Sáng 16-6, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), “trải lòng” về đề xuất tách Tổng cục ĐBVN thành Cục ĐBVN và Cục Đường bộ cao tốc VN.
Theo ông Huyện, sau 12 năm thành lập, đến nay đơn vị đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, theo sắp xếp của Chính phủ, tổng cục phải có bộ máy thống nhất từ trung ương đến địa phương nhưng Tổng cục Đường bộ chưa đáp ứng đủ tiêu chí nên thuộc đối tượng xem xét tổ chức lại. Dù vậy, ông Huyện cho rằng nếu tách Tổng cục ĐBVN thành hai cục sẽ có bất cập, vì hai cơ quan này đều quản lý đường bộ. Trong khi đường cao tốc là một cấp kỹ thuật theo tiêu chuẩn đường bộ. Đường cao tốc không phải là một cấp quản lý.
“Cạnh đó, việc sắp xếp nhân sự cũng có những bất cập, bởi nếu tách thêm một Cục Đường bộ cao tốc Vn với quy mô 170 người lấy từ Cục ĐBVN sang rất lãng phí, vì quản lý chưa được 200 km đường cao tốc đầu tư công. Còn 1.000 km đường cao tốc đầu tư BOT do các nhà đầu tư quản lý, khai thác, quản lý nhà nước chỉ xử lý các tình huống. Trong khi có 25.000 km đường bộ khác cần quản lý…” - ông Huyện nói.
Ông Nguyễn Văn Huyện (ngồi giữa) điều hành phiên họp của Tổng cục Đường bộ. |
Ông Huyện cho biết thêm Nghị quyết 18 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn có nêu “một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính”. Trong khi đó đường cao tốc chỉ là một cấp đường bộ, nếu không tách thành hai cục thì khi đi tuần kiểm có thể một đoàn kiểm tra cả quốc lộ lẫn cao tốc bên cạnh. Nhưng nếu tách ra cần hai bộ máy để kiểm tra, quản lý.
Mặt khác, luật không thể tách thành luật đường bộ và luật đường cao tốc, không có luật thì không có nghị định, tách thành hai cục làm việc rất khó. “Song song đó, tách làm hai cục, nhà cửa, xe cộ có thể chia được nhưng chia máy chủ, hạ tầng công nghệ trong quản lý, giám sát đường bộ, nhất là giám sát doanh thu của 68 dự án BOT rất khó” - ông Huyện phân tích thêm.
Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cũng khẳng định việc ông ký đề án là theo sự thống nhất chung của bốn lãnh đạo và sáu ủy viên thường vụ. “Chứ bản thân không nhất trí, vì tôi sống với ngành đường bộ cả đời, nếu đẻ ra cái gì đó mà què quặt không điều hành được thì rất nguy hiểm” - ông Huyện nói.
Hiện Bộ GTVT đang thẩm định lại đề án trước khi bộ trình Chính phủ. Tuy nhiên, cá nhân ông Huyện cho rằng nếu xóa mô hình tổng cục thì phải có đánh giá tác động nhưng chưa có chỉ đạo việc này. “Đùng một phát thì tách, dưới phải nghe trên, tôi phải theo nghị quyết của lãnh đạo” - ông Huyện chia sẻ.
Trước đó, Bộ GTVT có dự thảo nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ GTVT. Trong đó, đáng chú ý là đề xuất tách Tổng cục ĐBVN. Nguyên nhân tách là do Bộ Nội vụ cho rằng Tổng cục ĐBVN chưa đáp ứng các tiêu chí thành lập tổng cục. Tuy nhiên, tờ trình này cũng nêu rằng sau khi tổ chức lại, cơ bản Cục ĐBVN sẽ tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục ĐBVN hiện nay.
Cạnh đó, việc thành lập một cục riêng quản lý một phần trong hệ thống đường bộ là không cần thiết, đi ngược với tinh thần Nghị quyết 18. Song song đó sẽ có sự trùng lặp, chồng chéo.
Ngoài ra, hệ thống đường cao tốc hiện nay cũng có rất nhiều đoạn đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP, nếu đề xuất của Bộ GTVT được phê duyệt, các doanh nghiệp BOT sẽ rơi vào tình trạng “một cổ hai tròng”, chịu sự quản lý từ hai cơ quan tương đương. Điều này sẽ gây không ít khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp.•