Trong hai ngày 1 và 2-11, Hội Truyền máu huyết học TP.HCM đã phối hợp với BV Truyền máu - Huyết học TP.HCM tổ chức Hội nghị truyền máu huyết học phía nam mở rộng lần thứ năm. Hội nghị đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của chuyên ngành truyền máu - huyết học khu vực phía nam nói riêng và cả nước nói chung.
BS CK2 Phù Chí Dũng, Chủ tịch Hội Truyền máu huyết học TP.HCM, Giám đốc BV Truyền máu - Huyết học TP.HCM, cho biết trong những năm gần đây, ngành truyền máu huyết học của Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, ứng dụng nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu trong điều trị và chẩn đoán các bệnh lý về máu, cũng như cải tiến chất lượng trong lĩnh vực truyền máu.
Trong lĩnh vực huyết học, thành tựu lớn nhất mà ngành đạt được là ghép tế bào gốc tạo máu với số lượng trung tâm ghép ngày càng tăng. Ban đầu từ một trung tâm ghép tại BV Truyền máu - Huyết học thành lập vào năm 1995, đến nay cả nước đã có chín trung tâm ghép tế bào gốc tạo máu với số lượng ca ghép của cả nước gần 1.000 ca.
Ghép tế bào gốc là một kỹ thuật cao trong điều trị bệnh lý máu ác tính. Nhiều bệnh nhân mắc bệnh máu sau khi được tiếp cận phương pháp ghép tế bào gốc đã có cuộc sống khỏe mạnh bình thường.
Ngân hàng máu đạt chuẩn GMP châu Âu tại BV Truyền máu - Huyết học TP.HCM. Ảnh: HL
Trong lĩnh vực truyền máu, Việt Nam đã có năm ngân hàng máu lớn và các ngân hàng máu khu vực trải dài trên khắp đất nước. Hằng năm thu gom gần 1,6 triệu đơn vị máu phục vụ cho cấp cứu, khám chữa bệnh.
Tại BV Truyền máu - Huyết học TP.HCM, năm 2019 đã đưa vào ứng dụng hệ thống giải trình tự gen thế hệ mới (NGS) đầu tiên trong cả nước nhằm xét nghiệm HLA độ phân giải cao cho bệnh nhân có nhu cầu ghép tế bào gốc. Bên cạnh đó, đơn vị này cũng ứng dụng kỹ thuật Digital PCR, là kỹ thuật định lượng gen mục tiêu, được ứng dụng để định lượng bệnh tồn dư tối thiểu cho các bệnh nhân ung thư.
Ngoài ra, bệnh viện có ngân hàng máu cuống rốn cộng đồng đầu tiên tại Việt Nam được thành lập vào năm 2001, hoạt động theo những tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Bệnh viện bắt đầu nghiên cứu nuôi cấy tế bào trung mô từ mô của dây rốn hoặc màng ối, đây là bước khởi đầu để tiến đến công nghệ biệt hóa tế bào theo các hệ cơ quan khác nhau, là mục đích cuối cùng của ứng dụng tế bào gốc trong điều trị nhiều bệnh lý thuộc nhiều cơ quan khác nhau.
Hiện tại ngân hàng tế bào gốc lưu trữ hơn 6.400 đơn vị tế bào gốc máu cuống rốn, gần 1.000 đơn vị tế bào gốc máu ngoại vi.
Hội nghị truyền máu tuyết học phía nam mở rộng lần thứ năm thu hút sự tham gia của 1.300 đại biểu trong và ngoài nước. Tại hội nghị lần này, các báo cáo viên trong và ngoài nước có những báo cáo chuyên sâu về ghép tế bào gốc, những tiến bộ trong điều trị bệnh lý huyết học lành tính, ác tính… Ngoài ra là cập nhật kiến thức mới trong lĩnh vực huyết học lâm sàng, truyền máu - ngân hàng máu, xét nghiệm, miễn dịch, di truyền học - sinh học phân tử…