Tại sao phải bầu tổng thư ký Quốc hội?


Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc

. Phóng viên: Thưa ông, nhiệm vụ chính của chức danh Tổng thư ký là gì?

+ Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc: Việc bầu TTK là để chuẩn bị cho Luật Tổ chức QH khi có hiệu lực vì quy định trong luật này có bầu chức danh TTK để thực hiện những nhiệm vụ do luật tổ chức QH quy định về trách nhiệm của TTK. Do vậy, sáng nay, sẽ có nghị quyết xác nhận việc bầu TTK này và nghị quyết này có hiệu lực vào thời điểm luật có hiệu lực, tức 1-1-2016. 

Trách nhiệm của TTK thì luật quy định rất rõ: Chịu trách nhiệm tổ chức, xây dựng các chương trình làm việc của QH, UBTVQH; tổ chức những thông tin liên quan đến báo chí, thông tin, tuyên truyền của phiên họp TVQH; có vai trò là người chủ trì họp báo, phát ngôn của QH. Trong luật quy định TTK là Chủ nhiệm VPQH nên còn phải đảm bảo phục vụ cho các hoạt động của QH. Nhiệm vụ vẫn có sự phối hợp chặt chẽ. TTK có nhiệm vụ chuẩn bị các nghị quyết, dự thảo, thảo luận tại hội trường QH, họp tổ, đoàn… Ngoài ra còn có nhiệm vụ tổ chức các hoạt động chất vấn.

. Nếu thêm vai trò TTK thì ông thấy áp lực nhiều không? Đãi ngộ của chức danh TTK có khác gì so với vị trí Chủ nhiệm VPQH hiện nay ông đang đảm nhiệm?

+ Hiện nay với vai trò chủ nhiệm VPQH và trưởng đoàn thư ký thì đang làm nhiệm vụ đấy rồi, còn giờ theo luật thì nó tách bạch ra. Thứ hai là cũng đáp ứng yêu cầu hòa nhập với thông lệ chung của thế giới về tổ chức nghị viện. Hiện nay cả thế giới chỉ Việt Nam và Lào có chức danh Chủ nhiệm VPQH thôi, các nước đều chức danh là TTK. Cho nên để hòa nhập thế giới cũng nên khẳng định chức danh TTK và luật hóa nó.

Về đãi ngộ thì không có gì khác.
. Lần này đã bầu TTK, vậy có bỏ chức danh chủ nhiệm VPQH không?
+ Luật đã quy định là TTK QH đồng thời là chủ nhiệm VPQH. Có một bộ phận liên quan đến giúp việc TTK, có ban thư ký của QH và vẫn tồn tại Văn phòng QH. Ông TTK đồng thời là Chủ nhiệm VPQH. Phải lo hai vai, hai tay. Hiện nay vẫn đang làm như thế rồi, giờ tách ra thành hai chức danh.
Khi đi công tác nước ngoài thì giới thiệu chức danh là TTK.
. Như vậy, bộ máy có cồng kềnh thêm không?
+ Bộ máy không thay đổi mà chỉ có ban thư ký giúp việc cho TTK, trong điều kiện không tăng biên chế, sử dụng chính bộ máy của anh. Giúp việc cho TTK và chủ nhiệm là cả VPQH chứ không phải riêng ban thư ký. Trước nay như vậy rồi. Giờ chính danh là TTK để hòa nhập thế giới.
Về chức danh Phó TTK hiện đang chờ ý kiến UBTVQH. Chúng tôi cũng đang đề xuất có một phó giúp việc TTK. Theo quy định không tăng biên chế, chức danh chỉ là định hình, sử dụng ngay chính bộ máy đang có.
Sáng nay 25-11, Quốc hội đã công bố kết quả bầu cử Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia và các thành viên.

Theo đó, Chủ tịch Quốc hội khóa XIII Nguyễn Sinh Hùng được bầu làm Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia. Bốn Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia gồm: Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Ủy ban TW MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân.

Bên cạnh đó danh sách 16 ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia cũng được công bố.

Thay mặt Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cảm ơn sự tín nhiệm của Quốc hội giao trọng trách to lớn là hướng dẫn, đạo công tác bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. 

“Tôi hứa làm hết sức mình, tuân thủ nghiêm túc Hiến pháp và pháp luật để cuộc bầu cử được thực hiện theo đúng Hiến pháp và pháp luật. Mong các vị đại biểu, đồng bào ủng hộ, giám sát, giúp đỡ để tổ chức thành công cuộc bầu cử vào 22-5-2016” - ông nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới