Do vậy việc chỉ định loại thuốc, đường dùng, liều dùng, khoảng cách giữa hai liều dùng, thời gian dùng được các thầy thuốc điều trị cân nhắc cẩn thận dựa vào thể trạng, tuổi, giới tính, mức lọc cầu thận, có lọc ngoài thận hay không (chạy thận nhân tạo chu kỳ hoặc lọc màng bụng liên tục ngoại trú).
Bệnh nhân suy thận chỉ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Vì thực tế thuốc có thể làm bệnh thận nặng lên, do đó những người bị bệnh thận phải rất thận trọng khi dùng các loại thuốc: chống viêm không steroid như indometacin, diclofenac, ketorolac, piroxicam, fenoxicam, ibuprofen, ketoprofen.
Các thuốc kháng sinh gây độc thận như nhóm aminoglycosid (amikacin, tobramycin, gentamycin, kanamycin, streptomycin), rifampicin, vancomycin. Thuốc cản quang để chụp thận. Ngay cả dung dịch truyền dextran, immunoglobulin, hay amphotericin, cisplatin, mesalazin.
Có nhiều loại thuốc trong trị liệu có tác dụng không mong muốn, chẳng hạn nhóm digitalin (digoxin): khi suy thận, rối loạn điện giải (tăng canxi huyết hoặc hạ kali huyết) và sau buổi lọc máu dùng digoxin có thể bị nhiễm độc.
Nhóm anticholinergic như trihexyphenidyl có thể gây bí đái, đái không tự chủ. Cyclophosphamid gây viêm bàng quang xuất huyết. Nhóm độc tế bào, methotrexat, acyclovir có thể gây tăng urê huyết và suy thận cấp chức năng. Nhóm giảm mỡ máu như fibrat, statin có thể gây tăng men gan (GOT, GPT) và giảm chức năng thận.
Bác đã cao tuổi, lại có bệnh mạn tính nên việc dùng thuốc phải rất cẩn thận. Tốt nhất, bác chỉ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ dù bất cứ một thứ thuốc nào, kể cả thực phẩm chức năng. Chúc bác mạnh khỏe!
BS.Hoàng Thanh Sơn