Tại kỳ họp thứ 10 vừa kết thúc mới đây, Quốc hội (QH) đã thông qua và góp ý bước đầu một loạt luật quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc phỏng vấn đại biểu (ĐB) QH, luật sư Trương Trọng Nghĩa, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của QH, xoay quanh vấn đề này.
Hơn 10 đạo luật thể chế quyền con người
. Phóng viên: Một cách khái quát nhất, ông thấy những giá trị, tư tưởng mới ở Hiến pháp 2013 (HP 2013) đã thể hiện thế nào qua các cuộc thảo luận, thậm chí tranh luận trên nghị trường? So với trước khi sửa HP, việc đề cập, bàn bạc tới nhân quyền - quyền con người, quyền cơ bản bây giờ có gì khác?
+ Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Điểm quan trọng nhất trong HP 2013 về quyền con người, quyền công dân thể hiện trước hết ở Chương I, chế độ chính trị. Tại Chương I, Điều 3 quy định rằng: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân”. Ý nghĩa của Điều 3 là ở chỗ: Lần đầu tiên trong lịch sử HP Việt Nam kể từ năm 1960, quyền con người có quy chế pháp lý độc lập và khác biệt với quyền công dân, theo tinh thần của Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người của Liên Hiệp Quốc năm 1948 và đặc biệt là Công ước về quyền dân sự và chính trị và Công ước về quyền kinh tế xã hội và văn hóa của Liên Hiệp Quốc thông qua cùng năm 1966, có hiệu lực từ năm 1976. Theo tinh thần hai công ước này, quyền con người là phổ quát và không phải nhà nước nào muốn quy định về nó ra sao thì quy định. Bởi vì Việt Nam tham gia chính thức hai công ước này vào năm 1982, do đó hai công ước về quyền con người nói trên có hiệu lực bắt buộc đối với Nhà nước Việt Nam với tư cách là thành viên của Liên Hiệp Quốc. Chương II của HP 2013 được soạn thảo và thông qua với tinh thần này. Cùng với nó là nguyên tắc quy định tại Điều 14: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Kỳ họp 10 vừa qua có điểm đặc biệt là đã thông qua hơn 10 đạo luật mới hoặc bổ sung, sửa đổi liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân, trong đó có những đạo luật cơ bản đối với một quốc gia như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự...
Cá nhân tôi thấy có những luật đã thể hiện khá mạnh tinh thần và nguyên tắc trên đây của HP 2013 nhưng cũng có những luật còn có những điều khoản còn “vương vấn” với tinh thần và HP trước.
. Qua các diễn biến ấy, những nhóm vấn đề nào dễ được thống nhất, những quyền nào gây nhiều tranh cãi, thưa ông?
+ Nhiều vấn đề cụ thể đã được thảo luận, tranh luận trong suốt quá trình soạn thảo các luật trên đây. Theo quy trình, kỳ họp 10 là kỳ họp để thông qua, nghĩa là nhiều điều đã phải có sự thống nhất cao giữa các ĐB. Tuy nhiên, với một số đạo luật, các ĐB vẫn còn tranh luận về điều này, điều khác của những văn bản cuối cùng. Nổi rõ lên, theo tôi, là sự nhất trí cao của các ĐB là nội dung các đạo luật phải mở rộng dân chủ, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân. Tuy nhiên, mở đến đâu, bảo đảm như thế nào thì có khoảng cách và sự tranh luận cũng khá quyết liệt, nhất là các luật về dân sự, hình sự và tố tụng. Ngoài ra, có những nội dung mới, chế định mới cũng được thảo luận và tranh luận sôi nổi để có thêm thông tin và thêm sức thuyết phục.
Ví dụ, để chống oan trong tố tụng hình sự thì phải mở rộng quyền của người bị nghi ngờ hay bị buộc tội và luật sư của họ nhưng lại có những e ngại sẽ tạo ra khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử, phòng, chống tội phạm. Rồi bỏ cấp giấy chứng nhận cho người bào chữa thì quản lý họ ra sao; ghi âm, ghi hình khi hỏi cung thì quản lý, lưu trữ, bàn giao trong hồ sơ thế nào? Những băn khoăn này ở một góc độ nào đó là dễ hiểu, vì phải thay đổi những cơ chế, thủ tục và cả thói quen hàng chục năm.
Số ít ý kiến tranh luận cũng cho thấy có sự bảo thủ, giáo điều trong quan niệm, nhận thức so với những thay đổi của HP 2013, ngay cả trong những vấn đề đã được thừa nhận hay yêu cầu trong các nghị quyết về cải cách tư pháp của Đảng.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII. Ảnh: QH
Có những bước tiến mới
. Có vẻ như mỗi quyền trong HP khi cụ thể hóa thì phải được quy định bằng nhiều điều luật, thậm chí bằng cả đạo luật. Về mặt kỹ thuật lập pháp, có khó khăn gì?
+ Ở nước ta, nhiều quy định trong HP phải được cụ thể hóa bằng những đạo luật thì mới có sự chấp nhận và áp dụng bởi các cơ quan nhà nước. Tất nhiên đã có những bước tiến trong một số đạo luật vừa qua với những quy định là nếu có trường hợp có những hành vi hay quyết định có dấu hiệu vi hiến thì một số cơ quan có quyền yêu cầu đình chỉ, bãi bỏ hay sửa đổi.
Về nguyên tắc, trong một nhà nước pháp quyền, các quyền con người, quyền công dân, các cam kết của nhà nước đối với những quyền ấy đã ghi trong HP thì phải có hiệu lực bắt buộc; hiệu lực này không phụ thuộc vào các đạo luật cụ thể hóa hay hướng dẫn thực hiện những quyền và cam kết ấy. Việc nhà nước chậm ban hành luật để cụ thể hóa các quyền ấy là “món nợ” của nhà nước đối với công dân. Nếu việc ban hành luật hạn chế các quyền con người, quyền công dân trái với những quy định của HP là vi hiến và không có hiệu lực. Tuy nhiên, nếu có tòa án hiến pháp thì người dân được quyền khởi kiện sự chậm trễ hay vi hiến ấy và khi đó việc xác định và kết luận sẽ mang tính chuyên nghiệp, nhanh chóng hơn. Ở nước ta, dù đã có tranh luận nhưng chưa có định chế này.
. Những quyền cơ bản nhưng không phải tuyệt đối - như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp - khi đi vào những luật cụ thể, trên QH thường xuất hiện hai luồng: mở và đóng. Theo ông, có sự giằng xé gì ở đây?
+ Có điều cần hiểu đúng về các quyền con người mà Việt Nam cam kết thực hiện. Các công ước quốc tế nêu trên đã xác định khá rõ: Có những quyền con người mà các quốc gia được phép hạn chế, miễn là trong những trường hợp cần thiết (nêu trong công ước), trong mức độ và thời gian hợp lý và phải bằng luật. Trong những quyền này có các quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, biểu tình. Chưa kể, cho dù các quyền trên là phổ quát, việc thực thi, bảo đảm, bảo vệ các quyền ấy còn phụ thuộc vào những điều kiện lịch sử, văn hóa, xã hội và trình độ phát triển của mỗi quốc gia.
Ở đây, mối quan hệ biện chứng giữa cái đặc thù và phổ quát, bản chất và hiện tượng, nội dung và hình thức rất quan trọng. Không thể nhân danh điều kiện đặc thù hay trình độ phát triển để hạn chế bước tiến của đất nước theo hướng văn minh, hiện đại nhưng cũng không thể rơi vào chủ nghĩa hư vô, bất chấp tính khả thi của luật pháp.
. Xin cám ơn ông.
Điều quan trọng là hiện thực hóa các luật định . Là người rất tâm huyết với các vấn đề tiến bộ trong công tác lập pháp, ông hình dung thế nào, dự báo thế nào về hiệu lực, hiệu quả thực tế của những luật đã ban hành trong kỳ họp này trong thời gian tới? + Từ khi tham gia làm luật với các ĐBQH khác, không ít lần tôi có tâm trạng lẫn lộn vui và buồn. Tôi nhận thức rằng luật pháp càng mở rộng dân chủ thì sẽ tạo thêm nhiều động lực cho sự nghiệp “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vì dân là chủ của đất nước, cũng là nguồn lực bền vững, sức mạnh to lớn nhất của đất nước. Tôi vui vì trong các đạo luật đã thông qua trong nhiệm kỳ này có những nội dung, quy định có lợi hơn cho nhân dân, cho sự phát triển và thúc đẩy các công chức, cán bộ nhà nước thực sự là những công bộc mẫn cán và liêm khiết, sống đủ và sống tốt bằng tiền thuế của dân, cũng như giúp cho những doanh nhân làm giàu không hạn chế bằng lợi nhuận chính đáng và hợp pháp của họ. Còn buồn là vì có những điểm mình cho là hay, là mới, là có lợi cho dân, cho nước và nên đưa vào luật thì vẫn không được chấp nhận. Riêng kỳ họp thứ 10 này, tôi cũng có tâm trạng này nhưng cái vui thì nhiều hơn, vì nhiều đạo luật quan trọng đã có sự tham gia trực tiếp (và miễn phí!) bằng kiến thức và trình độ chuyên môn của giới luật sư và nhiều ý kiến đã được tiếp thu. Đặc biệt là nhiều quyền con người của nghi can, người bị buộc tội đã có những nội dung tiến bộ mới. Vai trò của luật sư nói chung trong tố tụng hình sự cũng được bảo đảm tốt hơn, có lợi hơn cho việc hạn chế oan, sai và đấu tranh với tội phạm đúng người, đúng việc. Và cũng như mọi lần, tôi sẽ phát huy cái vui, gác lại cái buồn, bởi cuối cùng thì những đạo luật tốt cũng chỉ mới là những điều trên giấy. Làm cho những điều tốt đẹp ấy trở thành hiện thực mới là cái đích của công tác lập pháp và đó mới là điều khó làm nhất. |