Giao lưu trực tuyến: Quy định chế độ tài sản vợ chồng theo luật mới

Theo đó, bổ sung quy định về các nguyên tắc chung trong áp dụng chế độ tài sản của vợ, chồng, trong đó vợ, chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận. Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định khá cụ thể về thu nhập hợp pháp khác của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân. Đó là khoản tiền thưởng, tiền trúng thưởng xổ số, tiền trợ cấp (trừ khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng)… Tất cả vấn đề trên sẽ được các chuyên gia trả lời trong buổi giao lưu trực tuyến tại báo Pháp Luật TP.HCM.

Thời gian: Lúc 9 giờ sáng thứ Năm 29-1-2015.

Địa điểm: Tòa soạn báo Pháp Luật TP.HCM, 34 Hoàng Việt, phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM.

Khách mời: Ông Từ Dương Tuấn, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp Sở Tư pháp TP.HCM; luật sư Trần Giáng Hương, Văn phòng luật sư Tam Đa.

Ngay từ bây giờ bạn đọc có thể đặt câu hỏi vào ô phía dưới:

Danh sách khách mời

Ông Từ Dương Tuấn, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp Sở Tư pháp TP.HCM

Ông Từ Dương Tuấn, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp Sở Tư pháp TP.HCM

Luật sư Trần Giáng Hương, Văn phòng luật sư Tam Đa

Luật sư Trần Giáng Hương, Văn phòng luật sư Tam Đa

user
nguyen van duong, dungna116@yahoo.com
Bố mẹ tôi lấy nhau trong thòi kỳ chiến tranh và được cơ quan của 2 người đồng ý, sau hòa bình bố tôi ở lại miền Nam và lấy vợ và sinh con. Lúc bố tôi đi chị em tôi mới 5, 7 tuổi, kể từ đó bố tôi không cung cấp gì để nuôi dạy chúng tôi. Bây giờ chúng tôi muốn đòi các quyền lợi có liên quan và sau này chúng tôi có được quyền thừa kế không? Cảm ơn.
Ông Từ Dương Tuấn, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp Sở Tư pháp TP.HCM
Ông Từ Dương Tuấn, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp Sở Tư pháp TP.HCM
Theo quy định về thừa kế của Bộ Luật dân sự thì con sẽ được quyền hưởng thừa kế của cha hoặc mẹ mà không phân biệt con trong hay ngoài giá thú. Tuy nhiên bạn chỉ có thể được hưởng thừa kế của cha nếu cha bạn không lập di chúc định đoạt tài sản cho người khác. Trong trường hợp đó (không có di chúc hợp pháp), bạn được xác định là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất và sẽ được chia một phần trong khối di sản do cha bạn chết để lại.
user
Hoa Tulip
Tôi được hưởng ½ căn nhà của cha, mẹ để lại và đưa tiền cho anh tôi để lấy luôn ½ căn nhà phần còn lại. Nay tôi làm giấy tờ nhà đứng tên tôi thì cán bộ ủy ban buộc tôi phải đưa tên chồng tôi vô mới chịu nhận hồ sơ. Nếu không thì phải có ý kiến của chồng tôi (bằng văn bản) xác định đây là tài sản riêng của tôi họ mới chịu cho tôi đứng tên một mình. Sao kỳ vậy, của tôi được thừa kế riêng mà?
Luật sư Trần Giáng Hương, Văn phòng luật sư Tam Đa
Luật sư Trần Giáng Hương, Văn phòng luật sư Tam Đa
Trong trường hợp này, bạn chỉ được hưởng thừa kế hưởng ½ căn nhà, phần còn lại là thuộc về quyền thừa kế của anh trai bạn. Như vậy khi bạn bỏ tiền ra để mua ½ căn nhà còn lại của anh trai bạn, thì đây là tài sản được mua trong thời kỳ hôn nhân, nên ½ căn nhà mà bạn mua lại đó đương nhiên được coi là tài sản chung của vợ chồng, vì vậy việc anh cán bộ yêu cầu phải đưa tên của chồng bạn vào trong hồ sơ hoặc phải có văn bản xác nhận đây là tài sản riêng của bạn thì mới nhận hồ sơ là đúng pháp luật, bởi căn cứ theo Điều 33 Luật Hôn nhân & gia đình thì quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi đăng ký kết hôn là tài sản chung của vợ chồng.
user
Nguyễn Thị Thu Hằng, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, TP.HCM
Vừa qua, tôi có cho người bạn vay tiền để sửa nhà và bạn tôi có giao giấy hồng (do vợ chồng bạn đứng tên) cho tôi giữ làm tin. Giấy mượn tiền chỉ có bạn tôi (người vợ) ký tên. Nếu xảy ra chuyện gì tôi có quyền đòi nợ cả hai vợ chồng họ không?
Luật sư Trần Giáng Hương, Văn phòng luật sư Tam Đa
Luật sư Trần Giáng Hương, Văn phòng luật sư Tam Đa
Trường hợp này, người bạn mượn tiền để sửa nhà ở chung cho cả gia đình người bạn, nên nếu sau này người bạn của bạn không trả nợ thì bạn có quyền khởi kiện để đòi nợ cả hai vợ chồng người bạn đó, bởi căn cứ theo Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình thì vợ, chồng có nghĩa vụ chung về tài sản trong trường hợp nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình. Điều 13 nghị định 126/NĐCP/2014 qui định “Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận. Trong trường hợp vợ hoặc chồng xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì được coi là có sự đồng ý của bên kia”.
user
Phạm Thị Loan, quận 7, TP.HCM
Chồng tôi đứng tên tài khoản gửi tiền chung của vợ chồng ở một ngân hàng. Vừa qua anh ấy chuyển tiền cho cô bạn mượn 42 triệu đồng mà không hỏi ý kiến tôi. Giao dịch này có được coi là hợp pháp hay không vì tiền chung của vợ chồng mà anh ấy chuyển khoản khoản không có ý kiến của tôi?
Luật sư Trần Giáng Hương, Văn phòng luật sư Tam Đa
Luật sư Trần Giáng Hương, Văn phòng luật sư Tam Đa

Căn cứ vào Điều 32 Luật Hôn nhân & Gia đình năm 2014 thì trong giao dịch với người thứ 3 ngay tình thì vợ, chồng là người đứng tên trên tài khoản ngân hàng được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó. Trong trường hợp này, chồng bạn cho cô bạn mượn số tiền là 42 triệu, nhưng không thông qua ý kiến của bạn, nếu như hai vợ chồng bạn đã có sự thỏa thuận về số tiền gửi trong ngân hàng là tài sản chung của vợ chồng thì chồng bạn phải có nghĩa vụ thông báo cho cô bạn biết. Còn nếu chồng bạn không thông báo về việc này, thì cô bạn được coi là người thứ ba ngay tình, và như vậy giao dịch được coi là hợp pháp. Điều 16 Nghị định 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 qui định “Trường hợp chế độ của vợ chồng theo thỏa thuận được áp dụng thì khi xác lập, thực hiện giao dịch vợ, chồng có nghĩa vụ cung cấp cho người thứ ba biết về những thông tin liên quan; nếu vợ chồng vi phạm nghĩa vụ này thì người thứ ba được coi là ngay tình và được bảo vệ quyền lợi theo qui định của Bộ luật dân sự.

user
Ngọc Minh, nội trợ 46 tuổi ở TPHCM
Chuyển câu hỏi luật sư Trần Giáng Hương 1. Tôi có căn nhà muốn cho con gái trước khi xây dựng gia đình. Nếu sau này cháu lấy chồng tài sản này có tính là tài sản chung của vợ chồng cháu không? Làm thế nào để căn nhà này là tài sản riêng của con gái tôi (kể cả trong quá trình hôn nhân)?
Luật sư Trần Giáng Hương, Văn phòng luật sư Tam Đa
Luật sư Trần Giáng Hương, Văn phòng luật sư Tam Đa

Căn cứ vào Điều 43 Luật hôn nhân & gia đình thì “tài sản riêng của vợ ,chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn”. Như vậy, căn nhà này bạn đã cho con gái của bạn trước khi cháu kết hôn, thì đương nhiên đã là tài sản riêng của con gái bạn. Nếu sau này con gái bạn lập gia đình riêng thì tài sản này vẫn là tài sản riêng của cháu, trừ khi cháu đồng ý nhập căn nhà đó vào tài sản chung của vợ chồng.

2. Tôi có mua căn nhà trước  khi lấy chồng và được Ủy ban cấp “giấy hồng” đứng tên tôi. Nay tôi lấy chồng và sắp tới vợ chồng tôi định xây lại căn nhà này. Vậy sau khi xây nhà xong xin khi cấp đổi “giấy hồng” mới thì luật có buộc tôi phải ghi tên chồng vô hay không?

Trả lời: Căn cứ vào Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn. Căn nhà này do bạn đã mua trước khi đăng ký kết hôn và trên giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở chỉ đứng một mình tên bạn, thì đây là tài sản riêng của bạn. Căn cứ theo Khoản 2 Điều 43 Luật HN&GĐ thì tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Vì vậy, nếu sau khi bạn đăng ký kết hôn, vợ chồng bạn xây dựng lại căn nhà này và xin cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở mới thì không bắt buộc phải ghi tên chồng bạn trên giấy CNQSHNO.

Giao lưu trực tuyến: Quy định chế độ tài sản vợ chồng theo luật mới ảnh 13
 Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến Quy định chế độ tài sản vợ chồng theo luật mới. Ảnh: Huyền Vi

user
Võ Công Chúng, 50 tuổi
Tôi dự định mua lại một chiếc xe ô tô của người bạn để sử dụng trong gia đình hoặc cho thuê chở khách. Tôi nghe nói theo quy định mới thì khi ký hợp đồng mua bán xe bên bán chỉ cần người đứng tên đăng ký xe ký là đủ không bắt buộc phải có vợ cùng ký tên có đúng không. Nếu sau này tôi muốn bán lại xe này thì vợ tôi có phải ký không.
Ông Từ Dương Tuấn, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp Sở Tư pháp TP.HCM
Ông Từ Dương Tuấn, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp Sở Tư pháp TP.HCM
Về nội dung này bạn có thể tham khảo câu trả lời đối với câu hỏi có nội dung tương tự trong chuyên mục này.
user
Lê Hoàng Yến Thư, 30 tuổi, Hòa Định, Chợ Gạo, TG, NN: CNV
Tôi và chồng tôi cưới nhau năm 2008, đến 2011 có bé đầu mới đăng ký kết hôn, đến nay có 02 mặt con nhưng hiện tại mẹ con tôi không có chung hộ khẩu với chồng tôi, sau này nếu ly hôn tôi có được chia tài sản không? Tất cả tài sản đều có được sau khi kết hôn (sau khi cưới nhau).
Luật sư Trần Giáng Hương, Văn phòng luật sư Tam Đa
Luật sư Trần Giáng Hương, Văn phòng luật sư Tam Đa

Trả lời:

Trường hợp này của bạn thì việc phân chia tài sản khi ly hôn không phụ thuộc vào việc chung hộ khẩu hay không chung hộ khẩu với chồng bạn. Việc xác định tài sản chung riêng của vợ chồng sẽ được phân chia theo qui định của pháp luật.


user
Tuấn, Hà Nội
Hai vợ chồng tôi kết hôn được hơn 20 năm, tài sản chung hiện có gồm bất động sản (đứng tên vợ, chồng), tiền mặt và một doanh nghiệp tư nhân đăng ký hoạt động từ đầu những năm 2000 đến nay do tôi đứng tên làm chủ. Hiện nay tôi muốn lập văn bản chia (một phần) tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân theo đó xác định doanh nghiệp tư nhân thuộc tài sản riêng của tôi và mọi tài sản, lợi nhuận, nghĩa vụ tài chính phát sinh từ hoạt động kinh doanh hoàn toàn là tài sản cá nhân và trách nhiệm thực hiện của riêng tôi. Quý vị khách mời có thể cho tôi biết văn bản chia một phần tài sản chung vợ chồng như vậy có hợp pháp không, có được công chứng hoặc tòa án công nhận hay không? Tài sản, lợi nhuận phát sinh từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân sau thời điểm chia có là tài sản riêng của tôi, cũng như tôi chỉ phải chịu trách nhiệm với các các nghĩa vụ tài chính phát sinh từ hoạt động kinh doanh bằng tài sản riêng của tôi? Tài sản chung của vợ chồng (chưa chia) có được dùng để thực hiện các nghĩa vụ từ hoạt động kinh doanh của DNTN của tôi hay không? Văn bản chia tài sản cần thể hiện nội dung gì để mọi tài sản, nghĩa vụ phát sinh (sau thời điểm chia) đều thuộc phạm vi tài sản riêng và trách nhiệm của riêng tôi.
Ông Từ Dương Tuấn, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp Sở Tư pháp TP.HCM
Ông Từ Dương Tuấn, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp Sở Tư pháp TP.HCM

Theo quy định điều 38 Luật HNGĐ 2014 thì trong thời kỳ hôn nhân vợ chồng bạn có quyền thỏa thuận phân chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung (trừ trường hợp việc phân chia bị cấm theo điều 42 Luật HNGĐ 2014).

Sau khi phân chia tài sản thì phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng được chia từ mỗi bên sẽ được xác định là tài sản riêng của vợ hoặc chồng. Văn bản phân chia tài sản riêng này có thể được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng bạn. Bạn có thể liên hệ trực tiếp với các tổ chức hành nghề công chứng để được hướng dẫn cụ thể hơn về nội dung về văn bản.

Những nghĩa vụ riêng về tài sản của bạn sẽ được thanh toán từ tài sản riêng của bạn bao gồm:

1. Nghĩa vụ của mỗi bên vợ, chồng có trước khi kết hôn;

2. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp nghĩa vụ phát sinh trong việc bảo quản, duy trì, tu sửa tài sản riêng của vợ, chồng theo quy định tại khoản 4 Điều 44 hoặc quy định tại khoản 4 Điều 37 của Luật này;

3. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình;

4. Nghĩa vụ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật của vợ, chồng.

Trong trường hợp tài sản riêng không đủ để thực hiện nghĩa vụ thì sẽ lấy từ phần tài sản của bạn trong khối tài sản chung vợ chồng để trả nợ.

Giao lưu trực tuyến: Quy định chế độ tài sản vợ chồng theo luật mới ảnh 20
 Ông Từ Dương Tuấn, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp Sở Tư pháp TP.HCM. Ảnh: Huyền Vi

user
Thùy Dương, Nhân viên văn phòng
Vợ chồng tôi đứng tên đồng sở hữu một căn nhà, tuy nhiên sau đó chúng tôi bán nhà dành tiền mua một mảnh đất ở tỉnh khác nhưng do thủ tục làm mất thời gian khi đó tôi lại đang mang thai nên tôi để chồng đứng tên mảnh đất này. Vậy xin hỏi mảnh đất này có được xem là tài sản chung hay không?
Ông Từ Dương Tuấn, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp Sở Tư pháp TP.HCM
Ông Từ Dương Tuấn, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp Sở Tư pháp TP.HCM

Theo quy định tại điều 33 Luật HNGĐ 2014 thì tài sản được vợ hoặc chồng tạo dựng trong thời kỳ hôn nhân được xác định là tài sản chung của vợ chồng. Việc một người đứng tên trên giấy chứng quyền sở hữu tài sản không đồng nghĩa với việc tài sản này là tài sản riêng. Hơn nữa theo thông tin mà bạn cung cấp mảnh đất này được nhận chuyển nhượng từ số tiền chung của vợ chồng nên cho dù có đứng tên một người vẫn được là tài sản chung của vợ chồng.

Nếu bạn muốn đứng tên cùng chồng trong giấy này bạn có quyền yêu cầu cơ quan có thâm quyền cấp đổi giấy để ghi tên của cả vợ và chồng theo quy định tại khoản 2 điều 12 Nghị định 126/2014/NĐCP.

user
Quang Hùng , kỹ sư
vợ chồng tôi ly hôn. vậy căn nhà chung không chia mà cả 2 lập thoả thuận tặng cho các con căn nhà này được không?
Luật sư Trần Giáng Hương, Văn phòng luật sư Tam Đa
Luật sư Trần Giáng Hương, Văn phòng luật sư Tam Đa

Trả lời:

Căn nhà thuộc quyền sở hữu chung của hai bạn và là tài sản chung chưa phân chia. Vì vậy, hai bạn có toàn quyền định đoạt đối với tài sản này. Hai bạn có thể lập hợp đồng tặng cho tài sản là căn nhà này cho các con của hai bạn. Hợp đồng tặng cho tài sản phải được lập thành văn bản và công chứng theo qui định của pháp luật.


user
Thiên Hương, 35 tuổi, Quận 12, Kế toán
Đầu năm 2013 tôi kết hôn. Đến đầu năm 2014 tôi có mua một căn nhà bằng tiền tiết kiệm của tôi từ trước khi cưới. Về mặc thủ tục căn nhà trên chỉ có mình tôi đứng tên. Vậy tôi phải có những giấy tờ gì để tôi được công nhận đây là tài sản riêng của tôi?
Ông Từ Dương Tuấn, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp Sở Tư pháp TP.HCM
Ông Từ Dương Tuấn, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp Sở Tư pháp TP.HCM
Về mặt nguyên tắc, nếu căn nhà này được mua từ số tiền riêng của bạn có được trước khi kết hôn thì đây được xem là tài sản riêng của bạn theo quy định tại khoản 2 điều 43 Luật HNGĐ 2014. Tuy nhiên, nếu không có giấy tờ chứng minh về vấn đề này thì căn nhà được xác định là tài sản chung của vợ chồng (theo khoản 3 điều 33 Luật HNGĐ 2014). Để chứng minh, chồng bạn có thể lập văn bản xác nhận, cam kết nội dung này. Văn bản cam kết được công chứng hoặc chứng thực theo quy định.
user
Phạm thị lệ quyên , quận 8, TP.HCM
Khi cưới chồng tôi có cho một số nữ trang bông, vòng đeo cổ, nhẫn, 2 dây chuyền ... vàng này có phải là của riêng tôi hya vẫn là tài sản chung của vợp chồng
Luật sư Trần Giáng Hương, Văn phòng luật sư Tam Đa
Luật sư Trần Giáng Hương, Văn phòng luật sư Tam Đa

Trả lời:

Căn cứ theo Điều 43 Luật Hôn nhân gia đình 2014 thì tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân. Như vậy trong trường hợp này số nữ trang mà chồng bạn tặng riêng cho bạn là thuộc tài sản riêng của bạn.

Giao lưu trực tuyến: Quy định chế độ tài sản vợ chồng theo luật mới ảnh 29
 Luật sư Trần Giáng Hương, Văn phòng luật sư Tam Đa. Ảnh: Huyền Vi

user
Đào Thị Sâm, tuổi 55, nghề nghiệp cán bộ hưu trí, địa chỉ 157/4 Nguyễn Kiệm Phường 03, Gò Vấp
tôi có một căn nhà do được cha mẹ tặng cho riêng, tôi xin hỏi tiền cho thuê nhà từ căn nhà được tặng cho này có phải là tài sản riêng của tôi hay ko, hoặc tôi đi thế chấp vay vốn ngân hàng để làm ăn thì tiền thu được sau khi trả nợ ngân hàng có phải là tài sản riêng của tôi hay ko
Ông Từ Dương Tuấn, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp Sở Tư pháp TP.HCM
Ông Từ Dương Tuấn, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp Sở Tư pháp TP.HCM

Theo quy định tại khoản 1 điều 33 Luật HNGĐ 2014 thì hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng (trong đó có tiền cho thuê tài sản) vẫn được xác định là tài sản chung của vợ chồng (trừ trường hợp tài sản này được chia từ tài sản chung của vợ chồng - theo quy định tại khoản 1 điều 40 của Luật HNGĐ 2014). Đồng thời thu nhập do lao động, sản xuất kinh doanh được tạo ra trong thời kỳ hôn nhân cũng được xác định là tài sản chung của vợ chồng. Do đó, thu nhập của bạn có được từ việc vay tiền ngân hàng để kinh doanh cũng được xác định là tài sản chung của vợ chồng. Việc bạn thế chấp tài sản chỉ là một biện pháp đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ vay tiền.

