Tá hỏa ôm con chạy vì hàng xóm hầm xương ngủ quên

“Lúc đó là rạng sáng mùng 4 Tết. Đang ngủ, nghe tiếng chuông báo cháy ầm ĩ, tôi tá hỏa ôm con chạy. Hôm đó mà cháy lớn, không biết xảy ra chuyện gì nữa. Ngày hôm sau, nói chuyện mới biết do ông kia nhậu say về, nấu thức ăn quên tắt bếp…” - một người dân sống tại chung cư Phố Đông (phường Phước Long B, quận 9, TP.HCM) bàng hoàng kể lại.

Lực lượng cảnh sát PCCC luôn khẩn cấp có mặt mỗi khi nhận tin báo. Ảnh minh họa: NGUYỄN TÂN

Vụ việc xảy ra đã hai ngày, không gây thiệt hại về người và tài sản cho những hộ xung quanh nhưng mỗi lần nhắc tới thì những người dân ở đây không khỏi rùng mình.

Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Trần An Minh - Trưởng ban quản trị chung cư Phố Đông xác nhận sự việc trên. Ông cho hay những ngày Tết, chung cư luôn cắt cử người túc trực để kịp thời xử lý sự cố xảy ra, đặc biệt cháy nổ. Hôm đó dù không phải là ngày trực nhưng ngay khi nhận tin báo, ông đã trực tiếp tới giải quyết.

“Lúc đó tầm hơn 12 giờ, tôi đang ngủ thì nghe bảo vệ điện báo xảy ra sự cố, kỹ thuật đang xử lý. Chủ nhà đi vắng, cậu em đến đó ở. Khi chúng tôi tới nơi, khói lên quá trời, kêu chủ nhà không được. Các bình chữa cháy có sẵn cùng huy động từ người dân được khẩn cấp mang tới. Anh em đạp cửa vào xử lý, may mới chỉ khét nồi thức ăn, chưa cần sử dụng đến bình chữa cháy.

Ngay sau khi xử lý xong, tôi đã họp biểu dương lực lượng bảo vệ phản ứng nhanh, xử lý tốt, đồng thời rút kinh nghiệm. Chúng tôi cũng đã lập biên bản, nhắc nhở đối với hộ gia đình trên” - ông Minh chia sẻ.

Trước đó, trao đổi với chúng tôi về những câu chuyện liên quan đến bất cẩn trong đun nấu dẫn tới hỏa hoạn ngày Tết, Trung tá Huỳnh Quang Tuyến, Phó Trưởng phòng Tham mưu Cảnh sát PCCC TP.HCM, cho biết rất nhiều vụ cháy thương tâm bắt nguồn từ những câu chuyện như vậy.

“Nấu ăn luôn phải có người trông coi cẩn thận. Thấy bếp gas đã tắt lửa cũng phải kiểm tra xem đã khóa van chưa. Nhiều trường hợp lửa tắt là do đun nấu không trông coi, nước trào nên tắt bếp trong khi van gas chưa khóa. Chỉ cần sơ sẩy hay mở bếp là lửa phụt mạnh lên ngay. Trước khi ra khỏi nhà phải kiểm tra các thiết bị điện đã ngắt điện hết chưa, đặc biệt là những nơi đun nấu, thờ cúng” -  ông Tuyến chia sẻ.

 

Sáu ngày nghỉ Tết, TP.HCM xảy ra 13 vụ cháy

Trong thời gian nghỉ Tết (từ ngày 14 đến 19-2, tức từ 29 đến mùng 4 Tết) trên địa bàn TP xảy ra 16 vụ tai nạn, sự cố liên quan đến cháy nổ và cứu nạn, cứu hộ (giảm 11 vụ).

Riêng cháy, TP.HCM xảy ra 13 vụ (giảm 10 vụ, tỉ lệ 43,48%), không gây thiệt hại về người. Thiệt hại về tài sản ước tính thành tiền khoảng 70 triệu đồng và còn bốn vụ chưa ước tính được thiệt hại.

Địa bàn xảy ra cháy: Các quận 1, 6, 9, 11, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp, Thủ Đức và huyện Bình Chánh. Nguyên nhân xảy ra cháy: Do sự cố hệ thống, thiết bị tiêu thụ điện, sự cố hệ thống điện xe máy, đốt do mâu thuẫn (một vụ) và đang điều tra làm rõ tám vụ.

Trong thời gian nghỉ Tết nguyên đán Mậu Tuất năm 2018, Cảnh sát PCCC TP.HCM đã tăng cường các biện pháp PCCC bảo vệ tuyệt đối an toàn PCCC tại các địa điểm tổ chức lễ hội, sự kiện do TP và các quận, huyện tổ chức chào mừng Tết nguyên đán Mậu Tuất năm 2018.

Cảnh sát PCCC TP.HCM thường trực sẵn sàng chiến đấu 100% quân số theo đầu phương tiện; đã điều động 43 lượt xe cùng 306 lượt cán bộ, chiến sĩ cùng phối hợp với các lực lượng công an, quân đội và các đơn vị khác có liên quan tham gia bảo vệ tuyệt đối an toàn PCCC tại các sự kiện, lễ hội chào mừng Tết nguyên đán Mậu Tuất năm 2018...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm