Cuộc bỏ phiếu lấy ý kiến của các đội bóng về việc V-League trở lại ngày 15-4 hoặc 1-5 theo hình thức đá tập trung cách ly phía Bắc không khán giả, theo VPF có sáu đội bóng đồng ý. Ai cũng thấy những CLB chủ yếu ở miền Bắc nhờ lợi thế sân nhà và dĩ nhiên, họ cũng rất tỉnh táo yêu cầu kèm theo điều kiện khi các cơ quan chức năng cho phép đá giải.
Trong khi đó, có đến 8/14 đội bóng không ủng hộ các phương thức thi đấu của VPF lẫn thời điểm diễn ra quá cập rập và thiếu công bằng từ lợi ích kinh tế cho đến chất lượng chuyên môn. Tuy nhiên, VPF vẫn nằng nặc có thêm một cuộc họp trực tuyến vào ngày 31-3 để thống nhất ý kiến cho bóng lăn trở lại trong thời điểm cách ly toàn xã hội.
Bên cạnh một HA Gia Lai cương quyết không tham gia họp bàn chuyện xa rời nỗi lo lắng dịch bệnh chung của cả nước, các lãnh đạo đội B. Bình Dương, Nam Định, SHB Đà Nẵng vẫn trước sau như một không ủng hộ các phương án chơi bóng trên sân không khán giả và cách ly tập trung. Nhưng thật lạ lùng sau cuộc họp trực tuyến ấy, VPF độc quyền thông tin loan báo có thêm hai CLB Sài Gòn và TP.HCM đồng ý theo phương án của VPF, nâng tổng số đội ủng hộ lên con số 8/14, đồng nghĩa với quá nửa số phiếu thuận.
Bóng V-League có lăn thì mới nuôi được bộ máy làm nhiệm vụ và mới thu được tiền của các đội… Ảnh: TRÂM ANH
Đáng tiếc là ngay lập tức, hai đại diện của Sài Gòn và TP.HCM đều nói rõ sự thật họ không đồng ý theo VPF, mà tất cả cần có một sự đồng thuận tuyệt đối cho bóng lăn trở lại một cách bình thường khi hết dịch mà không nhất thiết phải đá tập trung ở phía Bắc.
Cái hay của những CLB chấp thuận phương án thi đấu tập trung của VPF là tất cả đều biết phải đến khi nào an toàn hoặc các tổ chức có thẩm quyền công bố hết dịch mới chịu đá. Nó khác với cái cách VPF cứ nằng nặc đòi bỏ phiếu và họp lấy số đông ủng hộ cho bóng lăn mà cố tình quên đi điều kiện an toàn sức khỏe cho người chơi. Phải đến khi bầu Đức của HA Gia Lai lớn tiếng phản ứng thì người ta mới đưa vào lưu ý “cơ quan chức năng cho phép tổ chức giải”.
Lý giải về chuyện VPF cứ đòi bóng lăn, bầu Đức rành rọt: “Chẳng có gì khó hiểu cả! Bóng không lăn thì VPF không thể thu tiền lệ phí chơi giải của 14 CLB (mỗi đội 500 triệu đồng) cùng các khoản tiền phạt, hoa hồng quảng cáo, tài trợ vô cùng lớn. Giá như cuộc họp của VPF bàn về chuyện hỗ trợ, giúp đỡ các CLB giảm tải khó khăn trong mùa dịch sẽ thực tế hơn và chúng tôi hoàn toàn ủng hộ hai tay. Khi cả nước lo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thì mỗi VPF bàn chuyện đá bóng là vô cảm và vô trách nhiệm.
Tôi biết VPF đang rảnh và tiếc cho họ trong lúc rỗi rãi cần tái cấu trúc tổ chức của mình, như việc không cho ông Trần Anh Tú kiêm nhiệm chủ tịch và tổng giám đốc sẽ hay hơn kiểu đi ngược lại dòng chảy của xã hội. Chỉ khi nào VPF có ông tổng giám đốc biết “cãi nhau, đánh nhau” với ông chủ tịch chứ không phải một ông ngồi hai ghế thì mới mong tổ chức này không bày ra những chuyện phản cảm và bất cập tương tự nữa. Tôi khẳng định có nhiều người có tâm và giỏi hơn ông Tú, thừa sức ngồi ghế tổng giám đốc mà tại sao cứ lấy cớ chưa tìm ra người”.
Phá sản các phương án, VPF “chuyền bóng” cho VFF Giám đốc điều hành B. Bình Dương Lê Hồng Cường đặt ra giả thiết nếu các địa phương phía Bắc tổ chức giải công bố hết dịch trong khi các nơi khác chưa hết, họ chấp nhận phương án thi đấu tập trung. Còn nếu mọi nơi đã bảo đảm an toàn như nhau thì không lý do gì B. Bình Dương không chơi trên sân nhà mình. Tương tự, Chủ tịch HA Gia Lai Đoàn Nguyên Đức và Chủ tịch CLB Sài Gòn Vũ Tiến Thành cho biết tình hình COVID-19 quá phức tạp và cần kiên nhẫn chờ hết dịch mới thi đấu lại với các phương án hợp lý. Giả sử khi các cơ quan chức năng công bố hết dịch thì đá bóng trở lại, không cần phải thi đấu tập trung và không có khán giả như cách tính của VPF. Trong khi đó, VPF đã nói lại cho rõ sau cuộc họp là một số CLB đồng ý với phương án thi đấu tập trung khi được các cơ quan chức năng có thẩm quyền cho phép tổ chức giải, một số CLB không đồng ý. Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc VPF Trần Anh Tú cho biết dựa trên các ý kiến của CLB sẽ tổng hợp báo cáo gửi VFF. |