Giao lưu trực tuyến: Quy định chế độ tài sản vợ chồng theo luật mới ảnh 32
 Ông Từ Dương Tuấn, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp Sở Tư pháp TP.HCM. Ảnh: Huyền Vi

user
Lyy2011@yahoo.com
Trước đây, tôi để chồng tôi đứng tên nhà một mình. Vậy khi bán nhà thì chồng tôi có buộc phải hỏi ý kiến tôi hay không?
Luật sư Trần Giáng Hương, Văn phòng luật sư Tam Đa
Luật sư Trần Giáng Hương, Văn phòng luật sư Tam Đa

Trả lời:

Trong trường hợp này, nếu căn nhà được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân mà không thuộc tài sản riêng của chồng bạn thì mặc dù chồng của bạn đứng tên một mình trên giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, thì tài sản này thuộc tài sản chung của vợ chồng bạn đã được qui định tại điều 33 của Luật Hôn nhân gia đình 2014. Như vậy khi chồng bạn muốn bán căn nhà này thì phải được sự đồng ý của bạn thì mới tiến hành mua bán chuyển nhượng được.

Giao lưu trực tuyến: Quy định chế độ tài sản vợ chồng theo luật mới ảnh 35
 Luật sư Trần Giáng Hương, Văn phòng luật sư Tam Đa. Ảnh: Huyền Vi

user
Phạm Ngọc, 24, Hà Nội, nhân viên
Theo quy định tại Điều 28 Luật HNGĐ 2014 thì vợ chồng có quyền lựa chọn việc áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận. Đồng thời cũng quy định việc ký kết thỏa thuận này phải được thực hiện trước khi đăng ký kết hôn và phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định. Nếu như khi đăng ký kết hôn không làm việc ký kết thỏa thuận nêu trên thì hậu quả pháp lý sẽ giải quyết như thế nào nếu sau này xảy ra tranh chấp?
Ông Từ Dương Tuấn, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp Sở Tư pháp TP.HCM
Ông Từ Dương Tuấn, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp Sở Tư pháp TP.HCM

Theo quy định tại điều 7 của Nghị định 126/2014/NĐCP thì trong trường hợp vợ chồng không lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì chế độ tài sản của vợ chồng sẽ được áp dụng theo luật định. Nếu có tranh chấp giữa vợ và chồng về tài sản chung riêng thì các quy định của Luật HNGĐ 2014 về chế độ tài sản vợ chồng theo luật định sẽ được áp dụng để giải quyết.


user
Nguyên Thien Huong, 58. Phú Nhuận. Tp. HCM
Trước khi con gái tôi lấy chồng, tôi đã mua cho cháu một căn hộ chung cư riêng, hơi nhỏ. Nay, cháu đã lập gia đình và có con. Tôi muốn đổi căn nhà khác lớn hơn, nhưng vẫn đứng tên cháu. Vậy, tài sản này có được gọi là riêng của con gái tôi không, hay có cả phần con rể nữa? Nếu tôi muốn tài sản đó là của riêng con gái tôi có được không? Vì tôi mua, đổi căn nhà rộng hơn, cũng bắt nguồn từ tài sản ban đầu là căn nhà này? Vậy làm cách nào để con gái tôi là sở hữu duy nhất? Cám ơn các LS.
Ông Từ Dương Tuấn, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp Sở Tư pháp TP.HCM
Ông Từ Dương Tuấn, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp Sở Tư pháp TP.HCM
Đối với câu hỏi này bạn có thể tham khảo câu trả lời đối với trường hợp tương tự trong chuyên mục trước đó.

 

Giao lưu trực tuyến: Quy định chế độ tài sản vợ chồng theo luật mới ảnh 40
 Ông Từ Dương Tuấn, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp Sở Tư pháp TP.HCM. Ảnh: Huyền Vi

user
Hương Thy, 45, TPHCM
Hai vợ chồng tôi đều là dân làm ăn buôn bán và cũng khá thành công. Chúng tôi hoàn toàn tiền ai nấy xài. Hiện giờ thì không sao, tuy nhiên tôi có sự lo ngại nếu tài sản không rõ ràng chung riêng như hiện nay, nếu chẳng may xảy ra nợ nần đối với một người thì có phải lấy tài sản của người kia giải quyết không? Hiện chúng tôi phải làm thế nào để phân định tài sản riêng theo luật mới. Tài sản chúng tôi đã tạo lập trước đây thì phải làm thế nào để phân chung riêng theo quy định mới?
Ông Từ Dương Tuấn, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp Sở Tư pháp TP.HCM
Ông Từ Dương Tuấn, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp Sở Tư pháp TP.HCM

Theo quy định tại điều 33 Luật HNGĐ 2014 thì tài sản do vợ hoặc chồng tạo dựng trong thời kỳ hôn nhân được xác định là tài sản chung của vợ chồng. Tài sản chung của vợ chồng sẽ được dùng để thực hiện các nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng như:

1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;

5. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;

6. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.

Chỉ các nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ hoặc chồng mới được thanh toán từ tài sản riêng của người đó. Đó là các nghĩa vụ như:

 

1. Nghĩa vụ của mỗi bên vợ, chồng có trước khi kết hôn;

2. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp nghĩa vụ phát sinh trong việc bảo quản, duy trì, tu sửa tài sản riêng của vợ, chồng theo quy định tại khoản 4 Điều 44 hoặc quy định tại khoản 4 Điều 37 của Luật này;

3. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình;

4. Nghĩa vụ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật của vợ, chồng.

Nếu tài sản riêng không đủ để thực hiện nghĩa vụ thì sẽ được lấy từ phần tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung.

___________________________________________________

Nếu bạn muốn xác định rõ ràng tài sản chung riêng trong thời kỳ hôn nhân bạn và chồng có thể thỏa thuận phân chia tài sản chung vợ chồng theo điều 38 Luật HNGĐ 2014. Văn bản này có thể được công chứng theo quy định. Tuy nhiên cần lưu ý việc phân chia tài sản này sẽ bị vô hiệu nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

 

1. Ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình; quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;

2. Nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ sau đây:

a) Nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng;

b) Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại;

c) Nghĩa vụ thanh toán khi bị Tòa án tuyên bố phá sản;

d) Nghĩa vụ trả nợ cho cá nhân, tổ chức;

đ) Nghĩa vụ nộp thuế hoặc nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước;

e) Nghĩa vụ khác về tài sản theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Đồng thời thỏa thuận này không làm thay đổi quyền và nghĩa vụ về tài sản được xác lập trước đó giữa vợ, chồng với người thứ ba.

Giao lưu trực tuyến: Quy định chế độ tài sản vợ chồng theo luật mới ảnh 43
 Buổi giao lưu trực tuyến Quy định chế độ tài sản vợ chồng theo luật mới do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức đã thu hút rất nhiều câu hỏi của bạn đọc. Ảnh: Huyền Vi

user
Hoa , văn phòng
Vợ chồng tôi đã ly thân nhưng vẫn sống cùng trong căn nhà chung 9ba mẹ con tôi ở tầng dưới, anh ấy ở trên lầu). Giờ chúng tôi có thể thoa thuan chia làm 4 phần (vợ, chồng, 2 đứa con)được không? Tôi lấy 3 phần, còn 1 phần trả tiền cho chồng tôi để anh ấy dọn đi nơi khác (vì ảnh có bồ nhí) ảnh hưởng đến mẹ con tôi.
Luật sư Trần Giáng Hương, Văn phòng luật sư Tam Đa
Luật sư Trần Giáng Hương, Văn phòng luật sư Tam Đa

Trả lời:

Căn cứ theo Điều 38 Luật Hôn nhân gia đình 2014 thì trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung. Như vậy trong trường hợp này, bạn có thể thỏa thuận với chồng về việc phân chia tài sản này.

Giao lưu trực tuyến: Quy định chế độ tài sản vợ chồng theo luật mới ảnh 46
 Luật sư Trần Giáng Hương, Văn phòng luật sư Tam Đa. Ảnh: Huyền Vi

user
Thu hằng , TP.HCM
chồng tôi vừa hưởng một khoản tiền thừa kế riêng từ mẹ anh ấy. tôi có được chia 1/2 tiền này không
Luật sư Trần Giáng Hương, Văn phòng luật sư Tam Đa
Luật sư Trần Giáng Hương, Văn phòng luật sư Tam Đa

Trả lời

Căn cứ theo Điều 43 Luật Hôn nhân gia đình 2014 thì tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

Như vậy khoản tiền thừa kế riêng từ mẹ anh ấy thì bạn không  được chia số tiền này vì đây là tài sản riêng của chồng bạn.

user
Phạm Thị Tuyết, Bà Rịa-Vũng Tàu , buôn bán
1. Tôi ở nhà buôn bán lặt vặt và vợ chồng tôi vừa mua miếng đất cất nhà. Mọi chuyện mua đất, cất nhà do chồng tôi lo liệu. vậy khi cấp giấy chủ quyền nhà này tôi có được đứng tên không?

Luật sư Trần Giáng Hương, Văn phòng luật sư Tam Đa
Luật sư Trần Giáng Hương, Văn phòng luật sư Tam Đa

Trả lời:

Căn cứ theo điều 33 Luật Hôn nhân gia đình 2014 thì quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

Như vậy trong trường hợp này khi cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất ở thì phải ghi đầy đủ tên cả hai vợ chồng bạn. Điều 34 của Luật Hôn nhân gia đình 2014 qui định:

Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng phải ghi tên cả hai vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

user
Hải Ly, haily@yahoo.com
Tôi vừa mua nhà, tiền do cha mẹ cho. Đang trong thời gian làm thủ tục nhận nhà thì làm đám cưới. Tôi muốn giữ căn nhà này là tài sản riêng của mình. Xin hỏi, theo quy định mới tôi có được quyền không? tôi phải làm gì?
Ông Từ Dương Tuấn, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp Sở Tư pháp TP.HCM
Ông Từ Dương Tuấn, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp Sở Tư pháp TP.HCM

Theo nội dung mà bạn trình bày, số tiền mua nhà này do cha mẹ bạn cho, do đó theo quy định tại khoản 1 điều 43 Luật HNGĐ 2014 thì số tiền này được xem là tài sản riêng của bạn.  Đồng thời, theo quy định tại khoản 2 điều 43 của Luât HNGĐ 2014 thì tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ hoặc chồng được xác định là tài sản riêng. Do đó, căn nhà được mua từ số tiền này được xác định là tài sản riêng của bạn. Tuy nhiên, bạn cần phải có các căn cứ để chứng minh việc mình được bố mẹ tặng cho số tiền nêu trên và dùng để mua nhà. Nếu bạn không có đầy đủ căn cứ chứng minh thì tài sản này sẽ được xem là tài sản chung vợ chồng (khoản 3 điều 33 Luật HNGĐ 2014).

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể áp dụng chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận để xác định tài sản riêng đối với căn nhà này. Việc áp dụng chế độ được thực hiện thông qua thỏa thuận giữa bạn với vợ sắp cưới trước khi kết hôn và phải được công chứng, chứng thực theo quy định. Bạn có thể liên hệ các tổ chức hành nghề công chứng để được hướng dẫn cụ thể.

Giao lưu trực tuyến: Quy định chế độ tài sản vợ chồng theo luật mới ảnh 53
 Ông Từ Dương Tuấn, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp Sở Tư pháp TP.HCM đang trao đổi với khách mời khác tại buổi giao lưu trực tuyến. Ảnh: Huyền Vi

user
Hùng Văn, vnhung@yahoo.com
Trong thời gian chung sống (tôi đã có vợ và 1 con) tôi có một khoản tiền riêng, Hiện hai vợ chồng tôi gần như đã ly thân vì xích mích suốt. Như vậy, căn cứ theo như luật hon nhân gia đình mới ban hành tôi có thể tự mua nhà và đứng tên riêng một mình được không? Cám ơn cán bộ Sở và Luật sư
Luật sư Trần Giáng Hương, Văn phòng luật sư Tam Đa
Luật sư Trần Giáng Hương, Văn phòng luật sư Tam Đa

Trả lời:

Trường hợp của bạn do mới ly thân như vậy về mặt pháp luật hai bạn vẫn đang là vợ chồng hợp pháp. Nếu như bạn muốn mua nhà mà đứng tên riêng của bạn thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của vợ bạn xác nhận rằng đây là tài sản riêng của bạn hoặc bạn phải có giấy tờ chứng minh khoản tiền mà bạn có riêng này là do được nhận tặng cho riêng hoặc nhận thừa kế thì khi đó bạn mới có thể đứng tên riêng trên giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.

Giao lưu trực tuyến: Quy định chế độ tài sản vợ chồng theo luật mới ảnh 56
  Luật sư Trần Giáng Hương, Văn phòng luật sư Tam Đa. Ảnh: Huyền Vi

user
Trần Văn Cường , Hóc Môn, TP.HCm, xây dựng
Tôi có căn nhà do tôi mua nhưng đứng tên cả hai vợ chồng. Giờ tôi muốn cho hai đứa con (một chung, một riêng của tôi) nhưng vợ tôi không đồng ý. Tôi tự quyết định việc này được không (vì tôi bỏ tiền mua nhà)?
Ông Từ Dương Tuấn, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp Sở Tư pháp TP.HCM
Ông Từ Dương Tuấn, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp Sở Tư pháp TP.HCM

Theo điều 33 Luật HNGĐ 2014 thì tài sản do vợ hoặc chồng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân được xác định là tài sản chung của vợ và chồng không phân biệt công sức đóng góp nhiều hay ít của vợ, chồng (trừ trường hợp vợ chồng bạn trước khi kết hôn đã lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận). Do đó, mặc dù căn nhà do bạn bỏ tiền mua, nhưng đã đứng tên của cả hai vợ chồng thì đây chính là tài sản chung và khi tặng cho cần phải có sự đồng ý thỏa thuận của vợ hoặc chồng (điều 35 Luật HNGĐ 2014).

user
Nguyễn Thị Thùy Ngân, 20 tuổi, TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp, sinh viên
Thưa Luật sư! xin Luật sư cho biết theo Nghị định 126/2014 thì trong trường hợp vợ chồng đang chung sống với nhau hạnh phúc nhưng muốn phân chia tài sản thì có thể lập một văn bản tạm gọi là hợp đồng phân chia tài sản có được hay không? Và nếu có thì cách lặp văn bản có giống như hợp đồng thông dụng hay không?
Luật sư Trần Giáng Hương, Văn phòng luật sư Tam Đa
Luật sư Trần Giáng Hương, Văn phòng luật sư Tam Đa

Trả lời:

Căn cứ theo điều 38 Luật Hôn nhân Gia đình 2014, qui định trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, như vậy trường hợp của vợ chồng bạn có thể phân chia tài sản chung theo sự thỏa thuận của hai bên.

Việc thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.

Giao lưu trực tuyến: Quy định chế độ tài sản vợ chồng theo luật mới ảnh 61
  Luật sư Trần Giáng Hương, Văn phòng luật sư Tam Đa đang trả lời câu hỏi của bạn đọc. Ảnh: Huyền Vi

user
Nguyen thi mai huong, 96ngo thi thu minhp2tb
Vo chong song trong thoi ki hon nhan vo lam nhieu tien lo tat ca trong gia dinh con chong kg lam gi ca taii san vo lam chi tieu trong gia dinh roi tiet kiem de đanh lo cho con an hoc trong khi do chong kng lam duoc gi het thi khi li hon tai san do co goi la tai san chung hay kg
Ông Từ Dương Tuấn, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp Sở Tư pháp TP.HCM
Ông Từ Dương Tuấn, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp Sở Tư pháp TP.HCM

Theo quy định của Luật HNGĐ 2014 thì việc xác định tài sản chung/riêng của vợ chồng sẽ tùy thuộc vào thỏa thuận của vợ/chồng về việc lựa chọn chế độ tài sản theo luật định hay theo thỏa thuận.

Nếu lựa chọn chế độ tài sản theo luật định thì những tài sản được tạo dựng trong thời kỳ hôn nhân sẽ được xác định là tài sản chung của vợ/chồng (điều 33 Luật HNGĐ 2014), mà không phân biệt công sức đóng góp của vợ chồng để tạo dựng tài sản. Do đó nếu ly hôn thì những tài sản này sẽ được chia theo chế độ tài sản chung. 

Nếu lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận mà trong đó  vợ và chồng thỏa thuận không có tài sản chung, mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn và trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc sở hữu riêng của người có được tài sản đó thì khi li hôn những tài sản này sẽ được chia theo chế độ tài sản riêng.

Còn nếu trong chế độ tài sản theo thỏa thuận mà vợ chồng thỏa thuận chỉ có tài sản chung, không có tài sản riêng thì toàn bộ tài sản do vợ hoặc chồng tạo dựng trước hay trong thời kỳ hôn nhân đều là tài sản chung vợ chồng. .  Do đó nếu ly hôn thì những tài sản này sẽ được chia theo chế độ tài sản chung. 

user
Vũ Vân Anh, 40 tuổi, kinh doanh mua bán xe hai bánh
Khi bán xe máy SH có phòng công chứng bắt buộc cả hai vợ chồng cùng ký tên bán vì lý do đây là tài sản có giá trị lớn, nhưng cũng có phòng chỉ yêu cầu người đứng tên xe SH ký là đủ. Như vậy trường hợp nào phải cả hai vợ chồng cùng ký, trường hợp nào chỉ cần người đứng tên xe ký là đủ?
 
Ông Từ Dương Tuấn, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp Sở Tư pháp TP.HCM
Ông Từ Dương Tuấn, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp Sở Tư pháp TP.HCM

Trước đây, theo quy định tại Khoản 3 Điều 28 Luật HNGĐ 2000 thì việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung có giá trị lớn hoặc là nguồn sống duy nhất của gia đình, việc dùng tài sản chung để đầu tư kinh doanh phải được vợ chồng bàn bạc, thoả thuận. Theo hướng dẫn tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày ngày 03 tháng 10 năm 2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì tài sản chung có giá trị lớn của vợ chồng được xác định căn cứ vào phần giá trị của tài sản đó trong khối tài sản chung của vợ chồng. Trong trường hợp vợ hoặc chồng xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt các giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung có giá trị lớn mà không có sự đồng ý của một bên, thì bên đó có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu theo quy định tại Điều 139 của Bộ luật Dân sự và hậu quả pháp lý được giải quyết theo quy định tại Điều 146 của Bộ luật Dân sự.

