Tai hại vì thuốc hại tai

Hiện thị trường có bán rất nhiều thuốc nhỏ tai chứa kháng sinh dòng aminoside (như polidexa, néodexa…) là thuốc chỉ được dùng trong trường hợp viêm ống tai ngoài và màng nhĩ kín. Nếu dùng khi màng nhĩ bị thủng, thuốc sẽ qua lỗ thủng vào tai giữa tác động trực tiếp tới các tế bào thính giác ở tai trong.

Tai hại vì thuốc hại tai ảnh 1
Khi có các bệnh về tai, nên sớm đến bác sĩ để được chỉ định điều trị đúng. Ảnh: Lê Kiên


Thuốc nào hại tai?

Thuốc là con dao hai lưỡi, bên cạnh tác dụng chữa bệnh còn có những tác dụng phụ, tác dụng không mong muốn. Các nhà khoa học đã chứng minh có những loại thuốc rất độc với tế bào thính giác như kháng sinh họ aminoglycosides (gentamicine, néomycine, amikacine…) Nhiễm độc dòng kháng sinh này không chỉ gặp khi dùng thuốc đường toàn thân (tiêm, truyền) mà còn có thể xảy ra khi dùng thuốc tại chỗ (nhỏ vào tai khi màng nhĩ thủng). Một số thuốc nhỏ tai có chứa loại kháng sinh này. Một số thuốc lợi tiểu như furosémide, acide étacrynique…; thuốc điều trị ung thư dòng cisplatine; các dẫn xuất của quinine, acide acétylsalicylique… cũng có nguy cơ tương tự.

Khi ngấm vào tai trong, các thuốc trên sẽ phá huỷ tế bào nghe dẫn tới điếc, người ta còn gọi là hiện tượng nhiễm độc tai (ear poisoning). Mức độ tổn thương của tai trong phụ thuộc vào loại thuốc, liều lượng, thời gian sử dụng và phản ứng của từng cá thể với thuốc. Nguy cơ điếc do nhiễm độc thuốc có thể xuất hiện ngay khi bắt đầu sử dụng thuốc cho tới khi dừng quá trình điều trị 2 – 6 tuần. Khởi đầu bệnh nhân thường ù tai và cảm thấy chóng mặt, sau đó xuất hiện nghe kém. Một số trường hợp bệnh nhân xuất hiện nghe kém đồng thời với ù tai. Người bệnh thường than phiền có tiếng ù trong tai với âm cao như ve kêu, gió rít… Cảm giác chóng mặt đôi khi không xuất hiện hoặc chỉ chuếnh choáng, nhưng cũng có trường hợp chóng mặt quay dữ dội. Nghe kém cũng ở nhiều mức độ, đôi khi người bệnh chỉ thấy ù tai mà không cảm thấy nghe kém, cá biệt có trường hợp điếc trắng cả hai tai. Sự nhiễm độc này thường xảy ra ở cả hai tai một cách cân xứng, tuy nhiên trường hợp nhiễm độc do dùng thuốc nhỏ tai thì tổn thương sức nghe chỉ xảy ra ở bên có nhỏ thuốc. Thăm khám tai mũi họng thường không phát hiện tổn thương ở tai ngoài, màng nhĩ cũng như tai giữa. Chỉ khi đo thính lực đơn âm ta mới thấy ngưỡng nghe bị giảm, chủ yếu ở vùng tần số cao (8.000Hz), xu hướng cân xứng hai tai. Nghe kém do nhiễm độc thuốc nhỏ tai có thể xảy ra ngay sau khi dùng thuốc, nhưng một số trường hợp ù tai và nghe kém xuất hiện sau khi đã ngừng nhỏ thuốc vài tuần. Ở trẻ nhỏ, nhiễm độc tai trong do thuốc thường được phát hiện muộn. Nghe kém nhiều gây ảnh hưởng đến phát triển ngôn ngữ của trẻ.

Điều trị? Câu hỏi khó

Những tổn thương mà các thuốc độc với tai trong gây ra cho tế bào nghe khó có khả năng hồi phục. Cho đến nay việc điều trị điếc do nhiễm độc thuốc vẫn là câu hỏi khó với y học. Khi biểu hiện nhiễm độc thuốc với tai trong xuất hiện, người bệnh nên báo cho bác sĩ biết. Bác sĩ sẽ cân nhắc giữa lợi và hại để quyết định tiếp tục liệu trình điều trị hay dừng lại. Nhưng việc ngừng điều trị cũng không đảm bảo được quá trình nhiễm độc tai trong sẽ dừng lại hay vẫn tiếp diễn một thời gian nữa (có thể tới sáu tuần sau khi ngừng thuốc).

Hiện vẫn chưa có một loại thuốc nào thực sự có hiệu quả trong việc điều trị nhiễm độc tai do thuốc. Nếu nghe kém nhiều, ảnh hưởng tới giao tiếp thì nên dùng máy trợ thính. Máy trợ thính không chỉ hỗ trợ nghe mà còn giúp giảm ù tai. Một số trường hợp điếc nặng và sâu cả hai tai mà máy trợ thính không có tác dụng thì còn một giải pháp nữa là phẫu thuật cấy điện cực ốc tai. Nhưng phẫu thuật này có giá rất cao và sau phẫu thuật để hiểu được lời nói người bệnh phải theo những khoá huấn luyện đặc biệt, kéo dài hàng năm. Chính vì phương pháp điều trị này công phu, giá cao và kéo dài nên không phải người bệnh nào cũng có khả năng thực hiện.

Hiểu về các tác dụng có hại của thuốc, các hãng dược trên thế giới luôn cố gắng tìm ra những dẫn xuất hoặc những loại thuốc thay thế ít tác dụng phụ hơn. Trên thực tế điều trị, các bác sĩ cũng luôn cân nhắc giữa mặt lợi và hại của thuốc trên từng trường hợp cụ thể, nhưng đôi khi vẫn phải chấp nhận sử dụng vì sự an toàn tính mạng của người bệnh. Về phía người bệnh, khi có các bệnh về tai nên sớm đến bác sĩ để được chẩn đoán và chỉ định điều trị đúng đắn, thận trọng khi dùng thuốc, bỏ thói quen tuỳ tiện dùng thuốc mà không hỏi ý kiến thầy thuốc.

Theo PGS.TS.BS Lương Hồng Châu, Lê Hương (SGTT.VN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm