Có nhiều dịp đi ra nước ngoài để làm ăn, anh Nguyễn Đình Thi, một doanh nhân ở TP.HCM, cho hay sân bay quốc tế các nước thường rất rộng, khoảng cách di chuyển từ khu vực ga đến ra bên ngoài khá xa. Từ khu vực ga đến có nhiều luồng để đi ra, khách nhìn các bảng hướng dẫn phân luồng để đi bộ hoặc sử dụng băng chuyền ra khu vực đón phương tiện công cộng hoặc nơi có xe đưa đón.
“Bởi vậy nên ít khi thấy khách rời khu vực ga đến rồi băng qua đường để ra đón taxi hoặc vào nhà giữ xe như tại khu vực ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất” - anh Thi nhận xét.
Len lỏi trước mũi ô tô
Theo anh Thi, làn đường dành cho người đi bộ tại sân bay Tân Sơn Nhất có lăn vạch vôi và phương tiện ô tô di chuyển vào khu vực này khá chậm, đồng thời có nhân viên hàng không phân luồng. Tuy nhiên, khi có nhiều chuyến bay hạ cánh cùng lúc, khách xuống ga đông sẽ gây ùn tắc cục bộ. Dòng người buộc phải len lỏi di chuyển trước các mũi xe ô tô. Chưa kể do dòng người quá đông khiến dòng xe phải di chuyển khá chậm khi vào đón khách.
Chị Nguyễn Hoa, giám đốc một doanh nghiệp tại TP.HCM, cũng cho hay ít khi thấy khách từ nhà ga sân bay đi ra bên ngoài phải cắt mặt dòng ô tô di chuyển vào sân bay đón khách như một số sân bay ở Việt Nam. Riêng tại sân bay Tân Sơn Nhất, nơi tấp nập khách nhất cả nước, ga quốc nội dù có khá nhiều lối để ra nhà xe nhưng việc đi bộ kèm hành lý lỉnh kỉnh giữa dòng ô tô sẽ gây mất an toàn cho người đi bộ và gây ùn tắc cục bộ.
Dòng người từ ga quốc nội Tân Sơn Nhất vất vả di chuyển trước mũi ô tô để ra bên ngoài. Ảnh: AN NHIÊN
Nên làm đường trên cao
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, chuyên gia hàng không, cho rằng nhiều sân bay lớn trên thế giới thiết kế bài bản lối di chuyển an toàn để khách thuận tiện ra bên ngoài mà không ảnh hưởng đến dòng xe ô tô vào sân bay. Một số sân bay trên thế giới vẫn có lối dành cho người đi bộ cắt mặt đường của các phương tiện nhưng đó là những sân bay địa phương, ít khách. Còn sân bay có lưu lượng người vào ra tấp nập như Tân Sơn Nhất, dù đã bố trí người phân luồng và vạch vôi để hạn chế tốc độ của dòng xe vào đón khách nhưng nhìn trực quan vẫn thấy điểm nghẽn tại khu vực này.
Theo ông Tống, với lưu lượng khách đông như sân bay Tân Sơn Nhất cần có phương án kết nối khu vực ga quốc nội với nhà để xe thuận lợi hơn, ví dụ như làm cầu trên không.
Về vấn đề này, một chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, quản lý và khai thác cảng hàng không, sân bay thuộc Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) giải thích các chuyên gia hàng không đã nghiên cứu kỹ phương án khách rời ga có thể tiếp cận nhanh với các phương tiện công cộng và cá nhân để ra bên ngoài. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã chọn phương án như hiện tại.
“Các phương án đường hầm và đường trên không kết nối nhà ga để ra nhà xe cũng được bàn thảo nhiều lần. Tuy nhiên, do không gian tại sân bay Tân Sơn Nhất ra bên ngoài khá hẹp và không hiệu quả kinh tế nên ACV đã chọn lối ra như hiện hành. Trước mắt, đơn vị khai thác nhà ga bố trí lực lượng điều tiết giao thông để người và phương tiện di chuyển không bị ùn tắc, còn về lâu dài sẽ tính toán các phương án để giải tỏa điểm nghẽn này” - vị chuyên gia ACV nói.
Nhà để xe chưa kết nối nhà ga Trước đó, Bộ GTVT đã có kết luận thanh tra liên quan sai phạm tại dự án nhà để xe ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất. Kết luận thanh tra đã chỉ ra hàng loạt sai phạm như công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư có hạng mục hầm với giá trị khoảng 24 tỉ đồng là chưa khả thi, chưa phù hợp với các công trình hiện hữu tại đây. Dẫn đến thực tế hạng mục này không kết nối được với nhà ga hành khách Tân Sơn Nhất. Nay dự kiến sẽ thay đổi phương án kết nối từ hầm sang cầu vượt gây lãng phí cho dự án, tăng thời gian thu phí hoàn vốn dự án. |