Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở châu Âu và Mỹ - những thị trường lớn của hàng hóa do nhiều nước nghèo sản xuất - đã khiến sức mua ở phương Tây giảm mạnh. Tình trạng chung ở các nhà máy là các đơn đặt hàng từ Mỹ và từ châu Âu trong năm nay giảm hàng chục % so với năm ngoái. Hàng loạt công nhân nhà máy tại nhiều nước bị sa thải do người tiêu dùng phương Tây cắt giảm chi tiêu.
Hàng chục ngàn công nhân mất việc
Tại Philippines từ nửa cuối năm nay đã chứng kiến làn sóng sa thải lớn, chủ yếu là công nhân may mặc, theo trang tin WSWS (Philippines).
“Ngay bây giờ ở Kenya rất khó kiếm việc làm… Tôi có thể thấy rất nhiều người rơi vào trầm cảm… Tôi là một trong số đó. Tôi vẫn sẽ phải trả các hóa đơn, trả tiền thuê nhà, tôi cần thức ăn... Một số đồng nghiệp của tôi có vay ngân hàng. Làm sao họ có thể kham được nếu không có việc làm?” - một nhân viên công nghệ ở Kenya vừa mất việc nói với TIME.
Cuối tháng 9, một loạt công ty gia công đồ dùng thể thao thuộc công ty mẹ Sports Center International (trụ sở ở Đài Loan) thông báo sa thải một lượng lớn trong tổng số 18.000 công nhân. Lý do được đưa ra là do một thế giới đang “bên bờ vực suy thoái toàn cầu, với lạm phát cao hơn dự kiến và các điều kiện tài chính toàn cầu đang trở nên thắt chặt hơn…”. Ngoài ra, “những tình huống chưa từng có” như đại dịch COVID-19, các vấn đề về chuỗi cung ứng, giá nhiên liệu tăng, xung đột Nga - Ukraine… đã làm lung lay sức khỏe tài chính của các công ty. Tháng 10, gần 4.500 công nhân tại Khu chế xuất Mactan và Khu công nghiệp nhẹ Cebu ở TP Lapu-Lapu (miền Trung Philippines) bị sa thải.
Tờ Business World (Philippines) dẫn lời bà Maritess Jocson-Agoncillo, Giám đốc điều hành Liên đoàn Các nhà xuất khẩu thiết bị đeo của Philippines (CONWEP), cho biết đã có hơn 9.400 công nhân đã bị sa thải hoặc buộc phải nghỉ việc, con số này chiếm 3,5% trong số 270.000 công nhân trong các bộ phận may mặc, giày dép, túi xách và dệt may. Bà cảnh báo rằng tỉ lệ sa thải có thể lên tới 8%-10% nếu nhu cầu toàn cầu xấu đi, điều mà ngành may mặc cảnh báo sẽ còn xảy ra trong vài tháng tới.
Trước đại dịch COVID-19, các tập đoàn may mặc trên toàn cầu cũng đã phải sa thải nhân công, với hơn 1 triệu người mất việc ở nhiều nước như Myanmar, Bangladesh, Philippines và cả Việt Nam.
Công nhân may ở Philippines. Ảnh: REUTERS |
Theo tạp chí TIME, trên khắp thung lũng Silicon, các công ty công nghệ đang cắt giảm lực lượng người lao động trước nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Meta đã thông báo vào đầu tháng này sẽ sa thải 11.000 công nhân, tương đương 13% nhân sự. Kể từ khi thuộc quyền tiếp quản của tỉ phú Elon Musk hồi tháng 10, Twitter đã sa thải khoảng 3.000 nhân viên, tương đương một nửa lực lượng người lao động. Amazon đang chuẩn bị cắt giảm 10.000 việc làm. Microsoft gần đây cũng công bố cắt giảm nhân sự.
Việc cắt giảm này không chỉ ảnh hưởng đến các lập trình viên thu nhập cao ở thung lũng Silicon mà cả các nhân viên công nghệ ở các nước đang phát triển lương chỉ vài USD/ngày. Twitter đã cắt giảm 4.400 trong số 5.500 người lao động hợp đồng, nhiều người trong số họ được các bên thứ ba ở Philippines tuyển dụng. Hàng trăm nhân viên tại CloudFactory, một công ty gia công phần mềm có văn phòng ở Kenya và Nepal, cũng vừa bị sa thải.
Phương Tây tăng hỗ trợ tiêu dùng
Châu Âu đang tăng cường ứng phó với khủng hoảng và bảo vệ người tiêu dùng đặc biệt trong mùa đông này khi phí năng lượng tăng cao. Với sự hỗ trợ của Ủy ban châu Âu, các bên đại diện cho người tiêu dùng và ngành năng lượng cam kết khuyến khích các thành viên thực hiện các nguyên tắc chung và áp dụng ngay các biện pháp hỗ trợ người tiêu dùng trong mùa đông. Một số biện pháp trong đó như hoãn thanh toán hóa đơn, duy trì cung cấp năng lượng, không khuyến khích chuyển đổi hợp đồng đơn phương trong mùa đông, minh bạch, rõ ràng trong tiếp cận thông tin. Châu Âu cũng đang tính toán áp giá trần lên khí đốt để bảo vệ người tiêu dùng.
Tại Anh, đầu tháng 12, Bộ trưởng Bộ Tài chính Jeremy Hunt có cuộc họp với lãnh đạo các ngân hàng và kêu gọi các ngân hàng hỗ trợ các hộ gia đình gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản thế chấp giữa khủng hoảng chi phí sinh hoạt, theo hãng tin Reuters. Theo UK Finance (Hiệp hội Các công ty dịch vụ tài chính Anh), các ngân hàng đang tích cực giúp đỡ khách hàng bị ảnh hưởng vì khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên, việc này có thể khó một khi quy định “nghĩa vụ tiêu dùng” mà cơ quan quản lý tài chính Anh đặt ra cho các ngân hàng được thực hiện đầu năm tới, buộc các ngân hàng phải siết hơn điều kiện cho vay.
Tại Mỹ, sức tiêu dùng và tình trạng các công ty ở Mỹ thời gian qua chưa đến nỗi báo động vì còn có sự hỗ trợ của khoảng 1.500 tỉ USD từ các chương trình kích thích kinh tế sau đại dịch. Tuy nhiên, trao đổi với kênh CNBC đầu tháng 12, Giám đốc điều hành Jamie Dimon của Tập đoàn tài chính JPMorgan Chase (Mỹ) lo ngại việc này khó kéo dài lâu hơn khi quy mô chi tiêu ở Mỹ năm nay nhiều hơn năm 2021 tới 10%. Theo ông, với “tình trạng lạm phát đang làm xói mòn mọi thứ thì 1.500 tỉ USD đó sẽ cạn kiệt vào giữa năm sau”.•
Nhân viên công nghệ ở các nước nghèo dễ tổn thương hơn
Theo nhà nghiên cứu Jonas Valente tại Viện Internet Oxford (ĐH Oxford) thì “thế giới công nghệ vượt xa thung lũng Silicon với bộ phận người lao động được thuê làm việc trực tiếp ở đây.
Có một lực lượng người lao động trên hành tinh đang làm đủ mọi công việc cho các công ty công nghệ. Công nhân toàn thời gian hoặc bán thời gian trong các công ty gia công phần mềm, đặc biệt là ở các quốc gia Nam bán cầu, thường có điều kiện làm việc thấp hơn và hợp đồng tệ hơn so với những người làm việc trong các công ty công nghệ lớn.
Ở các quốc gia có luật lao động ít tính bảo vệ hơn, người lao động thường có ít quyền thương lượng và cuối cùng có thể trở thành mục tiêu dễ dàng hơn cho các quyết định sa thải, theo ông Jonas Valente.