Sáng 30-10, chúng tôi nhận được thông tin chùa Diệu Pháp (trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, TP.HCM) vừa đóng cổng chùa cũ, di dời cổng chùa đến địa điểm mới cách cổng cũ khoảng 50 m để tránh tình trạng nhiều người chích điện cá phóng sinh rồi đem lên ngay cổng chùa Diệu Pháp bán lại. Tuy nhiên, khi cổng di dời thì các hộ buôn bán chim, cá phóng sinh vẫn tiếp tục di dời đến cổng chùa mới để bán.
Sinh viên thực tập Kiều Thư được báo Pháp Luật TP.HCM cử đến chùa Diệu Pháp để ghi nhận thông tin nói trên (có giấy giới thiệu của báo). Khi Kiều Thư đến trước cổng chùa Diệu Pháp cũng là lúc lực lượng chức năng phường 13, quận Bình Thạnh đang cưỡng chế, giải tỏa các điểm buôn bán chim, cá phóng sinh lấn chiếm lề đường trước cổng mới của chùa. Kiều Thư đã chuẩn bị máy để ghi nhận các hình ảnh đang cưỡng chế.
Tuy nhiên, khi Kiều Thư chuẩn bị ghi hình thì bị một đối tượng nữ buôn bán chim, cá phóng sinh tên V. túm lấy tóc, tát nhiều lần vào đầu và có những lời lẽ xúc phạm Kiều Thư.
Vụ việc diễn ra trước mắt các thành viên lực lượng trật tự đô thị của quận.
Điểm buôn bán cá, chim phóng sinh trước cổng mới của chùa Diệu Pháp. Ảnh: VÕ PHẠM
Ngay khi vụ việc xảy ra, lực lượng Công an phường 13 kịp thời giải cứu cho Kiều Thư. Đồng thời dẫn giải V. về trụ sở Công an phường 13 để xác minh vụ việc.
Tại đây, V. trình bày do không biết Kiều Thư đang tác nghiệp báo chí nên đã có hành vi hành hung, gây rối. Trước sự có mặt của lực lượng công an, đối tượng này cũng đã xin lỗi Kiều Thư.
Đại diện Công an phường 13 cho biết vụ việc đang được lập hồ sơ và gửi về Công an quận Bình Thạnh trong chiều cùng ngày để tiếp tục xác minh làm rõ.
Đối tượng V. trước khi hành hung thực tập sinh Kiều Thư. Ảnh: VÕ PHẠM
Trước đó, ngày 29-10, báo Pháp Luật TP.HCM đã có bài viết “Bắt cá phóng sinh còn hành hung Phật tử, đánh công an” của tác giả Kiều Thư, hiện là sinh viên thực tập của báo.
Bài viết phản ánh khi Phật tử thả cá thì có nhiều người chích điện rồi đem lên ngay cổng chùa Diệu Pháp bán lại, gây mất an ninh trật tự tại đây. Chính quyền đã nhiều lần giải quyết nhưng không có kết quả rõ rệt.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND phường 13, quận Bình Thạnh, cho biết: Các đối tượng dùng kích điện bắt thủy sản là nhóm đối tượng không có nơi cư trú ổn định, địa bàn hoạt động trên nhiều quận. Đối tượng rất manh động, sử dụng xuồng công suất lớn, vợt điện để đánh bắt và sẵn sàng chống trả lại cơ quan chức năng. Khi các đối tượng này vượt khỏi địa phận quản lý của phường thì rất khó khăn cho phường trong việc bắt và xử lý.
“Vào tháng 4-2019, một cán bộ Công an phường 13 khi ra quân tuần tra thì bị hai đối tượng chích cá chống đối, đánh trọng thương và phải nhập viện. Một đối tượng bị bắt tại chỗ, sau đó bị truy tố hình sự. Đối tượng còn lại trốn thoát và đang bị truy nã” - ông Nguyễn Hồng Lĩnh nói.
“Thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung các nguồn lực nhiều hơn và cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính quyền với nhà chùa để xử lý dứt điểm việc mua bán chim, cá phóng sinh; nạn chích cá bằng điện trên sông Sài Gòn cũng như khu vực tại chùa Diệu Pháp” - ông Lĩnh khẳng định.