Tác nghiệp nhà báo là công việc đặc biệt

Vấn đề nhà báo bị cản trở, hành hung khi tác nghiệp lần nữa lại được mang ra mổ xẻ tại hội thảo “Tình hình hành hung, cản trở nhà báo tác nghiệp” do báo Công Luận điện tử tổ chức ngày 26-4. Nhiều đại biểu, chuyên gia kiến nghị cần có phương pháp bảo vệ đặc biệt với tác nghiệp của nhà báo…

Công việc đặc biệt…

Bà Nguyễn Thị Mai Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin thư viện và Nghiên cứu khoa học, Văn phòng Quốc hội, băn khoăn: Thi hành công vụ phải nhân danh quyền lực nhà nước, trong khi nhà báo chỉ được coi là một nghề trong xã hội

Theo ông Mai Phan Lợi - Trưởng Văn phòng đại diện báo Pháp Luật TP.HCM tại Hà Nội, nên bổ sung tội cản trở, hành hung nhà báo tác nghiệp vào Bộ luật Hình sự.

Đồng tình, luật sư Nguyễn Thị Bích Điệp cho biết nhiều nước (Mexico, Armenia…) đã bổ sung tội danh này vào luật hình sự với lý do “tác nghiệp của nhà báo là một công việc đặc biệt quan trọng, cần có biện pháp bảo vệ đặc biệt”.

Tác nghiệp nhà báo là công việc đặc biệt ảnh 1

Việc báo chí tác nghiệp có được xem là thực thi công vụ còn có những quan điểm chưa thống nhất. Ảnh: HTD

Với việc cản trở nhà báo tác nghiệp, ông Ngô Huy Toàn, Trưởng phòng Thanh tra Báo chí Xuất bản - Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết: Chưa ghi nhận trường hợp nào bị xử phạt hành chính do cản trở phóng viên tác nghiệp.

Hội Nhà báo cần lên tiếng mạnh hơn

Tôi đặc biệt cảnh báo về các vụ hành hung nhà báo ngày càng gia tăng trên thế giới và thấy thất vọng khi nhiều trong số các vụ việc đó không được điều tra và đưa ra xét xử. Tôi kêu gọi các quốc gia không bỏ qua các nỗ lực đưa ra công lý những kẻ tấn công nhà báo. Tôi bày tỏ lòng tôn kính với những người đang làm việc trong các điều kiện khó khăn và nguy hiểm để đem lại cho chúng ta những thông tin tự do và công bằng

(Phát biểu của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc BAN KI MOONtrong ngày Tự do báo chí thế giới 2008)

Trong tham luận của mình, ông Mai Phan Lợi đề nghị Hội Nhà báo chủ động hơn nữa trong việc bảo vệ quyền lợi của các thành viên. Các cơ quan Hội Nhà báo, Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan nội chính… cần vào cuộc ngay để bảo vệ các nhà báo. “Không nên vô cảm nhìn máu nhà báo tiếp tục đổ để rồi tuyên bố lạnh lùng “không khởi tố” do thương tích chưa đủ 11%”.

Nhà báo Hoàng Dưỡng, phóng viên Đài PT-TH huyện Buôn Đôn, Dăk Lăk, cũng đề xuất Hội Nhà báo VN nên thành lập một quỹ để hỗ trợ các nhà báo, như thuê luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà báo khi bị cản trở, hành hung… Luật sư Trần Đình Triển, Văn phòng luật sư Vì Dân, cho biết sẵn sàng bảo vệ “không thù lao” cho các nhà báo. Theo ông, Hội Nhà báo có thể thành lập ban bảo vệ tác nghiệp nhà báo, mời luật sư làm thành viên.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí -Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương, bộc bạch: Các nhà báo trước hết phải bảo vệ chính mình bằng nghiệp vụ khi tác nghiệp, phương tiện kỹ thuật để tránh bị phát hiện…

Bà Nguyễn Thị Mai Phương, cũng đề nghị đưa vấn đề này ra diễn đàn Quốc hội để chất vấn.

Tính mạng nhà báo chỉ 5 triệu đồng?

Hai năm trước, lâm tặc đã đến nhà anh Hoàng Dưỡng, nguyên trưởng Đài PT-TH huyện Buôn Đôn (Dăk Lăk), đe dọa “Mạng chúng mày chỉ 5 triệu đồng là xong” khi anh quay phim, báo kiểm lâm bắt xe gỗ lậu của lâm tặc. Sau đó, lâm tặc đã hành hung, đánh anh… Khi xét xử, tòa cho bị cáo hưởng án treo về tội cố ý gây thương tích. Cuối năm 2009, VKSND Tối cao đã có kháng nghị giám đốc thẩm. Anh Dưỡng nói: “Công việc của phóng viên nguy hiểm là vậy nhưng Đài PT-TH huyện chưa được coi là cơ quan báo chí”.

VĂN TIẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm