Trong báo cáo "Ổn định tài chính toàn cầu" (lập mỗi nửa năm), IMF nói sự loại bỏ mối đe dọa từ lãi suất cao hơn đã thúc đẩy thị trường tài chính phục hồi nhanh chóng sau giai đoạn bất ổn mùa thu 2018. Tuy nhiên nó sẽ dẫn đến sự gia tăng mới về mức nợ vốn đã cao.
Báo cáo tỏ ra quan ngại về việc tăng mạnh những cổ phiếu công ty chất lượng thấp, các ngân hàng ở châu Âu dễ bị tổn thất do trái phiếu chính phủ bị giảm giá, mức nợ ở Trung Quốc, dòng tiền nóng vào và ra khỏi các nước đang phát triển và nguy cơ sụp đổ giá nhà.
Việc thắt chặt điều kiện tài chính trong ba tháng cuối năm 2018 - khi thị trường không bị ảnh hưởng bởi khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong suốt năm 2019 - là quá ngắn để có tác động lớn đến sự tích tụ các tổn thất.
Tổng nợ và rủi ro tài chính đã tăng lên và uy tín của một số người vay xấu đi. “Từ đó, một sự suy thoái kinh tế đáng kể hoặc thắt chặt các điều kiện tài chính có thể dẫn đến hạn chế đáng kể về rủi ro tín dụng, làm giảm khả năng phục vụ nợ của các công ty”, báo cáo nêu.
Cùng với báo cáo này, hai quan chức IMF Tobias Adrian Fabio Natalucci còn viết blog cho rằng: “Tại Mỹ, tỉ lệ nợ doanh nghiệp trên GDP đang ở mức cao kỷ lục. Ở một số nước châu Âu, các ngân hàng đang quá tải với trái phiếu chính phủ. Ở Trung Quốc, lợi nhuận của ngân hàng đang giảm và mức vốn vẫn thấp ở những người cho vay vừa và nhỏ.
Bằng cách tiếp cận kiên nhẫn đối với chính sách tiền tệ, các ngân hàng trung ương có thể điều tiết các rủi ro ngày càng tăng đối với nền kinh tế. Nếu điều kiện tài chính vẫn dễ dàng quá lâu, các tổn thất sẽ tiếp tục dựng lên và tỉ lệ tăng trưởng kinh tế giảm mạnh sẽ cao hơn vào một thời điểm sau đó”.
Nhìn về tương lai, IMF cảnh báo nguy cơ ý tưởng lạc quan cho thị trường tài chính năm 2019 có thể sẽ chết yểu. Tâm lý nhà đầu tư có thể xấu đi đột ngột, dẫn đến việc thắt chặt mạnh các điều kiện tài chính, từ đó gây ra nhiều vấn đề đặc biệt cho các quốc gia.
IMF còn nêu 3 sự cố có thể gây ra sự bất ổn:
+ Kinh tế toàn cầu giảm sâu hơn có thể dẫn đến việc giảm giá tài sản, vì viễn cảnh lợi nhuận công ty yếu hơn, bất chấp các ngân hàng trung ương và các bộ tài chính nỗ lực kích cầu kinh tế.
+ Một sự thay đổi bất ngờ sang cách tiếp cận mạnh mẽ hơn để tăng lãi suất ở các nước công nghiệp hàng đầu có thể dẫn đến giá cổ phiếu giảm nếu các nhà đầu tư cảm thấy họ đã có cái nhìn quá ôn hòa về lập trường của chính sách tiền tệ.
+ Các rủi ro chính trị và chính sách, như leo thang căng thẳng thương mại hoặc vụ Brexit (Anh rời khỏi EU) không đạt đến một thỏa thuận có thể ảnh hưởng đến tâm lý thị trường và khiến các nhà đầu tư sợ rủi ro hơn.
Ông Adrian, giám đốc mảng tiền tệ và vốn thị trường của IMF, nói: "Mức nợ và sự thiếu các qui định đối với lĩnh vực doanh nghiệp là một mối lo của IMF. Các tính chất dễ bị tổn thương này có thể dẫn tới sự cố sốc kinh tế."