Chủ Siêu thị Family mart tại quận 7 cho biết khách chủ yếu của siêu thị này là người Hàn Quốc và những gia đình Việt-Hàn. Sức mua tuy không giảm nhiều nhưng doanh thu của siêu thị bị sụt giảm khoảng 40% do cạnh tranh từ các siêu thị mới mở trong khu vực. “Giá hàng mua vào tăng nhưng chúng tôi vẫn phải hạ giá bán, chấp nhận lời ít để giữ khách của mình” - chị cho biết.
Hệ thống cửa hàng Hachi Hachi chuyên bán hàng Nhật cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Đại diện doanh nghiệp này chia sẻ: “Doanh thu của doanh nghiệp giảm 10%-15% so với cùng kỳ. Lượng khách đến cửa hàng ít hơn trước đây. Nguyên nhân là do hàng hóa nhập từ Nhật, sản phẩm độc đáo, giá cao hơn so với mặt bằng chung và không phải nhu yếu phẩm nên chỉ khách hàng thân thiết hoặc có nhu cầu mới ghé tới. Chúng tôi đã phải giảm bớt lợi nhuận, hạ giá đồng loạt gần cả ngàn mặt hàng, tổ chức những chương trình giá sốc chỉ có 8.000 và 88.000 đồng, đồng thời đa dạng hóa các mặt hàng cho người tiêu dùng”.
chị Lê Thị Ngọc Diễm, đại diện Thailand Shopping Center (744 Nguyễn Kiệm, Gò Vấp), cho biết cửa hàng chị đã tung các chương trình khuyến mãi giảm giá 30%-50% để thu hút khách. Tuy nhiên, giày dép và hàng gia dụng vẫn bán rất chậm.
Một số doanh nghiệp cho biết thị trường bán lẻ hiện tại rất khó khăn do người tiêu dùng “thắt lưng, buộc bụng”, giảm chi tiêu những mặt hàng xa xỉ hoặc hàng hóa không thuộc nhu yếu phẩm. Vì vậy, doanh nghiệp phải chấp nhận thay đổi nhanh, có phương án phù hợp như để khách hàng cảm nhận “mình là số một”, được quyền chọn những sản phẩm mới nhất khi công ty nhập về.
TÚ UYÊN