Tái diễn nạn lừa tuyển nhân viên bán hàng tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi

(PLO)- Các đối tượng lừa đảo đăng thông tin tuyển dụng hấp dẫn dụ dỗ người tìm việc đến phỏng vấn, sau đó yêu cầu đóng tiền đồng phục, phí thế chân,... để chiếm đoạt của nạn nhân.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phản ánh đến báo Pháp Luật TP.HCM, nhiều bạn đọc cho biết nạn lừa đảo tuyển dụng đã tái diễn khiến nhiều nạn nhân sập bẫy.

Các đối tượng giả mạo các công ty, thương hiệu nổi tiếng, tạo lập các trang fanpage, trang web giả để đăng tuyển việc làm với nội dung hấp dẫn; để dẫn dụ người đang có nhu cầu tìm việc đến rồi đưa họ vào tròng, chiếm đoạt tài sản của họ.

Lừa đảo tuyển dụng.jpeg
Để không bị lừa đảo tuyển dụng, cần đến những nơi giới thiệu việc làm uy tín. Trong ảnh là Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên, thuộc Thành đoàn TP.HCM. Ảnh: HUỲNH THƠ

Người tìm việc sụp bẫy thông tin tuyển dụng hấp dẫn

Anh H, ngụ TP.HCM cho biết con trai của anh vừa tốt nghiệp trung học phổ thông nên đã lên mạng xã hội Facebook tìm việc làm. Tại đây, con trai anh tìm được các trang web tuyển dụng có tên của các siêu thị, cửa hàng tiện lợi nổi tiếng. Tuy nhiên, thực tế các trang web này đều là giả.

“Sau khi trao đổi qua mạng, họ yêu cầu con tôi đến phỏng vấn tại đường số 28, phường An Phú, TP Thủ Đức. Lúc đầu họ cũng tư vấn cho con tôi về công việc bán hàng ở cửa hàng tiện lợi, sau đó yêu cầu con tôi đóng 840.000 đồng tiền đồng phục và tiền kỹ năng PCCC. Bọn chúng nói số tiền này sẽ được hoàn trả sau một tháng làm việc. Con tôi đã chuyển số tiền đó với suy nghĩ "sẽ được đi làm". Nhưng không, sau khi nhận được tiền, chúng cắt đứt liên hệ và biến mất khỏi nơi đã từng phỏng vấn” - anh H nói.

Do số tiền bị lừa không lớn nên nạn nhân thường không trình báo công an. Chính việc buông xuôi, chấp nhận mất tiền của nạn nhân mà bọn lừa đảo vẫn ngang nhiên hoạt động nhiều năm qua.

Nạn nhân H và N

Tương tự, chị TTN, ngụ Vĩnh Long, cũng cho biết do công việc ở quê không còn thuận lợi, chị lên TP.HCM kiếm việc. Chị lên mạng tìm được công việc bán hàng tại siêu thị với mức lương 15 triệu/tháng, làm việc 8 tiếng/ngày. Sau này chị mới vỡ lẽ công việc này do các đối tượng lừa đảo tạo ra.

Các đối tượng đã đăng nội dung tuyển dụng như chỉ cần có CCCD là có thể đi làm, có thể lựa chọn làm part time (làm việc một thời gian ngắn) hoặc full time (làm việc toàn thời gian), mức lương cao mức lương trên thị trường đối với công việc tương tự…

“Fanpage có lượng theo dõi vài chục ngàn người nên tôi không nghi ngại. Tôi đến phỏng vấn tại địa chỉ trên đường quốc lộ 1A, TP Thủ Đức mà họ yêu cầu. Nhiều người đến xin việc giống tôi. Bọn lừa đảo chỉ xem qua CCCD, sau đó kêu chúng tôi nộp tiền đồng phục và tiền thế chân chỗ làm, mỗi người hơn 700.000 đồng. Chúng kêu về chuẩn bị hồ sơ, ba ngày sau họ gọi đi làm. Thế nhưng, bốn ngày trôi qua, chẳng thấy họ gọi, tôi quay lại nơi đó thì đã không còn thấy bóng dáng ai” - chị N nói.

Cũng theo anh H và chị N, do số tiền bị lừa không lớn nên nạn nhân thường không trình báo công an. Chính việc chấp nhận mất tiền của nạn nhân mà bọn lừa đảo vẫn ngang nhiên hoạt động nhiều năm qua.

IMG_2387.jpeg
Các trung tâm giới thiệu việc làm uy tín tại TP.HCM hoàn toàn miễn phí. Trong ảnh là Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên, thuộc Thành đoàn TP.HCM. Ảnh: HUỲNH THƠ

Dấu hiệu nhận biết lừa đảo

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Sang, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên TP.HCM, cho biết lâu nay các đối tượng lừa đảo tuyển dụng đều dùng một chiêu lừa, chỉ thay đổi hình thức từ giới thiệu công việc này sang giới thiệu công việc khác. Trong khi đó, các nạn nhân bị lừa lại không quan tâm nhiều đến các thông tin đã được cảnh báo, dù thông tin đã được đăng tải khá nhiều trên các phương tiện truyền thông.

Đối tượng mà các “cò” lao động, lừa đảo tuyển dụng nhắm đến là các bạn ở nông thôn lên TP.HCM kiếm việc do họ thiếu thông tin. Nạn nhân còn có các bạn trẻ muốn kiếm việc nhẹ lương cao, thích làm những công việc dễ dàng.

Ông Sang cũng cho biết thêm, hiện nay các công ty, doanh nghiệp có uy tín thường dễ bị mạo danh để đăng thông tin tuyển dụng. Không khó để nhận biết dấu hiệu lừa đảo từ những thông tin này bởi mức thu nhập bạn nhận được phải luôn tương xứng với sức lao động bạn bỏ ra; đằng sau những thông tin việc nhẹ lương cao chính là những cái bẫy đang chờ con mồi sụp bẫy.

“Thông thường, các doanh nghiệp, công ty tại TP.HCM sẽ yêu cầu người lao động nộp một bộ hồ sơ cá nhân; nếu không có thì doanh nghiệp, công ty sẽ không nhận; nếu nhận thì cũng sẽ yêu cầu bổ sung sau. Riêng bọn lừa đảo chỉ yêu cầu photo CMND, CCCD hay thẻ căn cước là đủ. Chúng cũng chỉ đưa ra thông tin kiếm người cho những công việc đơn giản như bán hàng, thủ kho... mà không hề tư vấn tính chất và đòi hỏi chuyên môn của công việc" - ông Sang nói về những dấu hiệu lừa đảo để người lao động nhận biết .

Thủ đoạn ngày càng tinh vi

Hiện các đối tượng còn có chiêu yêu cầu giữ giấy tờ tùy thân gốc của người lao động, khi nào đưa tiền thì mới được lấy lại giấy tờ. Một số trường hợp, các đối tượng nhận công việc từ một công ty thật; sau đó tìm nạn nhân thực hiện công việc đó, lấy sản phẩm của nạn nhân giao cho công ty; đối tượng nhận được tiền từ công ty nhưng lại không trả nhân công và chiếm đoạt số tiền đó.

Khi trao đổi công việc, người lao động cần đến trụ sở công ty; không trao đổi, gặp nhau ở quán cà phê hay chỉ gọi, nhắn tin qua mạng. Cần hết sức cẩn thận, tìm hiểu trước những thông tin tuyển dụng; đặc biệt là những công việc mà người tuyển dụng có yêu cầu đóng phí thế chân, mua sản phẩm, đồng phục...

Ông NGUYỄN VĂN SANG, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm