Suýt mất 8 triệu đồng vì tin nhắn trúng thưởng

Tuy nhiên, từ câu chuyện vừa xảy ra của người bác là tiểu thương một chợ ở Đồng Nai, tôi muốn nhắc mọi người hết sức lưu ý để không bị mất tiền oan uổng.

Chủ nhật hôm đó, chỉ trong buổi sáng bác tôi nhận được bốn tin nhắn liên tục: “Xin chúc mừng quý khách có số thuê bao 0613… đã may mắn trúng giải nhì trong chương trình quay số trúng thưởng nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Ngân hàng V. Để nhận thưởng xin quý khách liên hệ với số điện thoại 0165…”. Mặc dù nửa tin, nửa ngờ nhưng rồi bác ấy đã không thể ngồi yên với thông tin “trúng giải nhì” khá hấp dẫn. Ngay sau đó bác đã gọi đến số điện thoại trên để hy vọng vào sự may mắn có thật.

Đầu dây bên kia, một giọng nam nhanh nhẹn giới thiệu là nhân viên tư vấn của Ngân hàng V. hỏi: “Quý khách có yêu cầu gì?”. Sau khi nghe bác tôi trình bày, người này trả lời ngắn gọn “đúng là ngân hàng có chương trình quay số trúng thưởng” nên “khách hàng muốn đảm bảo xin liên lạc trực tiếp đến ban giám đốc để xác nhận và lĩnh thưởng”. Kế nữa, máy được nối tiếp đến một người tự xưng là giám đốc ngân hàng có trụ sở tại… đường Trần Quang Khải. Bác tôi càng tin tưởng vào diễn biến vụ việc khi được “giám đốc” đó cung cấp số máy của một người ở Nghệ An “đã trúng thưởng trong tháng trước”. Nhận được cuộc gọi của bác, người có số điện thoại mã vùng 038… xác nhận mình đã trúng giải nhất hơn 200 triệu đồng. Vậy là tin được tới 99% rồi!

Bác tôi liền gọi lại cho “giám đốc” và làm theo các yêu cầu. Người này giải thích: “Thường thì Chủ nhật cơ quan không làm việc nhưng lần này chúng tôi tranh thủ làm các thủ tục để hoàn tất và trao giải vào ngày mai cho kịp chuyến bay”. Người này đề nghị bác nộp 8 triệu đồng “phí vận chuyển quà” vào tài khoản để ngân hàng giao quà đến tận nhà. Bác tôi tình ngay: “Không thể gửi tiền vào Chủ nhật”. Rất nhanh, hắn tiếp tục yêu cầu bác tôi chuyển cho “ngân hàng” bằng thẻ cào điện thoại rồi sau đó “ngân hàng” sẽ chuyển sang tiền mặt. Thấy mấy trăm ngàn không đáng gì so với giải thưởng, bác tôi liền gửi năm thẻ giá trị 500.000 đồng. Sáng sớm hôm sau, “ngân hàng” yêu cầu bác tôi chuyển gấp 7,5 triệu đồng “vì chuyến bay cất cánh lúc 8 giờ”. Con số này đã làm bác tôi hơi chợn…

Nghe nhiều người tư vấn, bác đến gặp nhân viên Ngân hàng V. tại Khu công nghiệp Tam Phước thì mới biết là mình đã bị… lừa (ngân hàng không làm việc Chủ nhật, không có chương trình khuyến mãi nào, không yêu cầu khách nộp tiền khi trúng thưởng…). Nhờ biết dừng lại kịp thời nên thay vì mất 8 triệu đồng, bác tôi chỉ mất 500.000 đồng.

Có thể thấy kẻ gian đã có thủ đoạn khá tinh vi để bẫy nhiều người: 1. Xây dựng những nội dung tin nhắn mà người đọc tưởng như thật; luyện giọng của người tư vấn ngân hàng; nắm được địa chỉ các trụ sở chính của ngân hàng; bố trí lực lượng gồm: giám đốc, nhân viên, khách hàng… 2. Chọn thời cơ (thứ Bảy, Chủ nhật, ngày lễ…). Vậy nên mọi người hãy bình tĩnh xem xét, phân tích tính hợp lý của các thông tin và yêu cầu liên quan để bản thân không dính bẫy.

VĂN NGUYỄN (Đồng Nai)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm