Về vấn đề này, bác sĩ Trần Thị Thắm, Phó Giám đốc Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP.HCM, giải thích như sau:
Quyền lợi người hiến máu tình nguyện được qui định trong thông tư 20/2018 của Bộ Y tế. Theo đó, người hiến máu tình nguyện được nhận quà tặng bằng hiện vật có giá trị tương đương như sau:
- Một đơn vị máu thể tích 250 ml: 100.000 đồng.
- Một đơn vị máu thể tích 350 ml: 150.000 đồng.
- Một đơn vị máu thể tích 450 ml: 180.000 đồng.
Một người ở TP.HCM tham gia hiến máu nhân đạo. Ảnh: TRẦN NGỌC
Người hiến máu tình nguyện còn được hỗ trợ chi phí đi lại bằng tiền mặt 50.000 đồng/lần hiến máu. Đồng thời được hỗ trợ suất ăn tại chỗ trị giá 30.000 đồng sau khi hiến máu.
Máu của người hiến sau đó được chuyển tới ngân hàng máu (Bệnh viện Truyền máu-Huyết học TP.HCM). Nơi đây sẽ xét nghiệm các bệnh lây lan qua đường máu (HIV, viêm gan siêu vi B và C, giang mai, sốt rét…). Nếu phát hiện bệnh, người hiến máu sẽ được tư vấn điều trị.
Người hiến máu tình nguyện đủ 20 lần sẽ được Hội Chữ thập đỏ tỉnh, TP đề nghị UBND tỉnh, TP tặng bằng khen. Hiến đủ 30 lần được đề nghị Trung ương Hội Chữ thập đỏ tặng bằng khen, đủ 40 lần được đề nghị Trung ương Hội Chữ thập đỏ tặng kỷ niệm chương. Hiến đủ 70 lần được đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.
Nội dụng trên nằm trong quyết định 122/2017 của Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện.
Người hiến máu mỗi lần tham gia hiến máu tình nguyện sẽ được cấp giấy chứng nhận hiến máu. Người hiến máu tình nguyện trong trường hợp phải truyền máu tại các cơ sở y tế công lập sẽ được miễn trả tiền máu bằng số lượng máu đã hiến. Qui định này dựa vào thông tư 182/2009 của Bộ Tài Chính.
Người bệnh có nhu cầu cần truyền máu không phải trả tiền mua máu. Người bệnh chỉ phải trả chi phí các khoản tiền cho một đơn vị máu gồm vận chuyển, bảo quản, xét nghiệm, túi đựng máu…