu cầu về thuốc điều trị COVID-19 là rất lớn. Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang, ông Trần Quang Hiền, cho biết tỉnh đã đề nghị Bộ Y tế cấp thêm cho An Giang khoảng 10.000 liều Molnupiravir phục vụ công tác điều trị bệnh nhân nhẹ tại nhà và tỉnh đang chờ cấp phát từ bộ trong thời gian sớm nhất.

“Ngành y tế thường xuyên tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực điều trị tại cơ sở, hướng dẫn các địa phương chủ động triển khai, theo dõi chăm sóc y tế đối với các trường hợp cách ly điều trị F1, F0 không triệu chứng tại nhà. Tỉnh mong được cấp phát thuốc sớm để phục vụ công tác điều trị” - ông Hiền cho biết thêm.

Còn tại Đồng Tháp, tỉnh này đang triển khai công tác cách ly điều trị F0 nhẹ, không triệu chứng tại nhà. UBND tỉnh Đồng Tháp đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế xem xét, hỗ trợ cho tỉnh tiếp tục tham gia chương trình thí điểm điều trị thuốc Molnupiravir với số lượng bệnh nhân dự kiến tham gia điều trị là 1.000 người.

Trao đổi với PV, ông Kiên Sóc Kha, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Trà Vinh, cho biết hiện tỉnh đang có 4.047 F0 đang thực hiện điều trị tại nhà, đã hoàn thành điều trị tại nhà 397 trường hợp. Theo ông Kha, công tác cách ly điều trị F0 tại nhà đang gặp khó khăn về nhân lực y tế cơ sở không đáp ứng được. Bên cạnh đó, túi thuốc B dùng điều trị F0 giá thành cao và rất khó mua trên thị trường; còn túi thuốc C vì nhiều lý do khác nhau nên triển khai vẫn còn chậm.

Theo Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, hiện các cơ sở điều trị COVID-19 tầng 1 hoạt động với 40,5% công suất, còn 1.901 giường bệnh để thu dung điều trị các trường hợp F0 không triệu chứng. Các cơ sở điều trị COVID-19 tầng 2 hoạt động với 143,3% công suất. Các BV điều trị COVID-19 tầng 3 hoạt động 102,2% công suất. Các địa phương trong tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp kiểm soát dịch, tập trung điều trị F0 tại nhà; tăng cường hoạt động của trạm y tế lưu động.

Theo Sở Y tế tỉnh Bến Tre, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng diễn biến phức tạp. Hiện tỉnh còn 6.530 ca đang điều trị, trong đó có 3.880 bệnh nhân điều trị tại nhà và 2.650 bệnh nhân điều trị tại cơ sở y tế. Về phân tầng điều trị: Tầng 1 có 5.936 ca (3.880 ca tại nhà); tầng 2 có 359 ca và tầng 3 đang điều trị 235 ca.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười, Phó chỉ huy trưởng thường trực Sở Chỉ huy phòng chống dịch COVID-19 tỉnh, đề nghị thống nhất việc cách ly F1 tại nhà, điều trị F0 tại nhà nhằm giảm gánh nặng cho hệ thống y tế công cộng; phối hợp thực hiện cho tốt các nội dung hướng dẫn của Bộ Y tế để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.

Hà Nội đẩy mạnh điều trị F0 tại nhà và trạm y tế lưu động

Số ca mắc trung bình một tuần gần đây của TP Hà Nội dao động 700-800 ca mỗi ngày. Với tốc độ ca mới tăng nhanh như hiện nay, đã xuất hiện tình trạng bệnh nhân F0 bị “bỏ rơi”.

Để đáp ứng với tốc độ gia tăng mắc mới như hiện nay, Sở Y tế TP Hà Nội đang tập trung nguồn lực cho trạm y tế lưu động, đồng thời mở rộng điều trị F0 tại nhà.

Tại phường Gia Thụy, Long Biên, hiện có 90 ca F0, trong đó tự cách ly tại nhà 73 người.

Các địa phương cũng kích hoạt nhiều điểm thu dung, điều trị F0. Như tại Hoài Đức, huyện đã vận hành Trạm y tế lưu động số 1 đặt tại xã Tiền Yên, đây là cơ sở thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 quy mô 300 giường.

Tại huyện Thanh Oai, mặc dù toàn huyện có 282 F0 nhưng địa phương cũng linh hoạt cho F0 không triệu chứng điều trị tại nhà, theo dõi sức khỏe tại trạm y tế lưu động.

Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội, hiện TP có 32 BV, cơ sở thu dung và 27 cơ sở thu dung theo mô hình trạm y tế lưu động với năng lực điều trị cho 100.000 ca bệnh. Hệ thống ôxy tại 25 BV với 3.200 đầu ra khí ôxy phục vụ người bệnh vừa được triển khai xong.

Để đáp ứng với lượng F0 tăng nhanh như những ngày qua, Sở Y tế tổ chức tập huấn chuyên môn trực tuyến cho tất cả xã, phường, thị trấn và triển khai ứng dụng phần mềm để quản lý, theo dõi, điều trị cho F0 tại nhà.

BÁCH AN 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm