Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu tới bạn đọc bài viết của PGS-TS Nguyễn Thái Phúc về ý nghĩa, tầm quan trọng của nguyên tắc này trong tố tụng hình sự.
Điều 13 BLTTHS 2015 quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”. Cách diễn đạt cho thấy người bị buộc tội (người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo) được suy đoán vô tội.
Trân trọng số phận con người
Theo ngôn ngữ đời thường, suy đoán là dựa vào cái này mà đoán ra cái khác. Trong pháp luật, suy đoán là một trong những kỹ thuật lập pháp, là suy đoán pháp lý nên phải chịu sự ràng buộc của pháp luật. Đó là giả thiết do luật quy định và được công nhận là đúng cho đến khi chứng minh được điều ngược lại. Đây là nguyên tắc hiến định, không ai có quyền vi phạm. Chẳng hạn khi báo chí tường thuật một vụ cướp của giết người giữa thanh thiên bạch nhật sẽ không được viết “A là tên cướp của giết người” mà phải dùng từ khác hoặc giấu tên tuổi của họ cho đến khi có bản án có hiệu lực của tòa.
Suy đoán vô tội có ý nghĩa quan trọng trong khoa học pháp lý cũng như trong thực tiễn chống tội phạm với vai trò là nền tảng và kim chỉ nam cho toàn bộ hoạt động tố tụng hình sự. Nguyên tắc này loại trừ định kiến, kết tội một chiều trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Dù chứng cứ thu thập trong vụ án đến đâu, dù niềm tin nội tâm của những người tiến hành tố tụng về tội phạm của người bị buộc tội thế nào thì họ vẫn có nghĩa vụ làm sáng tỏ các tình tiết, sự kiện của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ. Nguyên tắc này thể hiện thái độ trân trọng tới số phận con người, hạn chế sai lầm tư pháp làm oan công dân.
Áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội sẽ giúp nâng chất tranh tụng tại phiên tòa. Ảnh minh họa: G.TUỆ
Nguyên tắc suy đoán vô tội là nền tảng, thể hiện cô đọng nhất những bảo đảm pháp lý cho quyền bào chữa của bị can. Bởi lẽ người bị buộc tội không có nghĩa vụ chứng minh sự vô tội của mình. Họ có thể từ chối khai báo hoặc tham gia vào các hoạt động điều tra nào đó. Lập luận theo kiểu “nếu không chứng minh được sự vô tội của mình có nghĩa là có tội” là trái với suy đoán vô tội vì đã chuyển nghĩa vụ chứng minh từ bên buộc tội sang bên người bị buộc tội. Ngay cả khi nghi can nhận tội thì nguyên tắc này vẫn có hiệu lực đến khi bản án của tòa có hiệu lực.
Nguyên tắc suy đoán vô tội đòi hỏi cơ quan buộc tội là cơ quan có nghĩa vụ chứng minh tội của người bị buộc tội theo triết lý đã tồn tại từ thời cổ xưa “ai đưa ra lời buộc tội thì người đó phải chứng minh”. BLTTHS rất tiến bộ khi quy định cơ quan buộc tội không chứng minh được tội phạm của bị cáo thì đồng nghĩa với sự vô tội của bị cáo đã được chứng minh và tòa phải tuyên bị cáo không có tội. Suy đoán vô tội được thừa nhận cho đến khi bản án kết tội của tòa có hiệu lực. Nói một cách khác, chỉ có tòa là cơ quan duy nhất có quyền tuyên bị cáo là người có tội trong bản án kết tội của mình.
Ðảm bảo tranh tụng, tránh kéo rê án
Suy đoán vô tội liên quan chặt chẽ đến nguyên tắc tranh tụng. Theo đó, bên buộc tội và bên bào chữa bình đẳng trong hoạt động chứng minh. Tòa không có nghĩa vụ chứng minh tội phạm mà chỉ chứng minh cho quyết định của mình.
Nguyên tắc suy đoán vô tội có tác dụng tránh kéo dài vụ án, trả hồ sơ nhiều lần. Khi không chứng minh được lỗi của bị cáo phải xem là đồng nghĩa với sự vô tội của bị cáo đã được chứng minh và tòa phải tuyên bị cáo không có tội. Tòa không thể tuyên bản án mập mờ. Nếu không đủ chứng cứ chứng minh bị cáo có tội thì HĐXX sẽ tuyên bị cáo vô tội và trả tự do ngay chứ không chỉ trả hồ sơ điều tra bổ sung (sơ thẩm) hoặc hủy án để điều tra, xét xử lại (phúc thẩm). Chỉ luật sư của bị can mới có nghĩa vụ chứng minh sự vô tội của thân chủ.
Việc thực thi nguyên tắc này còn giúp hạn chế chuyện mớm cung, ép cung, bức cung, dùng nhục hình. Bởi lẽ thực tế cho thấy có hành vi trên là do điều tra viên nôn nóng phá án hoặc cứ cố tìm chứng cứ chứng minh bị can phạm tội cho bằng được. Từ đó, nguyên tắc này sẽ giúp nâng cao nghiệp vụ của cán bộ tố tụng...
Tư tưởng suy đoán vô tội trong luật cũ BLTTHS đầu tiên của nước ta (1988) đã tiếp thu tư tưởng về suy đoán vô tội và ghi nhận tại Điều 10: “Không ai có thể bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Điều 72 Hiến pháp 1992 cũng ghi nhận về tư tưởng suy đoán vô tội, đồng thời bổ sung quyền về bồi thường thiệt hại vật chất và phục hồi danh dự của người bị oan. BLTTHS 2003 tiếp tục ghi nhận tư tưởng về suy đoán vô tội thông qua hai quy định: “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật” và “trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”. Hiến pháp 2013 cũng kế thừa tư tưởng này tại Điều 31. Tuy nhiên, việc các BLTTHS 1998, 2003 không ghi nhận chính thức nguyên tắc suy đoán vô tội như BLTTHS 2015 đã không lột tả được hết được các nội dung của nó. Nguồn gốc của nguyên tắc suy đoán vô tội Luật La Mã cổ đã biết đến nguyên tắc suy đoán pháp lý “Praesumptio boni viri”. Theo đó, người tham gia tố tụng trong các tranh chấp về tài sản luôn được coi là trung thực cho đến khi bị chứng minh ngược lại. Dần dần nguyên tắc suy đoán này cũng được áp dụng trong cả tố tụng hình sự và nhiều lĩnh vực pháp luật khác. Ở châu Âu, tư tưởng về suy đoán vô tội đầu tiên được thể hiện trong tác phẩm “Tội phạm và hình phạt” năm 1764 của Bekaria (người Ý). Cách mạng tư sản Pháp trong Tuyên ngôn quyền con người và công dân 1789 đã ghi nhận tư tưởng này với tư cách là một nguyên tắc pháp lý. Sau này, tư tưởng về suy đoán vô tội ngày càng có tính quốc tế khi được thừa nhận trong nhiều điều ước quốc tế mà nhiều quốc gia ký kết hoặc gia nhập. Tuyên ngôn nhân quyền 1948 của Liên Hiệp Quốc, Công ước quốc tế về quyền chính trị và dân sự của Liên Hiệp Quốc 1966, Quy chế Roma của Tòa án hình sự quốc tế cùng BLTTHS đa số nước trên thế giới đều ghi nhận về suy đoán vô tội với nhiều cách diễn đạt khác nhau. |