Các bài viết “Bình Chánh: Nhà xây lụi như nấm sau mưa” , “Nghi chung chi cả trăm triệu xây nhà lụi ở Bình Chánh” nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ bạn đọc.
Quy hoạch đô thị còn quá chậm, thiếu đồng bộ
Chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng đã có hàng loạt căn nhà không có giấy phép xây dựng xuất hiện trên đất nông nghiệp ở hai xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Tình trạng xây dựng không phép đang bùng phát trở lại ở huyện vùng ven này.
Bạn Lưu Thế Long cho rằng TP.HCM quy hoạch đô thị còn quá chậm, thiếu đồng bộ; để những người dân có đất không thể xây dựng nhà để ở nên họ mới xây dựng không phép. Vi phạm pháp luật do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có cả việc buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương.
Thắc mắc về việc xây dựng trái phép tràn lan ở địa phương này, bạn đọc AnhBay cho rằng tại sao việc xây dựng nhà không phép ở Bình Chánh tràn lan ra đó, căn nhà chứ đâu phải cây kim, cọng chỉ mà chính quyền địa phương không biết để ngăn chặn, cưỡng chế? Cần phải điều tra làm rõ, sai phạm thì phải xử lý, có khó khăn thì phải giải quyết để dân nhờ.
Phải lấy ý kiến rộng rãi, công khai
Trong tuần các bài viết “Nước mắm truyền thống lo bị “giết chết” bởi quy định mới; Tranh cãi kịch liệt về tiêu chuẩn nước mắm; Bất ngờ về dự thảo “giết” nước mắm truyền thống...” đã nhận được nhiều ý kiến bình luận của bạn đọc.
Cả tuần nay, thông tin dự thảo tiêu chuẩn quốc gia về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm (do Bộ NN&PTNT soạn thảo) bị các hiệp hội, doanh nghiệp nước mắm… phản ứng dữ dội.
Theo dõi suốt những tranh cãi quanh vụ việc này, hôm qua, sau khi đọc bài “Bất ngờ về dự thảo “giết” nước mắm truyền thống”, bạn Mạnh Quỳnh đã bình luận: “Cám ơn báo Pháp Luật TP.HCM đã chỉ rõ “tiêu chuẩn” thì chỉ là tự nguyện áp dụng chứ không có tính bắt buộc, chế tài khi vi phạm. Lẽ ra điều này phải được Bộ NN&PTNT giải thích ngay từ đầu để tránh hiểu nhầm, tranh cãi mất sức không đáng có”.
Vấn đề là việc tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, công khai của tổ chức, cá nhân có liên quan về dự thảo… đã được thực hiện ra sao mà hàng loạt hiệp hội nước mắm cho là “không biết gì cả” vậy? Bạn đọc Hoàng Lê nêu quan điểm: “Tôi đồng tình với tác giả bài viết là “Dự thảo phải được làm lại, kỹ hơn”. Nhiều nội dung liên quan đến giới nước mắm truyền thống thì phải có ý kiến góp ý của đối tượng tác động liên quan”.
“Khi làm dự thảo lại, nhà nước nên có văn bản nói rõ sự giống và khác nhau giữa nước mắm truyền thống với nước mắm công nghiệp. Tuy không chê bai gì nước mắm công nghiệp nhưng sự phân định rõ sẽ giúp các doanh nghiệp có sự cạnh tranh lành mạnh. Rồi tùy khẩu vị mà người dùng chọn mua để loại nào cũng có thị phần đàng hoàng, khỏi phải thắc mắc, cự nự” - bạn đọc Tấn Tài góp ý.
Những bài báo thu hút sự quan tâm bình luận của bạn đọc trong tuần qua.
“Hôi hoa” - chuyện đáng hổ thẹn!
