Tác động của dịch COVID-19 tới các lĩnh vực xã hội

Ủy ban Về các vấn đề xã hội đánh giá trong ngắn hạn, doanh nghiệp ở hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề, đặc biệt là các ngành sản xuất công nghiệp, dệt may, da giày, du lịch, dịch vụ, giao thông và xuất nhập khẩu… sẽ bị tác động mạnh.

Nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19. Ảnh: PLO

Cần các gói hỗ trợ kinh tế

Cụ thể, theo báo cáo sơ bộ, nhiều doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2019); 10% doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất và khi dịch có diễn biến phức tạp trên 15% doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất, kinh doanh.

Sản xuất công nghiệp giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn 6 năm rưỡi qua. Tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất với nhiều ngành và nhiều doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn do phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc và các thị trường nhập khẩu nguyên liệu khác cũng đã khó khăn.

Trong trung hạn và dài hạn, Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng các tác động đến tăng trưởng GDP là khó tránh khỏi. Đây là dự báo của hầu hết các quốc gia có dịch bệnh COVID-19. 

Nhà nước sẽ phải huy động và triển khai các gói hỗ trợ kinh tế để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ người lao động ổn định cuộc sống trong bối cảnh việc làm khó khăn. Đời sống của người dân sẽ chịu tác động khi có những biến động về thị trường lao động, giá cả, tiền lương nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài.

Nguy cơ lây nhiễm chéo virus SARS-Cov2

Ủy ban Về các vấn đề xã hội nhận định do vừa phải đảm bảo công tác khám bệnh, chữa bệnh thường xuyên, vừa đảm nhiệm công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 nên một số cơ sở y tế xuất hiện tình trạng quá tải kéo dài. Đồng thời, qua đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt là nguy cơ lây nhiễm chéo virus SARS-Cov2. 

Nhiều cơ sở y tế đã tăng ca làm việc để phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh, sàng lọc, tổ chức cách ly, giám sát và điều trị bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, nếu dịch kéo dài sẽ gây ra áp lực lớn, khó khăn trong việc bảo đảm tính liên tục các hoạt động của hệ thống y tế dự phòng, thiếu nhân lực điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, việc tổ chức cách ly và xử lý môi trường với số lượng lớn, thời gian ngắn.

Trên thực tế, ngành y tế trong thời gian chống dịch vừa qua đã xảy ra tình trạng thiếu khẩu trang y tế. Cạnh đó là khó khăn trong việc đặt mua các thiết bị y tế như máy thở, máy xét nghiệm, máy X-quang, Kit test xét nghiệm COVID-19… do nguồn cung khan hiếm và giá bị đẩy lên cao. 

Vì vậy, cần có phương án để chủ động về trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, đồ bảo hộ và các trang thiết bị cá nhân cho nhân viên y tế… nhằm đáp ứng công tác phòng, chống dịch bệnh hiện nay cũng như bảo đảm dự phòng sau khi kết thúc dịch và bảo vệ sức khỏe cho nhân viên y tế.

Đáng chú ý, số lượng người đến khám bệnh, chữa bệnh tại nhiều cơ sở y tế hiện đang giảm mạnh. Tại nhiều Bệnh viện trên địa bàn TP. Hà Nội như Bạch Mai, Thanh Nhàn, Việt Nam-Cu Ba… số lượng bệnh nhân đến khám giảm 30%-50%. Điều này một mặt sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người có bệnh khi tự chữa bệnh tại nhà, mặt khác có thể tác động đến khoảng 240 bệnh viện tự bảo đảm chi tiền lương từ nguồn thu dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài có thể tác động đến kinh phí hoạt động của các cơ sở y tế thực hiện tự chủ về tài chính.

Uỷ ban này cũng, dự báo, trường hợp số ca mắc COVID-19 tăng cao sẽ có ảnh hưởng đến Quỹ Bảo hiểm y tế do chi phí điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 khá lớn.

Tình trạng thiếu việc làm, mất việc làm gia tăng

Ủy ban Về các vấn đề xã hội đánh giá tình trạng lao động thiếu việc làm, không có việc làm và mất việc làm ở một số khu vực gia tăng, tốc độ tăng phụ thuộc vào diễn biến dịch.

Kết quả khảo sát nhanh trên 1.200 doanh nghiệp (phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ) của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) về ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cũng cho thấy nếu dịch bệnh kéo dài, doanh thu sẽ giảm rất mạnh và dẫn đến doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động hoặc nghỉ không hưởng lương nhiều hơn, cắt giảm tiền lương, đồng thời nguy cơ phá sản cao.

Trong tháng 2-2020, số người thất nghiệp trong cả nước đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp khoảng hơn 47.000 người, tăng hơn 63% so với tháng 1-2020.  Ngoài ra, sức mua sẽ giảm và gây tác động đến việc làm.

Liên quan đến tình hình lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hiện có trên 500.000 người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Số lao động này làm việc tại 36/188 quốc gia, vùng lãnh thổ có trường hợp nhiễm bệnh. 3 thị trường lao động chính là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan chưa có người lao động Việt Nam nhiễm bệnh.

Trong quý I-2020, chỉ có gần 1.300 lao động về nước. Nhìn chung, lao động Việt Nam tại nước ngoài vẫn tham gia làm việc bình thường, tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn y tế tại nước làm việc và qua khảo sát chưa có nguyện vọng về nước tại thời điểm này. 

Đáng chú ý, trong bối cảnh dịch bệnh, khó khăn về việc làm, doanh thu…, Uỷ ban về Các vấn đề xã hội dự báo sẽ phát sinh nhiều doanh nghiệp, người sử dụng lao động gặp khó khăn không chỉ trong việc trả lương mà còn khó khăn trong việc đóng bảo hiểm xã hội, trả nợ bảo hiểm xã hội…

Đề nghị điều chỉnh tăng ngân sách đầu tư cho cho y tế

Từ những đánh giá trên, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm đến việc phân bổ, điều chỉnh ngân sách đầu tư cho lĩnh vực y tế nhằm đáp ứng trong cả trung hạn và dài hạn để tăng cường năng lực bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung và công tác y tế dự phòng nói riêng. 

Ngoài ra, cần dành ưu tiên trong chương trình xây dựng pháp luật, áp dụng các quy trình rút gọn đối với các dự án luật có liên quan đến trường hợp khẩn cấp khi ứng phó và phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Cạnh đó, Ủy ban Về các vấn đề xã hội cũng đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm đánh giá, dự báo, xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với diễn biến của dịch bệnh COVID-19 và thời kỳ hậu dịch bệnh trước các tác động rất lớn của dich bệnh đối với kinh tế toàn cầu.

Trong đó, đặc biệt lưu ý việc sắp xếp, điều chỉnh các kỳ thi, học kỳ trong năm học… của học sinh, sinh viên. 

Nếu dịch COVID-19 kéo dài, cảnh báo về suy thoái kinh tế

Cũng trong báo cáo gửi tới Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Uỷ ban về Các vấn đề xã hội cho rằng diễn biến tình hình dịch viêm phổi cấp COVID-19 diễn ra rất nhanh, nghiêm trọng, phức tạp, khó lường, chưa dự báo được đỉnh dịch, thời điểm kết thúc, quy mô và phạm vi tác động chính xác. 

Trên cơ sở đánh giá các tác động sơ bộ nói trên, trong bối cảnh quy mô doanh nghiệp ở Việt Nam chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, nếu tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục kéo dài, dự báo sức chịu đựng của doanh nghiệp là rất khó khăn. Ngoài ra, nhiều hệ lụy về tăng trưởng, lao động, việc làm, tiền lương… sẽ ảnh hưởng thậm chí đã bắt đầu xuất hiện những cảnh báo xa hơn về suy thoái kinh tế nếu dịch kéo dài và tình hình kiểm soát dịch chưa được cải thiện ở cấp độ toàn cầu. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm