Mới đây, Bệnh viện (BV) Quốc tế City (TP.HCM) tiếp nhận bệnh nhân Oum Sokun (48 tuổi, quốc tịch Campuchia) trong tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp nặng phải thở máy, phù toàn thân, không có nước tiểu, hồng ban xuất huyết chằng chịt trên mình, hoại tử da nghiêm trọng.
Nguy kịch sau khi uống thuốc cảm sốt
Người nhà bệnh nhân cho biết trước khi nhập BV năm ngày, ông Sokun bị cảm, người mệt mỏi nên mua thuốc Tây về uống. Ít giờ sau đó, bệnh nhân cảm thấy mệt, khó thở, khắp người nổi ban đỏ, phù toàn thân.
Tại BV này, các bác sĩ (BS) ghi nhận bệnh nhân bị hội chứng Stevens-Johnson và hoại tử thượng bì nhiễm độc, nguyên nhân do dị ứng thuốc. Bệnh đã diễn tiến đến tổn thương đa cơ quan, suy thận cấp nặng, xuất huyết tiêu hóa...
Bệnh nhân được cấp cứu chăm sóc tích cực bằng nhiều liệu pháp điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, thách thức là cơ địa bệnh nhân dị ứng rất cao với hầu hết các loại thuốc, thậm chí cả với sữa và một số thực phẩm dinh dưỡng nên quá trình điều trị kéo dài trên hai tháng. Sau gần 100 ngày, bệnh nhân mới hồi phục.
Cách đây gần một tháng, BV Chợ Rẫy TP.HCM cũng tiếp nhận một cụ bà mắc hội chứng hoại tử lan tỏa và mất thượng bì do độc tố (Lyell) rất nặng. Theo lời người nhà cụ bà MTT (80 tuổi, ngụ Đồng Nai), vào giữa tháng 4, cụ bị cảm sốt và được con cho đi khám và điều trị, dùng thuốc tại một phòng khám tư gần nhà. Sau hai ngày, cơ thể cụ bắt đầu xuất hiện nhiều bóng nước và vùng miệng lở loét, cụ được BV tuyến huyện chữa trị hai ngày và tiếp tục được chuyển lên BV Chợ Rẫy TP.HCM do tình trạng quá nặng. Sau hơn hai tuần điều trị dùng thuốc chống dị ứng, kháng sinh, kháng viêm liều cao và các loại băng gạc đặc biệt để hỗ trợ cho các vết thương liên tục lở loét, cụ bà mới hồi phục.
Cách đây không lâu, BV Nhi đồng TP.HCM cũng tiếp nhận một bé gái (bảy tuổi, ngụ Tiền Giang) trong tình trạng sốt cao, nổi ban ở da, kết mạc mắt bị viêm đỏ. Khai thác bệnh sử, người nhà cho biết trước đó bốn ngày, bệnh nhi bị sốt, ho, sổ mũi, ngứa vùng kín. Gia đình đưa bệnh nhi đến khám, mua thuốc uống tại một phòng khám tư nhân ở địa phương. Tuy nhiên, sau khi uống thuốc, bé bị nổi hồng ban đỏ ở mặt, sau đó lan rộng ra các bộ phận khác nên nhập BV cấp cứu. Bệnh nhi được xác định mắc hội chứng Stevens-Johnson do dị ứng thuốc và được điều trị tích cực.
Cụ bà mắc hội chứng Lyell điều trị tại BV Chợ Rẫy TP.HCM. Tình trạng ông Oum Sokun lúc mới nhập viện. Ảnh: HL
Bệnh ngày càng phổ biến
Theo BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, BV Chợ Rẫy TP.HCM, hội chứng Stevens-Johnson và Lyell được coi là hai thể trong các giai đoạn diễn tiến của cùng một bệnh và Lyell nặng hơn dựa trên phần trăm diện tích cơ thể tổn thương. BS Hùng cho biết thêm, 80% bệnh nhân mắc hội chứng Lyell tại các nước đang phát triển có liên quan đến thuốc. Nguy cơ gây bệnh trong khoảng tám tuần từ khi dùng thuốc. Có tới 20%-25% các trường hợp ở trẻ em không thể xác định rõ thuốc gây dị ứng.
BS Võ Ngọc Anh Thơ, Phó khoa Bệnh nhiệt đới, BV Chợ Rẫy TP.HCM, cho biết thêm dù tỉ lệ mắc bệnh toàn thế giới không cao nhưng tại khoa Bệnh nhiệt đới, bệnh nhân mắc hội chứng Stevens -Johnson và Lyell đến điều trị khá phổ biến, gần như tuần nào cũng có bệnh nhân.
Theo BS Thơ, không riêng gì thuốc cảm, tất cả loại thuốc đều có thể gây dị ứng, kể cả thuốc bổ vì đều là chất lạ đối với cơ thể. Cơ thể những người mắc hội chứng này khi nhận ra chất lạ liền phản ứng dữ dội với chất đó.
Ngoài thuốc, các nguyên nhân và yếu tố gây ra hội chứng Lyell có thể kể ra như tình trạng nhiễm khuẩn, yếu tố vật lý (nắng nóng, tia cực tím, người mắc bệnh lý ung thư biểu hiện ra da...) liên quan gen.
Khám BS ngay khi thấy bất kỳ triệu chứng bất thường nào sau khi dùng thuốc. Nếu biết mình dị ứng với thuốc nên ghi lại tên thuốc và báo cho BS biết khi đến khám bệnh tại cơ sở y tế. |
Một số nguyên nhân hiếm gặp có thể gây ra hai hội chứng trên bao gồm: vaccine, chất cản quang, phơi nhiễm hóa chất bên ngoài, thức ăn...
Ước lượng tỉ lệ mắc mới cho cả hội chứng Stevens-Johnson, Lyell và thể hỗn hợp giữa hai hội chứng này khoảng 2-7/1 triệu người mỗi năm.
Người mắc hai hội chứng này có tiền sử dùng thuốc hoặc tình trạng ốm đau. Dùng thuốc thường trước khởi phát triệu chứng 1-4 tuần, trung bình là 14 ngày nhưng có thể khởi phát chỉ sau 48 giờ hoặc muộn hơn.
ThS-BS Đào Thị Mỹ Vân, Phó Giám đốc y khoa, Trưởng khoa Hồi sức tích cực BV Quốc tế City, cho hay các thuốc hay gặp gây ra hội chứng này bao gồm: Allopurinol, Carbamazepine, Lamotrigine, Nevirapine, NSAIDs, Phenobarbital, Phenytoin, Sulfamethoxazole, Sulfasalazine. Cho đến nay, cơ chế miễn dịch được xem là cơ chế bệnh sinh chính được ghi nhận. Bệnh tuy hiếm gặp nhưng rất nặng, đe dọa đến sinh mạng người bệnh vì gây ra thương tổn đa cơ quan, tỉ lệ tử vong trong cá thể nặng ghi nhận 5%-30%.
BS Mỹ Vân khuyến cáo bất kỳ ai cũng có thể xảy ra phản ứng dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào đó. Tại thời điểm này có thể không bị dị ứng nhưng có thể sẽ dị ứng ở thời điểm muộn hơn. Đôi lúc phản ứng dị ứng sẽ trở nên nặng nề hơn ở lần dùng thuốc thứ hai do những biến đổi trong hệ thống miễn dịch của cơ thể. Do vậy chỉ nên uống thuốc khi bị bệnh, chỉ uống thuốc theo toa của BS, không nên tự ý mua và sử dụng thuốc mà không có ý kiến của BS, không nên sử dụng những thuốc không rõ nguồn gốc hoặc thành phần. BS cần thận trọng hỏi kỹ bệnh nhân về tiền sử dị ứng thuốc trước khi kê toa thuốc cho bệnh nhân, nhất là các nhóm thuốc kể trên.
Triệu chứng hội chứng Stevens-Johnson Bệnh nhân thường sốt trên 39 độ C và xuất hiện các triệu chứng cúm 1-3 ngày khi có tổn thương da, niêm mạc. Bệnh nhân sợ ánh sáng và ngứa. Bỏng rát kết mạc hoặc nuốt đau có thể là triệu chứng sớm của tổn thương niêm mạc. Bệnh nhân mệt mỏi, đau cơ, đau khớp. Ban đầu nổi các ban đỏ, nếu kèm theo sốt trên 38 độ C và xuất hiện bóng nước là dấu hiệu chỉ điểm phát triển thành hội chứng Stevens-Johnson hoặc Lyell. Tiếp đến bệnh nhân bị tổn thương da, xuất huyết da và tiến triển thành hoại tử, hình thành các mụn nước. 90% bệnh nhân bị tổn thương niêm mạc miệng và môi. 80% tổn thương niêm mạc mắt, hầu hết là viêm kết mạc kèm tiết dịch mủ, loét giác mạc. Tổn thương sinh dục, niệu đạo. Ngoài ra, bệnh nhân có thể biến chứng cấp tính suy thận, rối loạn chức năng đa cơ quan, nhiễm khuẩn tụ cầu vàng và trực khuẩn mủ xanh, viêm phổi, suy hô hấp, tổn thương dạ dày... BS VÕ NGỌC ANH THƠ, Phó khoa Bệnh nhiệt đới, BV Chợ Rẫy TP.HCM |