Tài sản vợ chồng, nhiều điều cần biết

Sáng 29-1, Pháp Luật TP.HCM tổ chức buổi tư vấn trực tuyến về các quy định chế độ tài sản vợ chồng theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 (HNGĐ). Khách mời là ông Từ Dương Tuấn (Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp TP.HCM) và luật sư Trần Giáng Hương (Văn phòng luật sư Tam Đa).

Nhiều thắc mắc của bạn đọc đã được gửi đến... (xem chi tiết trên PLO).

Được cam kết tài sản riêng

Bạn đọc Thiên Hương (35 tuổi, kế toán, quận 12, TP.HCM) cho biết: “Đầu năm 2013 tôi kết hôn. Đến đầu năm 2014 tôi có mua một căn nhà bằng tiền tiết kiệm của tôi từ trước khi cưới. Về mặt thủ tục, căn nhà trên chỉ có mình tôi đứng tên. Vậy tôi phải có những giấy tờ gì để tôi được công nhận đây là tài sản riêng của tôi?”.

Ông Từ Dương Tuấn trả lời: Về mặt nguyên tắc, nếu căn nhà này được mua từ số tiền riêng của bạn có được trước khi kết hôn thì đây được xem là tài sản riêng của bạn theo quy định tại khoản 2 Điều 43 Luật HNGĐ. Tuy nhiên, nếu không có giấy tờ chứng minh về vấn đề này thì căn nhà được xác định là tài sản chung của vợ chồng (theo khoản 3 Điều 33 Luật HNGĐ). Để xác định là tài sản riêng, bạn và chồng bạn có thể lập văn bản xác nhận, cam kết nội dung này. Văn bản cam kết được công chứng hoặc chứng thực theo quy định.

 
Việc xác định tài sản chung/riêng của vợ chồng sẽ tùy thuộc vào thỏa thuận của vợ/chồng. Ảnh minh họa: HTD

̣ chồng cùng phải ký bán xe

Bạn đọc Vũ Vân Anh (kinh doanh xe máy) hỏi: “Khi bán xe máy SH, có phòng công chứng bắt buộc cả hai vợ chồng cùng ký tên bán vì đây là tài sản có giá trị lớn. Tuy nhiên, cũng có nơi chỉ yêu cầu người đứng tên ký là đủ. Như vậy trường hợp này pháp luật quy định thế nào?”.

“Tôi dự định mua lại ô tô để sử dụng trong gia đình hoặc cho thuê chở khách. Có phải theo quy định mới thì khi ký hợp đồng mua bán, bên bán chỉ cần người đứng tên đăng ký xe ký bán là được?” - bạn đọc Võ Công Chúng thắc mắc tiếp.

“Khoản 1 Điều 35 Luật HNGĐ quy định đối với tài sản thuộc sở hữu chung thì vợ chồng cùng phải thỏa thuận để định đoạt tài sản đó (như việc bán, tặng cho, thế chấp…). Nếu tài sản chung là động sản phải đăng ký quyền sở hữu thì việc định đoạt phải được thỏa thuận bằng văn bản do cả hai cùng ký” - ông Từ Dương Tuấn nêu.

Cũng theo ông Tuấn, vợ hoặc chồng được tự mình định đoạt tài sản khi đó là tài sản riêng (khoản 1 Điều 44 Luật HNGĐ) hoặc động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì người vợ hoặc chồng đang chiếm hữu được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó trong trường hợp BLDS có quy định bảo vệ người thứ ba ngay tình (nếu người thứ ba được xác định là thực hiện giao dịch ngay tình).

Vay tiền sửa nhà: Vợ chồng cùng trả

Bạn đọc Nguyễn Thị Thu Hằng (phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, TP.HCM) đặt câu hỏi: “Tôi cho người bạn vay tiền sửa nhà. Giấy mượn tiền chỉ có người vợ ký tên. Tôi có quyền đòi nợ cả hai vợ chồng không?”.

Luật sư Trần Giáng Hương viện dẫn theo Điều 37 Luật HNGĐ, vợ, chồng có nghĩa vụ chung về tài sản nếu nghĩa vụ thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình. Điều 13 Nghị định 126/2014 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật HNGĐ, có hiệu lực ngày 15-2 quy định việc sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận. Nếu một người thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì được coi là có sự đồng ý của bên kia. Trường hợp này, người bạn mượn tiền để sửa nhà ở chung cho cả gia đình nên bạn có quyền đòi cả hai.

Cùng khía cạnh này, ông Từ Dương Tuấn cho biết: Tài sản chung được dùng để thực hiện các nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng như nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm; nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình; nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định cha mẹ phải bồi thường…

Chỉ các nghĩa vụ riêng về tài sản mới được thanh toán từ tài sản riêng (nghĩa vụ mỗi bên có trước khi kết hôn; nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu chung; nghĩa vụ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật…). Nếu tài sản riêng không đủ để thực hiện nghĩa vụ thì sẽ lấy tài sản riêng của vợ hoặc chồng từ phần tài sản chung.

Đây cũng là phần ông Tuấn trả lời cho bạn đọc Hương Thy (TP.HCM) khi bạn hỏi: “Vợ chồng tôi tiền ai nấy xài. Nếu một người gây nợ thì có phải lấy tài sản của người kia giải quyết không?”.

Lợi tức từ tài sản riêng là tài sản chung

Bạn đọc Đào Thị Sâm (157/4 Nguyễn Kiệm, phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM) nêu một vấn đề khá mới: “Tôi được tặng cho một căn nhà. Tiền cho thuê căn nhà này có phải là tài sản riêng của tôi không? Nếu thế chấp vay vốn để làm ăn thì tiền thu được sau khi trả nợ có phải là tài sản riêng không?”.

Tài sản vợ chồng, nhiều điều cần biết ảnh 2
 
Ông Từ Dương Tuấn trả lời: Theo khoản 1 Điều 33 Luật HNGĐ năm 2014, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng (trong đó có tiền cho thuê) vẫn là tài sản chung (trừ trường hợp tài sản này được chia từ tài sản chung thì phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Phần tài sản còn lại không chia vẫn là tài sản chung). Đồng thời thu nhập do lao động, sản xuất kinh doanh được tạo ra trong thời kỳ hôn nhân cũng được xác định là tài sản chung. Do đó thu nhập có được từ việc vay để kinh doanh cũng được xác định là tài sản chung. Việc thế chấp tài sản chỉ là một biện pháp đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ vay tiền.

Chồng tự ý cho mượn tiền có được không?

Bạn đọc Phạm Thị Loan (quận 7, TP.HCM) thắc mắc: “Chồng tôi đứng tên tài khoản gửi tiền chung của vợ chồng. Vừa qua anh ấy chuyển tiền cho cô bạn mượn 42 triệu đồng mà không hỏi ý kiến tôi. Giao dịch này có hợp pháp không?”.

Tài sản vợ chồng, nhiều điều cần biết ảnh 3
 
Luật sư Trần Giáng Hương chia sẻ: Theo Điều 32 Luật HNGĐ, trong giao dịch với người thứ ba ngay tình, vợ, chồng là người đứng tên trên tài khoản ngân hàng được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó. Việc chồng bạn cho mượn tiền nhưng không thông qua bạn, nếu như đã có sự thỏa thuận về số tiền gửi trong ngân hàng là tài sản chung thì chồng bạn phải thông báo cho cô bạn biết. Nếu không, cô bạn được coi là người thứ ba ngay tình, như vậy giao dịch là hợp pháp. Điều 16 Nghị định 126 quy định: “Trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được áp dụng thì khi xác lập, thực hiện giao dịch vợ, chồng có nghĩa vụ cung cấp cho người thứ ba biết về những thông tin liên quan; nếu vi phạm nghĩa vụ này thì người thứ ba được coi là ngay tình và được bảo vệ".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm