Ngày 19-10, Bộ Y tế tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước ngành y tế lần thứ VII, giai đoạn 2020-2025 với chủ đề “Đoàn kết - Kế thừa - Đổi mới - Phát triển”.
Quá tải BV giảm 80%, đẩy lùi đại dịch COVID-19
Ông Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, đánh giá các phong trào thi đua yêu nước của ngành giai đoạn 2015-2020 nhờ có mục tiêu, kế hoạch và biện pháp rõ ràng nên đã đạt hiệu quả cao.
Trong đó, phong trào “Chung tay giảm tải bệnh viện, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế đáp ứng sự hài lòng của nhân dân” năm 2015 đã giải quyết tình trạng quá tải và nằm ghép ở trên 80% số bệnh viện trung ương, bệnh viện tuyến cuối.
Đặc biệt, năm 2020 là một dấu mốc lịch sử của ngành y tế khi đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Các “chiến sĩ áo trắng” luôn thể hiện ý chí không ngại khó khăn, gian khổ, đứng vững ở tuyến đầu chống dịch.
Minh chứng cho những nỗ lực không biết mệt mỏi, ở giai đoạn 1, các ổ dịch nhanh chóng được dập dứt điểm, số lượng ca mắc chiếm tỉ lệ rất nhỏ so với quy mô dân số, tất cả bệnh nhân nặng được điều trị bình phục…
Ở giai đoạn 2, khi dịch bùng phát tại Đà Nẵng, ngành y tế căng mình chống dịch và hoàn thành việc dập dịch dứt điểm trong chưa đầy 40 ngày, cứu được tính mạng của nhiều bệnh nhân nặng, giữ thành quả gần 50 ngày liên tiếp Việt Nam không có ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tặng bằng khen cho các tập thể và cá nhân, đặc biệt là những người trực tiếp tham gia vào công tác phòng, chống đại dịch COVID-19. Ảnh: BYT
Tôn vinh công dân thủ đô năm 2020
Trong cuộc chiến đầy cam go với đại dịch, nhiều tấm gương thầy thuốc bằng tinh thần trách nhiệm và đức hy sinh đã cống hiến hết mình cho xã hội, tô đẹp thêm truyền thống của ngành. Đó là những người luôn ở tuyến đầu chống dịch như BS CKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới trung ương, người chỉ huy trực tiếp đối mặt với virus SARS-CoV-2.
BS Cấp cùng với nhân viên Khoa cấp cứu triển khai thành công các kỹ thuật cao để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng như thở máy nâng cao, lọc máu hấp phụ phân tử (lọc Cytokin), hỗ trợ hô hấp ngoài cơ thể (ECMO)..., kết quả 10/10 bệnh nhân COVID-19 nặng đã bình phục, một số bệnh nhân đã khỏi và ra viện, hiện còn bệnh nhân nằm tại đơn vị chăm sóc tích cực nhưng tình trạng đã qua cơn nguy kịch.
Với vai trò là trưởng Khoa cấp cứu - BV Bệnh nhiệt đới trung ương, từ những ngày tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 đầu tiên, BS Cấp cùng với nhân viên Khoa cấp cứu đã lên kế hoạch triển khai tiếp nhận, sàng lọc, chăm sóc và điều trị bệnh nhân; nắm bắt thông tin, thu thập tài liệu, soạn thảo những chuyên đề sinh hoạt khoa học và đào tạo trong nội bộ khoa về virus... Ông được vinh dự nhận danh hiệu Công dân thủ đô năm 2020.
Không tết, không ngày nghỉ
Những ngày giáp tết âm lịch, khi ca nghi nhiễm COVID-19 đầu tiên được ghi nhận tại BV Bệnh nhiệt đới trung ương, đội cơ động phòng, chống dịch 24/24 giờ của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã ngay lập tức có mặt để điều tra, thu thập mẫu bệnh phẩm, xác minh thông tin, lập danh sách người tiếp xúc, thông tin cho địa phương cũng như báo cáo cho Cục Y tế dự phòng và Bộ Y tế.
Liên tục những ngày sau đó, toàn viện căng mình chống dịch. Các cán bộ trực tiếp tham gia phòng, chống dịch của viện gần như không có tết, không có ngày nghỉ, nhiều cán bộ cả tháng không về nhà, bám trụ tại cơ quan.
Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã nhanh chóng phối hợp với các nhà khoa học Trường ĐH Nagasaki (Nhật Bản) nghiên cứu, chế tạo thành công bộ kit ELISA chẩn đoán kháng thể IgM và IgG kháng SARS-CoV-2, góp phần nâng cao vị thế ngoại giao của Việt Nam trên trường quốc tế. |
Đây cũng là đơn vị phân lập thành công SARS-CoV-2, đưa Việt Nam là một trong bốn nước đầu tiên trên thế giới phân lập được virus này.
Cán bộ của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương còn trực tiếp tổ chức điều tra dịch tễ, lấy mẫu bệnh phẩm cho hơn 6.000 ca bệnh nghi ngờ và người tiếp xúc gần tại 10 bệnh viện tuyến trung ương, các tỉnh/thành phố khu vực miền Bắc và một số tỉnh trọng điểm khác.
Viện đã thực hiện xét nghiệm vài chục ngàn mẫu bệnh phẩm nghi nhiễm SARS-CoV-2 tại 28 tỉnh/TP miền Bắc.
Các cán bộ của viện đã cùng triển khai truy vết, điều tra dịch tễ các ca bệnh nghi ngờ, người tiếp xúc, trên 10.000 hành khách có mặt trên 72 chuyến bay quốc tế và nội địa có ca bệnh dương tính được phát hiện.
Hay như khi đại dịch COVID-19 xuất hiện tại TP.HCM, BV Chợ Rẫy đã chủ động, triển khai sớm, đồng bộ các phương án ứng phó dịch bệnh, kịp thời phát hiện, tiếp nhận cách ly và điều trị thành công hai ca đầu tiên nhiễm COVID-19 với bệnh nền phức tạp và được xuất viện khỏe mạnh. Đồng thời, bệnh viện này tham gia phối hợp với BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM ngay từ đầu và sau đó trực tiếp điều trị thành công bệnh nhân mắc COVID-19 số 91 (phi công người Anh) xuất viện về nước. Trong đó, BS Trần Thanh Linh, Phó Trưởng Khoa hồi sức cấp cứu của BV, là người có công đóng góp nổi bật.
Tập thể BV Chợ Rẫy hôm nay được Bộ Y tế tặng cờ thi đua vì đã có thành tích xuất sắc trong giai đoạn 2016-2020.
Chung tay vì người nghèo và đồng bào miền Trung Đại hội Thi đua yêu nước ngành y tế tổ chức vào thời điểm Thủ tướng Chính phủ vừa kêu gọi “Cả nước chung tay vì người nghèo” và người dân ở một số tỉnh miền Trung đang chịu thiệt hại nặng nề từ lũ lụt. Quyền bộ trưởng Bộ Y tế kêu gọi toàn ngành y tế chung tay ủng hộ đồng bào miền Trung ruột thịt, khắc phục hậu quả thiên tai, tham gia đóng góp ngay tại đại hội. Ngay sau đó, các vị lãnh đạo và đại biểu tham dự đại hội đã thực hiện ủng hộ số tiền 110 triệu đồng. Cũng ngay trong chiều 19-10, tập thể cán bộ, công chức, người lao động cơ quan Bộ Y tế ủng hộ 200 triệu đồng, Câu lạc bộ bí thư Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh ngành y tế ủng hộ 54 triệu đồng, Câu lạc bộ trưởng phòng công tác xã hội ngành y tế ủng hộ 13 triệu đồng. Toàn bộ số tiền 377 triệu đồng sẽ được chuyển tới các địa phương đang bị ảnh hưởng bởi thiên tai. |