Các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh, đặc biệt là Saudi Arabia, đóng vai trò là một lực lượng ổn định trong thế giới Ả Rập. Năm 2011, các nước này ủng hộ các phong trào nổi dậy ở Syria chống lại Tổng thống Bashar al-Assad với hy vọng giành được ảnh hưởng sau khi ông này sụp đổ.
Nhận thấy hy vọng này không thành hiện thực, các nước Ả Rập quay lại với cách tiếp cận truyền thống là duy trì sự ổn định. Một số nước Ả Rập như Jordan muốn chuyển người tị nạn Syria về nước, đó có thể là một động lực để các nước nối lại quan hệ với Syria.
Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan Al Saud (trái) gặp Tổng thống Syria Bashar al-Assad vào ngày 18-4 tại Damascus (Syria). Ảnh: AFP |
Ngoài ra, các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh có thể hy vọng vào các cơ hội tái thiết béo bở ở Syria sau nhiều năm bị tàn phá.
Nhìn sang Yemen, cuộc nội chiến ở nước này đặt ra mối đe dọa đáng kể đối với các nền kinh tế Ả Rập vùng Vịnh. Tên lửa và máy bay không người lái do Iran sản xuất và do nhóm phiến quân Houthi phóng nhắm vào các tài sản chiến lược ở UAE và Saudi Arabia. Nỗ lực đánh bại lực lượng Houthi không thành.
Ngày 9-4, phái đoàn Saudi Arabia và Oman đã hội đàm với các thủ lĩnh Houthi tại Sanaa (thủ đô Yemen). Oman từng là một trung gian hòa giải hiệu quả trong quá khứ, ngay cả giữa Iran và Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama.
Sự hòa giải của các nước Ả Rập với chính phủ ông al-Assad ở Syria và với nhóm Houthis ở Yemen là một phần của chiến lược lớn hơn: Sự tái lập quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran do Trung Quốc làm trung gian. Các nước Ả Rập bình thường hóa quan hệ với Syria là bước đầu tiên hướng tới bình thường hóa quan hệ với Iran, tương tự như những gì Saudi Arabia đang làm.