Tuần qua, trên mạng xã hội đang xôn xao một đoạn clip ghi lại cảnh nhiều người lấy hoa trang trí trên các bồn trước khách sạn JW Marriott (đường Đỗ Đức Dục, Nam Từ Liêm, Hà Nội) tối 28-2, khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Hà Nội vừa kết thúc. Tiếp đó, mạng xã hội lại lan truyền clip người dân chen nhau, để xe giữa lòng đường để lấy những chậu hoa trang trí hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều trên tuyến phố Kim Mã (quận Ba Đình).
Trong số người lấy hoa có cả những người đi ô tô. Các bài viết “Cướp hoa sau hội nghị thượng đỉnh, xử lý sao?” ; “Sẽ truy vụ người dân “hôi hoa” trang trí trên phố Kim Mã…” nhận được nhiều ý kiến phản ứng của bạn đọc về hành vi vô ý thức này.
Bạn đọc Gia Bảo bình luận chua chát: “Nếu những đứa trẻ trông thấy cha mẹ chúng mang những bình hoa này về nhà mà nói: “Tại sao cha mẹ lại lấy trộm hoa của TP, hoa đang đẹp cơ mà?” thì tôi tin rằng những đứa trẻ ấy sẽ là một tương lai tốt của thủ đô. Còn nếu chúng mừng rỡ và reo lên: “Ôi hoa đẹp quá, cha mẹ lấy ở ngoài đường về à? Thế thì mai con sẽ rủ các bạn cùng ra lấy” thì tôi tin rằng những đứa trẻ ấy sẽ còn tiếp tục thiếu ý thức giống cha mẹ chúng”.
Bạn Miền Tây lo lắng: “Hàng ngàn nhà báo hãng tin nổi tiếng thế giới đã đưa tin, ghi hình những hình ảnh đẹp của dân Hà Nội, cảnh đẹp của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Giờ họ quay những cảnh này thì không biết họ nghĩ sao”.
“Những người “hôi hoa” đã làm xấu hình ảnh đất nước”, “Thật xấu hổ!”, “Không ngờ dân thủ đô mà hành động như vậy!”, “Xã hội văn minh sao có chuyện này?”… là những bình luận xót xa của các bạn đọc Vinh, Bùi Ngọc, Quang, Thu Ho…
Bóng đá phải trung thực và cao thượng Giải thưởng Fair Play của Pháp Luật TP.HCM nhiều năm qua cùng bạn đọc, các đơn vị, tổ chức, chuyên gia… đã xây dựng hình ảnh đẹp của bóng đá Việt Nam thông qua việc cổ vũ tinh thần fair play, tôn vinh cách thi đấu cao thượng, trong sáng của các cá nhân, tập thể của các đội bóng. Bài viết “Giải thưởng Fair Play 2018: Ai cũng xứng đáng” đã nhận được ý kiến của bạn đọc chia sẻ về sự kiện thể thao này sẽ diễn ra vào ngày 11-3 tới đây. - Xem các giải đá từ trong nước đến nước ngoài, tôi rất “dị ứng” với những lối chơi bạo lực, mánh khóe… Có giải thưởng này để đề cao tinh thần fair play trong bóng đá là việc làm rất cần thiết nhằm xây dựng hình ảnh bóng đá sạch. NĂM NGHĨA - Trong năm qua tôi thấy đã có rất nhiều nhân tố mới xuất hiện trong các giải như U-23 châu Á 2018, giải AFF Cup 2018. Hy vọng những người tham gia bình chọn sẽ chọn ra được nhân vật, tập thể xứng đáng với tinh thần fair play của giải thưởng đề ra. SƠN HOÀNG - Không chỉ trong bóng đá mà các môn thể thao khác cũng vậy, tranh đấu thì phải có thắng-thua. Thắng mà chảnh, thua đau lại cay cú rồi có những câu nói, hành động phi thể thao là không chấp nhận được. Có giải thưởng Fair Play này để có nền bóng đá trung thực và cao thượng hơn. NGUOIHAMMO |