Tuy nhiên hiện nay, Luật HNGĐ 2014 khi quy định về định đoạt tài sản chung không lấy tiêu chí tài sản chung có giá trị lớn làm cơ sở để phân biệt việc có cần sự thỏa thuận của vợ, chồng. Cụ thể, về mặt nguyên tắc, theo quy định tại Khoản 1 Điều 35 Luật HNGĐ 2014, đối với tài sản thuộc sở hữu chung thì vợ chồng cùng phải thỏa thuận để định đoạt tài sản đó (như việc bán, tặng cho, thế chấp…). Nếu tài sản chung là động sản mà theo quy định pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu thì việc định đoạt phải được thỏa thuận bằng văn bản (cả hai vợ chồng cùng phải ký).

Vợ hoặc chồng được tự mình định đoạt tài sản khi đó là tài sản riêng (Khoản 1 Điều 44 Luật HNGĐ 2014) hoặc động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì người vợ hoặc chồng đang chiếm hữu được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó trong trường hợp Bộ luật dân sự có quy định bảo vệ người thứ ba ngay tình (nếu người thứ ba được xác định là thực hiện giao dịch ngay tình).

Giao lưu trực tuyến: Quy định chế độ tài sản vợ chồng theo luật mới ảnh 66
 Ông Từ Dương Tuấn, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp Sở Tư pháp TP.HCM nhận được rất nhiều câu hỏi của bạn đọc. Ảnh: Huyền Vi

user
Nguyễn Duy Linh, Cần Thơ
Nghị định 126 của Chính phủ ngày 31-12-2014 (có hiệu lực ngày 15-2-2015) quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình. Nếu giao dịch nhà, đất sau ngày này có phải được hiểu là: - nếu chỉ có vợ hoặc chồng đứng tên  nhận chuyển nhượng thì nhà, đất thì đó là tài sản riêng của người đó. - nếu trên giấy chứng nhận chỉ ghi một tên vợ hoặc chồng thì khi chuyển nhượng cho người khác không cần có sự đồng ý của người kia có đúng không? 
Ông Từ Dương Tuấn, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp Sở Tư pháp TP.HCM
Ông Từ Dương Tuấn, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp Sở Tư pháp TP.HCM

 

Theo quy định của Luật HNGĐ 2014, dấu hiệu một bên vợ/chồng đứng ra nhận chuyển nhượng tài sản (nhà, đất) không phải là căn cứ để xác định tài sản chung riêng của vợ, chồng. Mà việc xác định tài sản chung- riêng của vợ chồng sẽ tùy thuộc vào việc vợ chồng lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận hay chế độ tài sản theo luật định.

Chẳng hạn, nếu vợ- chồng lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận mà trong đó thỏa thuận giữa vợ và chồng không có tài sản chung, mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn và trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc sở hữu riêng của người có được tài sản đó thì tài sản do một bên đứng tên nhận chuyển nhượng được xác định là tài sản riêng của người nhận chuyển nhượng (điểm c Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP).

Còn trong trường hợp vợ, chồng lựa chọn chế độ tài sản theo luật định thì theo quy định tại Điều 33 Luật HNGĐ 2014 thì trong thời kỳ hôn nhân, tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác được xác định là tài sản chung và được định đoạt theo chế độ tài sản chung. Chỉ trong trường hợp có căn cứ chứng minh tài sản đó được hình thành từ tài sản riêng của vợ hoặc chồng (như mua nhà bằng nguồn tiền được gia đình bên vợ/chồng tặng cho riêng hay do được thừa kế) thì tài sản đó mới được xác định là tài sản riêng.

Do đó, việc trên giấy chứng nhận chỉ ghi một tên vợ hoặc chồng thì không phải là cơ sở để xác định đó là tài sản riêng và cũng không có ý nghĩa khẳng định việc chuyển nhượng cho người khác không cần có sự đồng ý của người hôn phối. Mà cần phải có các căn cứ theo luật định để xác định đó có phải là tài sản riêng hay không. Cụ thể, theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 Luật HNGĐ về đại diện giữa vợ và chồng trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụngđối với tài sản chung nhưng chỉ ghi tên vợ hoặc chồng:

1. Việc đại diện giữa vợ và chồng trong việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản chung có giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản chỉ ghi tên vợ hoặc chồng được thực hiện theo quy định tại Điều 24 và Điều 25 của Luật này.

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng có tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản tự mình xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch với người thứ ba trái với quy định về đại diện giữa vợ và chồng của Luật này thì giao dịch đó vô hiệu, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật mà người thứ ba ngay tình được bảo vệ quyền lợi.

Đồng thời, Khoản 3 Điều 33 Luật HNGĐ 2014 quy định: “Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung”.

Giao lưu trực tuyến: Quy định chế độ tài sản vợ chồng theo luật mới ảnh 69
 Ông Hoàng Chương, Phó Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM (giữa) tặng hoa cho khách mời. Ảnh: Huyền Vi

user
Trịnh Thị Hồng Thơm, Tiền Giang
Hai vợ chồng cùng đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nay người chồng muốn tặng phần đất của mình lại cho con gái (đã thành niên), để con gái và vợ cùng đứng tên sử dụng quyền sử dụng đất này. Nếu vậy thì thủ tục ra sau? (Người chồng có cần phải lập thủ tục phân chia tài sản của vợ chồng trước, sau đó mới tặng cho con gái hay là tặng cho gái luôn mà không cần lập văn bản thỏa thuận tài sản giữa vợ và chồng)? 
Ông Từ Dương Tuấn, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp Sở Tư pháp TP.HCM
Ông Từ Dương Tuấn, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp Sở Tư pháp TP.HCM

Theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 33 Luật HNGĐ 2014, thì quyền sử dụng đất của vợ chồng bạn cùng đứng tên là tài sản chung và tài sản chung vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 35 Luật HNGĐ thì việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung phải do vợ chồng thỏa thuận. Do đó, về mặt nguyên tắc việc tặng cho phần quyền sử dụng đất của chồng trong khối tài sản chung vợ chồng phải được sự thỏa thuận của người vợ khi tặng cho. Tùy theo mục đích của việc tặng cho để người được tặng cho cùng sử dụng chung hay tách thửa riêng về quyền sử dụng mỗi người mà có cần thỏa thuận phân chia tài sản chung vợ chồng trước khi thực hiện tặng cho.

Về thủ tục, giấy tờ cần thiết sẽ theo quy định tại Điều 40 và Điều 41 Luật Công chứng năm 2014. Cụ thể, hồ sơ yêu cầu công chứng được lập thành một bộ, gồm các giấy tờ sau đây:

a) Phiếu yêu cầu công chứng, trong đó có thông tin về họ tên, địa chỉ người yêu cầu công chứng, nội dung cần công chứng, danh mục giấy tờ gửi kèm theo; tên tổ chức hành nghề công chứng, họ tên người tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, thời điểm tiếp nhận hồ sơ;

b) Dự thảo hợp đồng, giao dịch;

c) Bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng;

d) Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó;

đ) Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có.

