Vay tiêu dùng sẽ 'méo mặt' vì quy định mới?

Dự thảo quy định việc thông báo nhắc nợ bị cấm trong khung thời gian từ 9 giờ tối đến 7 giờ sáng. Công ty tài chính hoặc đại lý thu nợ thuê không được phép sử dụng các biện pháp không phù hợp như đe dọa khách hàng hay yêu cầu tổ chức và/hoặc cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ phải trả nợ thay.

Ngoài ra, dự thảo này có nhiều nội dung đáng chú ý như sau:

(1)   Chia tách cho vay tiêu cùng của các công ty tài chính thành hai loại, một là “cho vay giải ngân gián tiếp” và “cho vay giải ngân trực tiếp”. Cho vay giải ngân gián tiếp (là sản phẩm tài chính truyền thống tài trợ cho việc mua hàng tiêu dùng) chủ yếu gồm cho vay mua xe hai bánh và cho vay mua hàng điện máy gia dụng còn cho vay giải ngân trực tiếp là cho vay tiền mặt dành cho cá nhân phục vụ một số mục đích tiêu dùng khác.

(2)   Đối với các khoản cho vay gián tiếp, các công ty tài chính phải giải ngân tiền trực tiếp cho bên bán hàng và không giải ngân cho người vay. Đối với các khoản cho vay tiền mặt, các công ty tài chính có thể giải ngân trực tiếp cho người vay.

(3)   Cho vay tiền mặt chỉ có thể thực hiện với những khách hàng vay có lịch sử tín dụng tốt và không có nợ xấu theo thông tin trên Trung tâm thông tin tín dụng (CIC) tại thời điểm ký hợp đồng cho vay và giải ngân. Điều này có nghĩa là các công ty tài chính không được phép cho vay tiền mặt với những khách hàng mới không có thông tin tín dụng.

(4)   Đề xuất tỷ trọng cho vay tiền mặt trong dư nợ cho vay của các công ty tài chính tối đa là 30%.

NHNN sẽ có những bước đi thận trọng trước khi chính thức triển khai

Tính đến hiện tại, NHNN chưa có thông tin cụ thể về thời điểm dự thảo sẽ được ban hành và có hiệu lực. Tuy nhiên, dự thảo dự kiến sẽ tác động đáng kể đến toàn ngành cho vay tiêu dùng, do đó giới phân tích cho rằng NHNN sẽ có những bước đi thận trọng trước khi chính thức triển khai. Bởi một khi dự thảo thông qua thì ngành cho vay tiêu dùng sẽ chứng kiến một sự giảm tốc rõ rệt.

Thực tế, NHNN cũng đã cho thấy thái độ chặt chẽ hơn đối với ngành cho vay tiêu dùng bằng việc áp dụng hạn mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn cho các công ty tài chính. Trong đó, năm 2018 là năm đầu tiên NHNN đặt hạn mức tín dụng cho các công ty tài chính giống như với các ngân hàng thương mại truyền thống sau nhiều năm ngành này tăng trưởng bùng nổ.

Ghi nhận một năm qua, hạn mức tăng trưởng tín dụng NHNN dành cho ba công ty tài chính lớn nhất (nắm 88% thị phần của các công ty tài chính) là khoảng 26%; trong đó FE Credit là 20%; HD Saison & Home Credit là khoảng 35%. Tuy nhiên tăng trưởng tín dụng thực tế tại 3 công ty tài chính lớn chỉ là 16,68% (FE Credit: 18,9%; Home Credit: 12,7% và HD Saison: 12,7 %).

Theo một số chuyên gia, trong năm 2019, hạn mức tín dụng tạm thời đề ra cho 3 công ty trên thậm chí có thể chỉ là 12%. Chi tiết, FE Credit ước tính có thể sẽ được giao hạn mức tăng trưởng tín dụng 10% còn HD Saison và Home Credit là khoảng 15%. Cùng với đó, công ty tài chính nhỏ hơn như MCredit (tăng trưởng tín dụng đạt hơn 200% trong năm ngoái) có thể được giao hạn mức tăng trưởng tín dụng cao trong năm nay (30-35% của dư nợ xấp xỉ 5.000 tỉ đồng) do thị phần còn rất nhỏ.

Tuy nhiên, tính đến hiện tại do chưa có thông tin rõ ràng về nội dung cuối cùng cũng như thời điểm ban hành dự thảo, nên hiện còn quá sớm để định lượng ảnh hưởng đối với toàn ngành cho vay tiêu dùng nói chung và các doanh nghiệp nói riêng.

Song có vẻ như chắc chắn ngành cho vay tiêu dùng của Việt Nam sẽ chứng kiến sự giảm tốc nhằm nâng cao chất lượng tài sản trước khi có thể tăng tốc trở lại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm