Việt Nam cần hành động ngay
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lượng người sử dụng Internet cao, xuất hiện nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm, nhiều doanh nghiệp phát triển công nghệ thông tin... Sau 30 năm lắp ráp, Việt Nam có đủ điều kiện để sáng tạo công nghệ, cần xây dựng và tuyên bố dứt khoát chiến lược để trở thành doanh nghiệp công nghệ.
“Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội vàng cho những sáng tạo mới thay đổi lộ trình kinh doanh, các nền kinh tế sẽ chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng truyền thống như lao động giá rẻ, đất đai... sang mô hình tăng trưởng do công nghệ và đổi mới sáng tạo thúc đẩy. Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam cần thực hành khẩu hiệu "sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất", Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, trong tiến trình này, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ thực hành khẩu hiệu hành động: Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất. Ảnh Chinhphu.vn
Bên cạnh đó, Chính phủ cùng các bộ liên quan sớm ban hành chiến lược chuyển đổi số quốc gia nhằm tạo thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ. Muốn có doanh nghiệp công nghệ cần tạo ra thị trường. Đầu tiên và then chốt nhất là hoàn thiện nền kinh tế thị trường, đổi mới sáng tạo. Sau đó là hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Thủ tướng đồng ý với chủ trương thí điểm xây dựng khu công nghiệp, công nghệ sáng tạo để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Bên cạnh đó, cần đổi mới giáo dục để nâng cao năng lực tiếp cận. Chính phủ sẽ đưa các vấn đề cụ thể như liên kết, kêu gọi các doanh nghiệp hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm... Bên cạnh đó, cần nghiên cứu cơ chế chính sách thu hút nhân lực nước ngoài, thúc đẩy doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ số...
Cuối cùng, Thủ tướng nhắc lại, thời gian không chờ đợi nên cần hành động nhanh hơn trong thời đại kỹ thuật số. Những phương thức kinh doanh cũ kỹ cần nhường cho những giải pháp đổi mới sáng tạo và công nghệ. Cơ hội đến và không bao giờ trở lại, Việt Nam cần hành động ngay.
“Tách riêng taxi điện tử để tránh cái cũ kéo lùi cái mới”
Cũng tại sự kiện trên, ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc Công ty VCCORP khi nói về vấn đề phát triển doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam đề xuất “Tách riêng taxi điện tử để tránh cái cũ kéo lùi cái mới”
Theo ông Tân, hiện tại khoa học công nghệ đang phát triển rất mạnh, những công ty hàng đầu thế giới như Google, Facebook, Amazon... cũng đều là các công ty công nghệ. Họ đứng đầu cả về số người sử dụng, doanh số, tầm ảnh hưởng, giá trị thị trường. Họ còn tạo ra công nghệ cho cả thế giới học theo.
Các doanh nghiệp này được chia làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất là Google, Facebook... làm ra những sản phẩm dịch vụ hoàn toàn toàn mới, giải quyết vấn đề mới. Nhóm thứ hai là giải quyết các nhu cầu cũ bằng xây dựng mô hình kinh doanh mới, phương pháp mới, dựa trên các công nghệ của họ.
Nhắc đến nền công nghệ Việt Nam, ông Tân cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể làm được như các nước phát triển công nghệ trên thế giới. Tiêu biểu như Vingroup có thể sản xuất tự động hóa 4.0, Viettel tự làm thiết bị mạng 5G, về nội dung số thì có VNG với Zalo, VCCorp với nền tảng quảng cáo bằng công nghệ, hệ thống phân phối nội dung và hàng chục công ty khác. Doanh số từ 500 triệu đến 1 tỷ USD, sẽ còn phát triển nếu có đầy đủ điều kiện.
Các đại biểu dự diễn đàn. Ảnh mic.gov.vn
Tuy nhiên, ông nói: "Các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam rất muốn làm, đầy đủ nguồn lực để làm, thừa quyết tâm để làm nhưng không dám làm, không dám chạy hết tốc độ, không huy động được lực lượng xã hội vì nghi ngại”.
Lý do là bởi trong khi các nước có nhiều chính sách phát triển ưu đãi về thuế, các chính sách, thì những chính sách và quy định của Việt Nam còn nhiều hạn chế.
Do đó, để doanh nghiệp dám làm, người đứng đầu VCCORP đề xuất, các nhà quản lý cần phải coi ngành nội dung số là ngành kinh tế trọng điểm, phát triển thị trường trong nước bằng cách coi trọng các công ty Việt phục vụ thị trường Việt Nam, coi trọng các công ty có tiềm năng xuất khẩu sản phẩm/dịch vụ công nghệ trọn gói ra quốc tế (không phải outsourcing).
Đồng thời, ông Tân cũng đề xuất một số cơ chế ứng xử hỗ trợ cái mới phát triển như việc tách riêng taxi điện tử để tránh cái cũ kéo lùi cái mới.