Để biết thêm chi tiết, bạn có thể liên hệ với các tổ chức hành nghề công chứng để được hướng dẫn cụ thể.

Giao lưu trực tuyến: Quy định chế độ tài sản vợ chồng theo luật mới ảnh 72
 Ông Từ Dương Tuấn, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp Sở Tư pháp TP.HCM đang trả lời câu hỏi của bạn đọc. Ảnh: Huyền Vi

user
Tra My
2. Tháng 3-2015, chúng tôi làm đám cưới. Hiện tại, hai chúng tôi đều đi làm, đều có tài sản riêng nên chúng tôi muốn đăng ký tài sản đó là tài sản riêng của mỗi người không nhập chung lại và của ai người nấy hưởng. Đồng thời, chúng tôi cũng muốn thỏa thuận, toàn bộ tiền chúng tôi (bất kể vợ hay chồng) làm ra sau đám cưới đều thuộc tài sản chung của vợ chồng thì pháp luật có công nhận không? Thủ tục ra sao và ai chứng cho việc này? 
Ông Từ Dương Tuấn, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp Sở Tư pháp TP.HCM
Ông Từ Dương Tuấn, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp Sở Tư pháp TP.HCM

Theo quy định tại Điều 43 Luật HNGĐ 2014 thì tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn là tài sản riêng của vợ hoặc chồng và tài sản đó sẽ được phép định đoạt theo chế độ tài sản riêng.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 33 Luật HNGĐ 2014 thì trong thời kỳ hôn nhân, tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác được xác định là tài sản chung và được định đoạt theo chế độ tài sản chung.

Do đó, yêu cầu về tài sản của bạn hoàn toàn phù hợp với chế độ tài sản vợ chồng theo luật định. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận được quy định tại Điều 48 Luật HNGĐ 2014 và Điều 15 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP. Theo đó, trường hợp bạn lựa chọn áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì vợ chồng có thể thỏa thuận về xác định tài sản theo hướng thỏa thuận cụ thể về tài sản giữa vợ và chồng bao gồm tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng, xác định nguyên tắc những loại tài sản nào là tài sản riêng, những loại tài sản nào là tài sản chung, quyền và nghĩa vụ của vơ, chồng đối với mỗi loại tài sản đó, điều kiện và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản.

Tuy nhiên, cần lưu ý là cho dù thực hiện theo chế độ tài sản theo thỏa thuận, nhưng nếu trong trường hợp vợ chồng không có tài sản chung hoặc tài sản chung không đủ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ, chồng có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng theo khả năng kinh tế của mỗi bên (Khoản 2 Điều 30 Luật HNGĐ 2014).

Việc ký kết thỏa thuận này phải được thực hiện trước khi đăng ký kết hôn và phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định (Điều 47 Luật HNGĐ 2014).

Về thủ tục, giấy tờ cần thiết sẽ theo quy định tại Điều 40 và Điều 41 Luật Công chứng năm 2014. Cụ thể, hồ sơ yêu cầu công chứng được lập thành một bộ, gồm các giấy tờ sau đây:

a) Phiếu yêu cầu công chứng, trong đó có thông tin về họ tên, địa chỉ người yêu cầu công chứng, nội dung cần công chứng, danh mục giấy tờ gửi kèm theo; tên tổ chức hành nghề công chứng, họ tên người tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, thời điểm tiếp nhận hồ sơ;

b) Dự thảo hợp đồng, giao dịch;

c) Bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng;

d) Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó;

đ) Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có.

Để biết thêm chi tiết, bạn có thể liên hệ với các tổ chức hành nghề công chứng để được hướng dẫn cụ thể.

user
Quan Pham
Tôi đi làm được bảy năm dành dụm mua được một số tài sản như một miếng đất (chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), một căn hộ chung cư, một chiếc xe máy và một ít tiền trong tài khoản ngân hàng để làm ăn…Nếu qua năm tôi cưới vợ thì tôi muốn toàn bộ tài sản trên là tài sản của riêng tôi trước thời kỳ hôn nhân thì phải làm sao? Tôi muốn làm trước để đỡ rắc rối về sau và vợ chồng đỡ lấn cấn tiền bạc?
Ông Từ Dương Tuấn, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp Sở Tư pháp TP.HCM
Ông Từ Dương Tuấn, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp Sở Tư pháp TP.HCM

Theo quy định tại Điều 28 Luật HNGĐ 2014 thì vợ chồng có quyền lựa chọn việc áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận để từ đó, làm cơ sở thực hiện việc xác định,  quản lý, sử dụng và định đoạt các tài sản chung, riêng của vợ, chồng.

Về mặt nguyên tắc, chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được áp dụng trong trường hợp vợ chồng không lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận hoặc có thỏa thuận về chế độ tài sản nhưng thỏa thuận này bị Tòa án tuyên bố vô hiệu theo quy định tại Điều 50 của Luật Hôn nhân và gia đình (Điều 7 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP).

Chế độ tài sản theo thỏa thuận là chế độ tài sản được xác lập giữa vợ và chồng liên quan đến việc xác định nguyên tắc những loại tài sản nào là tài sản riêng, những loại tài sản nào là tài sản chung, quyền và nghĩa vụ của vơ, chồng đối với mỗi loại tài sản đó, điều kiện và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản.

Như vậy, với yêu cầu bạn đặt ra, thì bạn có thể cùng với vợ chưa cưới tiến hành lập thỏa thuận về việc lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận theo những nội dung Điều 48 Luật HNGĐ 2014 và Điều 15 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP.

Việc ký kết thỏa thuận này phải được thực hiện trước khi đăng ký kết hôn và phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định (Điều 47 Luật HNGĐ 2014). Cần lưu ý là: cho dù thực hiện theo chế độ tài sản theo thỏa thuận, nhưng nếu trong trường hợp vợ chồng không có tài sản chung hoặc tài sản chung không đủ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ, chồng có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng theo khả năng kinh tế của mỗi bên (Khoản 2 Điều 30 Luật HNGĐ 2014).

Bên cạnh đó, đối với những tài sản bạn có trước thời kỳ hôn nhân thì nếu bạn lựa chọn chế độ tài sản theo luật định thì vẫn được Luật HNGĐ 2014 xác định là tài sản riêng của bạn và được quyền định đoạt theo chế độ tài sản riêng.

Giao lưu trực tuyến: Quy định chế độ tài sản vợ chồng theo luật mới ảnh 77
 Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến Quy định chế độ tài sản vợ chồng theo luật mới. Ảnh: Huyền Vi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm