Năm 2015 có lẽ là năm sôi động với giới luật sư trong sứ mệnh bảo vệ quyền con người, bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Luật sư (LĐLS) Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh (ảnh) nói: “Các bộ luật vừa được Quốc hội thông qua, đặc biệt là BLHS, BLTTHS, BLTTDS… là bước tiến bộ trong việc tạo môi trường hành nghề cho LS cũng như các hoạt động tố tụng được minh bạch hơn. Chỉ riêng việc BLTTHS quy định những tội danh có khung hình phạt từ 20 năm trở lên phải có LS tham gia từ đầu đã là một bước tiến đáng kể. Điều này là nhiệm vụ nặng nề, là thách thức không nhỏ đối với giới LS cả nước. Nhưng đồng thời việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo… sẽ được thực hiện tốt hơn”.
Ngăn chặn, giảm thiểu oan, sai
. Phóng viên: Thưa ông, việc tạo điều kiện cho LS tham gia ngay từ đầu vụ án sẽ góp phần rất lớn để hạn chế nhiều vụ oan án như thời gian qua?
Hai vụ án oan kinh điển trong lịch sử tố tụng Việt Nam là vụ Nguyễn Thanh Chấn và Huỳnh Văn Nén cho thấy vai trò không thể thiếu của LS trong việc ngăn chặn và giảm thiểu án oan, sai. Đối với những vụ án này, cũng như các vụ án hình sự khác, nếu có LS tham gia ngay từ đầu, những chứng cứ khách quan, bản chất của vụ án sẽ được làm rõ, đảm bảo yếu tố khách quan, đúng người, đúng tội. Việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân cũng vì thế mà được đảm bảo tốt hơn. Điều này cũng tạo lập được niềm tin cho người dân vào quá trình tố tụng của cả hệ thống tư pháp.
. LĐLS Việt Nam từng kiến nghị rằng đối với những vụ án mà bị can có thể bị truy tố những tội danh từ có khung hình phạt từ 15 năm trở lên đều phải có LS tham gia từ đầu?
+ Trong quá trình góp ý cho dự thảo BLTTHS, LĐLS Việt Nam đã kiến nghị: Đối với các tội danh có khung hình phạt từ 15 năm trở lên phải có LS ngay từ đầu để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân. Điều này theo chúng tôi sẽ giúp LS tham gia rộng rãi hơn vào quá trình nâng cao chất lượng của nền tư pháp, theo hướng dân chủ hơn, minh bạch hơn, bảo vệ quyền con người tốt hơn. Kiến nghị này cũng được tiếp thu một phần.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng mục tiêu lâu dài cần phải đạt được là tất cả vụ án hình sự đều phải có LS ngay từ đầu. Điều này nếu được thực hiện sẽ giảm được oan, sai cũng như đảm bảo quy trình tố tụng được tuân thủ nghiêm minh, đúng pháp luật.
Luật sư đang tranh tụng tại một phiên tòa. Ảnh: HTD
Bảo vệ công lý và pháp chế
. BLTTHS đã không quy định về giấy chứng nhận người bào chữa mà chuyển thành giấy đăng ký người bào chữa. Sự thay đổi này theo ông sẽ mở cửa tới đâu cho việc hành nghề của LS?
+ Tôi cho rằng việc chuyển từ giấy chứng nhận người bào chữa sang giấy đăng ký là một bước tiến lớn trong việc đảm bảo quyền hành nghề của LS cũng như thực thi pháp luật về tố tụng. Tuy nhiên, cũng có nhiều e ngại rằng giấy đăng ký người bào chữa cũng có thể trở thành một cái cớ để các cơ quan tố tụng cản trở quyền hành nghề của LS như chúng ta đã từng thấy. Về bản chất, việc LS tham gia các vụ án hình sự không chỉ xuất phát từ quyền hành nghề của LS, mà trên hết nó xuất phát từ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, của bị can, bị cáo trong các vụ án.
Tôi kỳ vọng các thủ tục như giấy đăng ký người bào chữa trong tương lai sẽ được bãi bỏ. Khi đó, LS và các cơ quan tố tụng chỉ có một nhiệm vụ là tuân thủ pháp luật về tố tụng. Và mục đích cao nhất cần hướng tới là bảo vệ quyền con người, bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế.
. Một vấn đề gây khá nhiều tranh cãi là chỗ ngồi của LS so với vị trí của cơ quan công tố. LĐLS Việt Nam và giới LS cũng liên tục kiến nghị về điều này. Điều này mang lại những giá trị gì cho vị thế của LS khi tham gia tranh tụng tại tòa?
+ Hiến pháp đã đảm bảo nguyên tắc tranh tụng. Quan điểm này cũng đã được cụ thể hóa trong các bộ luật khác. Để đảm bảo nguyên tắc tranh tụng thì LS và kiểm sát viên giữ quyền công tố tại tòa nên ngồi bình đẳng với nhau để đảm bảo sự phù hợp giữa nội dung và hình thức của nguyên tắc tranh tụng.
Vừa qua, tại một hội nghị về mô hình phiên xét xử do TAND Tối cao tổ chức, vấn đề này cũng được đem ra bàn luận khá nhiều. Còn thực tế, TAND TP Đà Nẵng đã thực hiện việc sắp xếp chỗ ngồi của LS và kiểm sát viên ngang nhau trong phiên tòa. Tôi cho rằng những mô hình thể hiện sự tiến bộ của tư pháp nói trên cần phải được nhân rộng và phát huy.
. Xin cám ơn ông.
Bảo vệ quyền hành nghề của luật sư . Phóng viên: Thưa ông, vấn đề đầu tiên trong bảo vệ công lý có lẽ đó chính là việc bảo vệ quyền hành nghề của LS. Năm 2015 điều này đã được thực hiện thế nào? + Ông Đỗ Ngọc Thịnh: Việc bảo vệ quyền hành nghề của LS khi họ bị cản trở là một trong những nhiệm vụ chính của LĐLS Việt Nam. Mỗi khi LS bị ngăn cản hành nghề thì họ đều yêu cầu LĐLS Việt Nam phải lên tiếng bảo vệ quyền hành nghề của mình và LĐLS Việt Nam đều nêu quan điểm rõ ràng đối với các cơ quan tố tụng. Chẳng hạn như việc xử lý vụ hai LS bị đánh ở Chương Mỹ, Hà Nội, cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Tuy nhiên, việc bảo vệ này còn thể hiện ở cả khía cạnh: Khi có LS vi phạm pháp luật thì LĐLS Việt Nam cũng thể hiện tinh thần thẳng thắn, cầu thị trong việc kiên quyết xử lý kỷ luật những LS đó tùy theo mức độ vi phạm của họ. . Bản thân ông có bị cản trở quyền hành nghề không? + Cách đây gần một năm, tôi đã bị ngăn cản quyền hành nghề trong vụ án tại Hà Nội. Tôi không được cấp giấy chứng nhận người bào chữa nên không thể sao chụp hồ sơ để nghiên cứu, bảo vệ cho bị cáo. Tôi cũng không được giải thích rõ ràng về lý do từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa. Nhiều LS khác cũng bị ngăn cản trong quá trình bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng, đúng hơn là cho công dân. . Cho đến nay tình trạng LS bị ngăn cản quyền hành nghề có giảm đi không, thưa ông? + Đánh giá điều này thì cần phải có nhiều dữ kiện toàn diện. Theo tôi, hiện vẫn còn một bộ phận cán bộ trong các cơ quan tố tụng chưa nhận thức rõ những quy định liên quan đến quyền hành nghề của LS. Tình trạng này nếu không được cải thiện trong thời gian tới thì có lẽ quyền hành nghề của LS vẫn bị cản trở. Tuy nhiên, xét về bình diện chung, chúng tôi nhận thấy ý thức của đội ngũ LS trong việc phối hợp với các cơ quan tố tụng để bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo vệ pháp chế đã được nâng lên rõ rệt. Chúng tôi cho rằng cả hai bên, LS và các cơ quan tố tụng đều phải ý thức về việc phải tôn trọng pháp luật tố tụng và tạo ra môi trường hành nghề tốt hơn cho LS nhằm bảo vệ quyền con người như đã được quy định trong Hiến pháp 2013. ______________________________ Luật sư cùng đất nước và doanh nghiệp hội nhập Trong năm qua, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, đặc biệt là kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương TPP. Những FTA này có mức độ cam kết rất cao. Chúng tôi cho rằng với những FTA này, nhu cầu pháp lý của doanh nghiệp và xã hội, kể cả của Chính phủ cũng sẽ tăng rất nhanh. Vì thế để đáp ứng nhu cầu pháp lý khi đất nước hội nhập, LĐLS Việt Nam, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đã thành lập CLB LS thương mại quốc tế. CLB sẽ chú trọng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp lý về tranh chấp thương mại quốc tế và cung cấp các dịch vụ pháp lý trong thời buổi hội nhập, đồng thời đóng góp vào những nhiệm vụ chính trị - pháp lý khác của đất nước. LS ĐỖ NGỌC THỊNH, Phó Chủ tịch LĐLS Việt Nam |