Bắt cá phóng sinh còn hành hung Phật tử, đánh công an

Gửi “đơn kêu cứu” đến báo Pháp Luật TP.HCM, đại diện chùa Diệu Pháp phản ánh: Khi Phật tử thả cá thì có nhiều người chích điện rồi đem lên ngay cổng chùa Diệu Pháp (trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, TP.HCM) bán lại.

Vòng luẩn quẩn thả - bắt cá phóng sinh

Cư sĩ Nhựt Trì, đại diện chùa Diệu Pháp, chia sẻ: “Vào những ngày rằm, lễ, tết tình trạng chèo kéo người mua chim, cá phóng sinh rất phức tạp, gây ồn ào, bát nháo nơi trang nghiêm”.

Đáng nói hơn, các hộ kinh doanh cá, chim, rùa trước cổng chùa bắt tay với các đối tượng chuyên đánh bắt cá phóng sinh bằng vợt, chích điện để bán lại.

Cư sĩ Nhựt Trì cho biết nhiều Phật tử khi thấy các đối tượng dùng vợt điện đánh bắt cá phóng sinh đã lên tiếng nhắc nhở. Tuy nhiên, các đối tượng này không sợ mà còn dọa hành hung cả Phật tử.

Cụ thể, tại chùa từng xảy ra cuộc ẩu đả giữa một nhóm thanh niên và một đối tượng bắt cá, do nhóm thanh niên này quá bức xúc khi nhìn thấy đối tượng dùng vợt điện bắt cá mình vừa thả.

“Nhiều Phật tử thuê thuyền ra giữa sông để phóng sinh thế nhưng các đối tượng này vẫn theo ra tận nơi để bắt cá. Không chỉ có cá mà chim phóng sinh dù có cánh vẫn không bay khỏi bàn tay của các đối tượng xấu. Có trường hợp Phật tử phải dùng tiền chuộc lại vật phóng sinh. Vòng luẩn quẩn thả rồi lại bắt cứ thế diễn ra ngay trước cửa chùa” - cư sĩ Nhựt Trì cho biết.

Anh Minh Hùng, một Phật tử tại chùa Diệu Pháp chia sẻ: “Phóng sinh để tạo nên việc tốt nhưng khi thấy chim, cá phóng sinh bị bắt lại để bán tiếp thì khác gì lòng tốt đã bị trục lợi. Hành động này cần phải xử nghiêm mới mong dẹp hết”.

Mặt khác, các cơ sở kinh doanh chim, cá phóng sinh còn nằm ngay bên cạnh cơ sở bảo trợ xã hội của nhà chùa, đây là nơi nương náu của gần 40 cụ già neo đơn. Vì vậy, việc buôn bán gây ồn ào, cộng thêm nước xả thải tanh hôi, rác... đã ảnh hưởng không tốt đến việc nghỉ ngơi của các cụ cũng như người dân xung quanh.

Từ năm 2014, chùa Diệu Pháp đã gửi đơn cầu cứu đến UBND phường 13, kế tiếp là UBND quận Bình Thạnh. Nhưng đến nay tình trạng này vẫn còn tiếp diễn.

Các đối tượng canh Phật tử phóng sinh cá rồi vớt lên bán lại cho các tiểu thương trước chùa. Ảnh: KIỀU THƯ

Bảng thông báo kêu gọi Phật tử không mua cá, chim phóng sinh ở trước chùa. Ảnh: KIỀU THƯ

Người chích cá còn đánh cả công an

Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND phường 13, quận Bình Thạnh, cho biết: Từ năm 2016 đến 2018, UBND phường đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng của quận và chùa Diệu Pháp để thống nhất phương án đảm bảo chấn chỉnh các cơ sở buôn bán cá, chim phóng sinh trước cổng chùa cũng như hành vi sử dụng vợt điện đánh bắt cá phóng sinh.

Theo đó, nhà chùa thống nhất chỉ tổ chức để Phật tử đến chùa phóng sinh vào hai ngày Chủ nhật xen kẽ trong tháng. Đồng thời nhà chùa phối hợp cùng UBND phường treo các băng rôn tuyên truyền cho người dân biết về thời gian được thực hiện phóng sinh và khuyến khích người dân không mua cá, chim phóng sinh tại các địa điểm buôn bán trước cổng chùa.

Vào thời gian nhà chùa tổ chức phóng sinh, trên đoạn sông chảy qua chùa Diệu Pháp, lực lượng CSGT đường thủy sẽ tiến hành tuần tra để kịp thời xử lý hành vi kích điện đánh bắt cá.

Đối với các cơ sở hoạt động mua bán chim, cá phóng sinh gây lấn chiếm lòng lề đường và gây ô nhiễm môi trường do hành vi xả thải bừa bãi, UBND phường 13 đã tiến hành kiểm tra và lập biên bản xử lý hành chính. Hiện nay hoạt động mua bán chim, cá phóng sinh trước chùa đã được chấn chỉnh. Tuy nhiên, cũng còn một số trường hợp lén lút mua bán.

“Vào tháng 4-2019, một cán bộ Công an phường 13 khi ra quân tuần tra thì bị hai đối tượng chích cá chống đối, đánh trọng thương và phải nhập viện. Một đối tượng bị bắt tại chỗ, sau đó bị truy tố hình sự. Đối tượng còn lại trốn thoát và đang bị truy nã” - ông Nguyễn Hồng Lĩnh nói.

 “Thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung các nguồn lực nhiều hơn và cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính quyền với nhà chùa để xử lý dứt điểm việc mua bán chim, cá phóng sinh; nạn chích cá bằng điện trên sông Sài Gòn cũng như khu vực tại chùa Diệu Pháp” - ông Lĩnh khẳng định.

Phạt đến 5 triệu đồng nếu kích điện để bắt cá

Theo khoản 1 Điều 28 Nghị định số 42/2019 về hành vi vi phạm quy định về sử dụng điện để khai thác thủy sản, hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản, đối với trường hợp không sử dụng tàu cá sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng.

Tuy nhiên, khi trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND phường 13, quận Bình Thạnh, cho biết: Các đối tượng dùng kích điện bắt thủy sản là nhóm đối tượng không có nơi cư trú ổn định, địa bàn hoạt động trên nhiều quận. Đối tượng rất manh động, sử dụng xuồng công suất lớn, vợt điện để đánh bắt và sẵn sàng chống trả lại cơ quan chức năng. Khi các đối tượng này vượt khỏi địa phận quản lý của phường thì rất khó khăn cho phường trong việc bắt và xử lý. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm