Có công nghệ, thầy giáo hay robot dạy học?

Đó là chia sẻ của Ths Hà Văn Thắng, giảng viên khoa Địa lý, trường ĐH Sư phạm TP.HCM tại diễn đàn kết nối trẻ "Vai trò của giáo viên trẻ trong thời kỳ cách mạng 4.0" do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức chiều 22-3.

Chủ đề này đã thu hút đông giáo viên trẻ, sinh viên sư phạm tham gia lắng nghe và trao đổi.

Giáo viên mầm non ví mình là osin, vú em

TS Nguyễn Thị Bích Hồng, giảng viên khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đặt vấn đề: “Cách mạng công nghiệp 4.0 khiến thầy giáo “ảo” xuất hiện ngày càng nhiều, vậy liệu có còn thầy giáo thật nữa. Thời gian gần đây có nhiều vụ việc xảy ra gây bức xúc dư luận bởi cách cư xử vụng về, sai trái của một số giáo viên trong việc dạy dỗ học trò. Tại sao lại như vậy, phải chăng do họ chưa được trang bị tốt kỹ năng ứng xử sư phạm?”.

TS Hồng cho rằng, nghề giáo là lao động sư phạm rất nhọc sức, nhọc tâm. Cho nên thời nào cũng vậy, người thầy trước hết phải luôn phải có kỹ năng sư phạm, năng lực xã hội, năng lực hợp tác và thích ứng.

“Nhiều giáo viên mầm non tự ví mình là osin, vú em là không ổn về nhận thức nghề nghiệp. Chưa kể, hai năm trở lại đây, giá trị nghề giáo bị lung lay vì thu nhập thấp, vị thế người thầy cũng đang giảm dần. Do đó, giáo viên phải nhận thức được giá trị nghề nghiệp của mình là nhà giáo dục. Có như vậy, vị trí của người thầy thật mới không bị mất đi, mới lấy lại được lòng tin, dù trong thời đại nào” – bà Hồng thẳng thắn.

Theo bà Hồng, công nghệ 4.0 phát triển rất nhanh, thông tin tràn ngập và phức tạp. Học sinh chỉ cần lên mạng là biết hết mọi thứ. Thậm chí khi đi thực tế, nhiều giáo viên phổ thông than rằng học trò hiện nay mất lòng tin vào mọi thứ, khó tiếp cận và khó cảm hóa. Tuy nhiên, TS Hồng cho rằng giáo viên thời đại mới cần ý thức được sự thay đổi này, càng 4.0 thì càng phải kiên trì, phải biết tự học, kể cả sinh viên sư phạm cũng cần được trang bị kỹ tự học để hiểu học sinh và định hướng giá trị lành mạnh cho các em.

Giáo viên trao đổi tại diễn đàn. Ảnh: PHẠM ANH

Robot có thay thế giáo viên?

Chia sẻ tại diễn đàn,Ths Thắng cho rằng, công nghệ như máy tính, internet, máy chiếu... là không thể thiếu trong thời cách mạng công nghệ 4.0. Nó sẽ biến lớp học truyền thống thành lớp học đa phương tiện, giúp buổi dạy thú vị, hấp dẫn hơn, giúp học sinh tiếp cận nhiều kiến thức mới mẻ một cách nhanh chóng....

Tuy nhiên, theo Ths Thắng, cũng chính công nghệ sẽ rất dễ trở thành bức tường ngăn cách mối quan hệ thầy trò. Bởi khi thầy mải mê với máy móc, say sưa với những ứng dụng kết nối trực tuyến... thì học trò cũng bị cuốn theo. Không có sự kết nối cảm xúc giữa người dạy và học.

Tiếp đó, Ths Thắng lại minh chứng ngược lại bằng việc thực hiện bối cảnh khác thông qua việc thực hiện một lớp học không có công nghệ. “Khi không có công nghệ, tôi thấy mối quan hệ thầy trò trở nên tốt hơn, việc dạy học trở nên thật thoải mái, thời gian như dài hơn và có nhiều cơ hội hơn để quan tâm đến học sinh. Khoảng cách giữa thầy và trò dần được xóa bỏ và những ngày tháng trên bục giảng trở nên giàu cảm xúc” – Ths Thắng thừa nhận.

Từ đó, Ths Thắng nhận xét rằng:  “Thời đại 4.0 hay bao nhiêu đi chăng nữa, theo tôi, thứ mà công nghệ không thể thay thế được là vai trò của người thầy trong việc truyền bá và lan tỏa những giá trị đến học trò. Phải truyền được cảm hứng về cuộc sống, con người đến với học trò. Những điều này máy móc hoàn toàn không thể thay thế được”.

Từ đây, Ths Thắng cũng kiến nghị, để giáo viên giữ được vị thế và vai trò của mình, nhà nước cần đầu tư nhiều hơn nữa trong việc bồi dưỡng giáo viên về các phương pháp dạy học. Đồng thời đầu tư nền tảng công nghệ thông tin nhiều hơn cho giáo viên để họ sẵn sàng thích ứng vào thời đại mới.

Tuy nhiên, một số giáo viên trẻ đang giảng dạy tại TP.HCM cũng bày tỏ lo ngại rằng làm sao để người thầy giữ được nguồn cảm hứng giảng dạy khi công nghệ ngày càng được ứng dụng nhiều? 

Về vấn đề này, TS tâm lý Bùi Hồng Quân, giảng viên Học viện cán bộ TP.HCM cho rằng, bản thân người thầy phải thực sự yêu nghề mới truyền được cảm hứng cho học sinh, dù có công nghệ hay chỉ phấn trắng bảng đen. Công nghệ chỉ là hỗ trợ, người thầy phải tự học, tự tìm tòi để làm mới kiến thức mới thu hút được học trò.

 

Giáo viên hãy đặt mình vào vị trí của học trò

Tại diễn đàn, một số giáo viên trẻ bày tỏ khó khăn khi ứng xử với những học sinh bị ảnh hưởng quá nhiều từ mạng xã hội, bị lôi cuốn vào những thông tin xấu rồi mất lòng tin vào thầy cô?

Theo TS Nguyễn Thị Bích Hồng, với tốc độ phát triển của internet và công nghệ, thay vì cấm học sinh tiếp cận thì giáo viên nên lấy đó là cơ hội để cùng trao đổi, thảo luận với các em để làm rõ vấn đề, từ đó rút ra những bài học, kinh nghiệm hay cho cả thầy lẫn trò. Chúng ta nên hiểu học sinh bằng tâm thế của các em chứ đừng áp đặt suy nghĩ của người lớn vào các em. Có như thế mới hiểu để định hướng nhận thức cho các em về sau.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm