Cổ phiếu nhà băng xuống dốc, nhà đầu tư lo

Trong 6 tháng đầu năm nay, hàng loạt mã cổ phiếu ngân hàng ghi nhận mức tăng khủng. Thế nhưng, trong tháng 7 hàng loạt cổ phiếu nhà băng bám sàn khiến không ít nhà đầu tư ôm cổ phiếu của nhóm ngành này lỗ nặng.

Nhà đầu tư thua nặng vì đu đỉnh

Mã SSB (Ngân hàng Đông nam Á) mới lên sàn từ ngày 24-3 với giá khởi điểm là 16.800 đồng/cp thì tính đến hết tháng 6 mã này đã tăng trên 120%, lên quanh mức khoảng 37.000 đồng/cp.

Mã LPB (Lienvietpostbank) tăng tới 170%, mã VIB (ngân hàng Quốc tế) tăng khoảng 130%, mã VPB (VPbank) tăng gần 120%, mã VBB (Vietbank) tăng khoảng 115%.... Đây đều là những mã ghi nhận mức tăng đột biến trong vòng thời gian chưa đầy sáu tháng. 

Chứng kiến nhóm cổ phiếu “vua” liên tiếp thăng hoa, không ít nhà đầu tư hào hứng rót tiền với kỳ vọng giá sẽ còn tiếp tục bay cao hơn nữa. 

Thế nhưng, diễn biến bất thường của dịch COVID-19 lần thứ 4 đã khiến thị trường chứng khoán trong tháng 7 trải qua nhiều phiên lao dốc không phanh. Đặc biệt, những ai ôm cổ phiếu ngân hàng từ vùng đỉnh đang mòn mỏi chờ ngày “về bờ”. 

Chị Thảo My, quận 2 chia sẻ: Nghe người bạn khoe mua cổ phiếu ngân hàng "cứ mở mắt là lời tiền triệu ngon lành". Thấy ham, tôi rót tiền mua luôn mã LPB với giá gần 30.000 đồng/cp. Vừa mua xong thì xuống, thấy vậy tôi lại mua tiếp để trung bình giá vì nghĩ rằng chỉ là nhịp điều chỉnh giảm bình thường.

Thế nhưng, nhịp hồi đâu chả thấy mà chỉ thấy tài khoản ngày càng âm. Riêng mã LPB có thời điểm lỗ tới 28%. "Cho đến bây giờ, sau khi đã nắm giữ gần hai  tháng mà này, tôi đang chịu lỗ trên 17% và chưa biết khi nào mới thu hồi vốn”, chị My nói.

Tương tự, anh Tuấn – một nhà đầu tư F0 cho biết, nếu so sánh với nhóm ngành chứng khoán, xăng dầu, thép… thì tôi vẫn thấy đầu tư vào cổ ngân hàng an tâm hơn khi mà nhóm này chiếm tỉ trọng cao nhất lên tới 34% giá trị vốn hóa toàn thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhưng chọn mã nào, vùng giá nào là hợp lý thì không phải ai cũng may mắn có được.

Bằng chứng là có những mã vẫn xanh ngay cả khi giữa mùa dịch như SHB, TPB, ACB… thì cũng không hiếm mã bám sàn kéo dài hàng chục phiên không thấy ngóc đầu lên được.

Điển hình như mã VBB (Vietbank) giảm 2 tháng liên tiếp, khiến mã này giảm hơn 40%, từ mức 26.000 đồng/cp vào đầu tháng 6 thì đến sáng nay 29-7 chỉ còn quanh mức 15.800 đồng/cp.

Tương tự, mã VPB (VPBank) từ mức trên 72.000 đồng/cp thì chốt phiên sáng nay chỉ còn 57.600 đồng/cp, tương đương giảm khoảng 22% chỉ trong 17 phiên. 

“Khi thấy thị trường liên tục đi xuống, tôi bấm bụng cắt lỗ một phần vào những phiên phục hồi nhưng đến giờ tài khoản vẫn âm, và nuốt gần hết lợi nhuận thu được kể từ đầu năm đến nay. Giờ thì thôi không bán tống bán tháo nữa mà nằm im chờ thời vậy thôi”, anh Tuấn nói.

bang-gia-chung-khoan

Số liệu của Trung tâm Lưu ký, trong tháng 6 vừa qua có thêm 140.054 tài khoản cá nhân. Ảnh minh hoạ

Bí kíp chọn lựa cổ phiếu ngân hàng tốt để đầu tư

Tại toạ đảm với chủ đề “Ngành Ngân hàng – Điểm sáng từ câu chuyện tăng vốn” vừa diễn ra, bà Hoàng Việt Phương – Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư tại Công ty Chứng khoán SSI, cho rằng: Trong nửa đầu năm nay, cổ phiếu ngành ngân hàng có mức lợi nhuận rất tốt, trung bình đạt khoảng 60%.

"Khi lựa chọn cổ phiếu ngân hàng, nhà đầu tư cần quan tâm đến các chỉ số quan trọng nhất gồm ROE (tỉ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu), CIR (tỉ lệ chi phí hoạt động trên tổng thu nhập) và NIM (biên lãi ròng) để đánh giá hiệu quả hoạt động của các ngân hàng. Trong những chỉ số này, quan trọng nhất là ROE, chỉ số này càng cao càng tốt”.

Ông Nguyễn Hưng – Tổng Giám đốc TPBank chia sẻ thêm: Một ngân hàng có giá trị sổ sách tốt, thì P/B (giá cổ phiếu/giá ghi sổ sách) sẽ thấp, điều này thể hiện ngân hàng có chỉ số tương đối lành mạnh.

Đi kèm với đó là nhà đầu tư cũng cần quan tâm đến lợi nhuận thu được từ chính ngân hàng thể hiện qua P/E (giá /lợi nhuận mỗi cổ phần). Đây là những chỉ số mà nhà đầu tư nên nhìn nhận và đánh giá khi quyết định đầu tư vào cổ phiếu của một ngân hàng nào đó. 

Khi đánh giá doanh nghiệp thì người ta hay nhìn vào doanh thu. Nhưng doanh thu của ngân hàng lại khác với doanh thu của doanh nghiệp, đó là doanh thu của ngân hàng không có giá vốn hàng bán mà chỉ tính đúng trên lãi suất sinh ra thêm từ cho vay hoặc trả lãi.

Các khoản thu khác của ngân hàng lại gần như là thu ròng, chỉ trừ đi chi phí hoạt động và một số chi phí khác. Cho nên, cách tính giá trị sổ sách và lợi nhuận của ngân hàng khác rất nhiều so với cách tính cho doanh nghiệp.

"Nhìn tổng thể, hai chỉ số P/B và P/E của ngân hàng là đã giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng nào là tương đối chính xác. Ngoài ra, có thể đánh giá thêm một số yếu tố về chất lượng tài sản của ngân hàng, tỷ lệ bao nợ xấu, cơ cấu CASA- tức là cơ cấu về dòng tiền có giá vốn rẻ trong nguồn vốn huy động của ngân hàng hoặc danh mục đầu tư vào ngành hiệu quả hay nhạy cảm… Qua đó, giúp nhà đầu tư có thể đánh giá cổ phiếu ngân hàng tiềm năng hay không", ông Hưng nhấn mạnh.

Đánh giá về tỷ lệ bao phủ nợ xấu (quỹ dự phòng rủi ro) của một ngân hàng, ông Nguyễn Hưng giải thích thêm: Một ngân hàng nào đó mà có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao hơn 100%, có nghĩa là việc xử lý nợ xấu tốt và duy trì được nợ xấu đang thấp hơn số dự trữ đang có.

"Tỷ lệ này cao có nghĩa là ngân hàng đang trích đủ dự phòng, dùng dự phòng đó xóa đi khoản nợ xấu lâu ngày, đồng thời quỹ dự phòng cũng giảm xuống. Nếu tỷ lệ bao nợ xấu càng cao thì chất lượng tài sản của ngân hàng đó càng tốt", ông Hưng nói.

Cổ phiếu ngân hàng bùng nổ
Cổ phiếu ngân hàng bùng nổ
(PLO)- Trong vòng chưa đầy hai tháng trở lại đây, giá cổ phiếu ngân hàng thăng hoa dữ dội, không hiếm mã cổ phiếu ngành ngân hàng tăng tới 50%.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Đề xuất cơ chế tránh độc quyền vàng miếng

Đề xuất cơ chế tránh độc quyền vàng miếng

(PLO)- NHNN Chi nhánh TP.HCM kiến nghị xem xét đề xuất cơ chế quản lý phù hợp, hiệu quả tránh độc quyền vàng miếng, tạo lợi ích nhóm cho các đơn vị kinh doanh vàng miếng tự niêm yết giá.